Các chuyên gia thương hiệu đã nhận định rằng thương hiệu của một quốc gia sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế và tên tuổi của đất nước ấy. Chính vì vậy, Việt Nam cũng đang nỗ lực xây dựng một hình ảnh, một thương hiệu chung cho đất nước trên trường quốc tế.
Simon Anholt - chuyên gia tư vấn thương hiệu hàng đầu thế giới, đã đưa ra 6 chỉ tiêu để đánh giá thương hiệu một quốc gia gồm: sự thu hút đầu tư, chính sách nhập cư, chất lượng hàng xuất khẩu, sự lôi cuốn về văn hóa và di sản, trình độ nhân lực, chất lượng quản trị và du lịch.
Hiện nay, Bộ Thương mại đang triển khai chương trình thương hiệu quốc gia hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện quảng bá thương hiệu của mình. Tiếp đó, Bộ cũng tiến hành tìm kiếm chọn những sản phẩm tiêu tiểu của doanh nghiệp, địa phương để cùng với doanh nghiệp xây dựng hình ảnh thương hiệu cho sản phẩm, qua thương hiệu sản phẩm cũng để quảng bá hình ảnh quốc gia.
Những thương hiệu sản phẩm quốc gia phải hội tụ đủ 3 yếu tố: chất lượng, năng động và sáng tạo. Các doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm quốc gia sẽ được các ban ngành hỗ trợ về mặt xây dựng chiến lược quảng bá phát triển thương hiệu, bảo vệ thương hiệu, hỗ trợ thông tin về xuất khẩu. Việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm nhằm nâng tầm cho hàng hóa của Việt Nam lên cao hơn, tạo thêm lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới ở thời kinh tế hội nhập.
Tại hội thảo về chủ đề báo chí và quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam, được Tập đoàn Unilever phối hợp với tạp chí The Guide tổ chức ngày 24/1/2008 tại Tp.HCM, các ý kiến các diễn giả cho rằng Việt Nam khó có thể nhanh chóng xây dựng được hình ảnh chung của quốc gia qua con đường kinh tế. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh nhưng trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh, so với họ Việt Nam không thể theo kịp.
Đến nay, người tiêu dùng trên thế giới nhắc đến ô tô là họ nghĩ ngay đến nước Đức, nhắc đến hàng điện tử là nhắc đến Nhật Bản. Người châu Âu hễ nói đến bia hay chocolate là mọi người nhớ đến Bỉ, nơi được xem là lò sản xuất 2 mặt hàng bia và chocolate ngon nhất châu Âu. Các thương hiệu quốc gia trên thế giới đều được hình thành từ những điểm riêng biệt và vốn của chỉ riêng họ, khó có nơi nào thay thế.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Quang Dũng cho rằng Việt Nam có thể xây dựng hình ảnh quốc gia bằng hình thức thông qua ngành du lịch. Đó là dựa vào đặc điểm của nền văn hóa Việt Nam. Với nền văn hóa đa sắc, hội tụ những nét văn hóa đặc trưng cộng với cảnh quan thiên nhiên phong phú thì du lịch sẽ là con đường thuận tiện giúp Việt Nam nhanh chóng đưa hình ảnh quốc gia ra thế giới.
Theo như nhận định của Tổng giám đốc công ty quảng cáo MindShare Việt Nam, bà Nicole Vooijs, ngành du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa. Đến thời điểm này, so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan... thì du lịch Việt Nam vẫn chưa thực hiện nhiều về công tác quảng bá hình ảnh đất nước ra thị trường quốc tế.
Theo kết quả bản khảo sát ý kiến của người nước ngoài về nhu cầu đến với ngành du lịch Việt Nam có đến 58% người được hỏi đều có ý muốn đến thăm quan Việt Nam, 16% ý kiến cho rằng Việt Nam rất độc đáo, chỉ có 15% người đã đến Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh ra quốc tế hơn nữa.
Lâu nay, người nước ngoài đến Việt Nam mới chỉ với mục đích để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ông Tony Lê Đình Tuấn, Giám đốc công ty tư vấn du lịch Celadon International Việt Nam, bộc bạch những suy nghĩ rút ra từ sau những cuộc tiếp xúc với một số doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam, phần lớn người nước ngoài đến Việt Nam đều vì cơ hội kinh doanh.
Tuy nhiên, khi thực sự bước vào Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đã gặp không ít những khó khăn, nhất là trong thời điểm nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh như hiện nay. Các ngành tài chính, bất động sản đang thu hút nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng theo ý kiến của Tổng giám đốc công ty quảng cáo MindShare Việt Nam, xây dựng thương hiệu quốc gia bằng ngành du lịch sẽ có nhiều thuận lợi và có nhiều phương tiện thực hiện hoạt động quảng bá. Ngoài kênh thông tin xúc tiến công nghệ điện tử (website giới thiệu), còn có các hãng hàng không, kênh tuyên truyền trên báo chí. Song việc xây dựng 1 thương hiệu quốc gia cần có sự phối hợp giữa ban ngành quản lí và doanh nghiệp cùng với tất cả mọi người trong quốc gia.
Xây dựng thương hiệu thu phục được lòng người đã khó thì việc giữ gìn thương hiệu càng khó hơn, đòi hỏi sự hợp sức chung ý chí của tất cả mọi người. Một điều vô cùng quan trọng là hãy tạo cho mọi người lòng tin tưởng và chứng minh bằng những hành động cho họ thấy những gì mà họ đã được nghe trước đó.
Nếu xác định du lịch sẽ là một kênh xây dựng thương hiệu quốc gia, Việt Nam cần phải xây dựng ngành du lịch phát triển hài hòa, phong phú và đặc sắc. Các nhà nghiên cứu về văn hóa đều cho rằng du lịch Việt Nam có thể khai thác góc độ nét văn hóa vốn có của mình làm thế mạnh để thu hút du khách đến tham quan, tạo cho mọi người có được ấn tượng sâu sắc khi đến với du lịch của Việt Nam.
“Trong lịch sử, Việt Nam cũng đã có những công trình mang dáng vóc độc đáo. Song do thời gian hầu hết các công trình đã bị xóa nhòa. Một nền du lịch phát triển thì không thể thiếu sự phối hợp giữa các di sản phi vật thể và những di sản vật thể, thiên nhiên kết hợp với những công trình kiến trúc đậm nét văn hóa dân tộc sẽ tạo ra một sản phẩm đặc sắc cho ngành du lịch quốc gia”, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Quang Dũng nói.
AMICA sưu tầm