Không theo kiểu làm ăn bết bát mà vẫn mở rộng hoạt động địa bàn như Metro Việt Nam, Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - NGK Sài Gòn (Sabeco) lần này là miếng ngon béo bở cho các tập đoàn nước giải khát về cả khối tài sản khổng lồ cùng hệ thống phân phối rộng khắp trong nước và trên thế giới.
Liên tục bỏ ngỏ tìm nhà đầu tư chiến lược
Đây không phải là lần đầu tiên có tập đoàn ngỏ lời muốn mua lại Sabeco, trước đó, các tên tuổi trong làng bia thế giới, như Heineken, AB InBev, SAB Miller, Asahi… đều xếp hàng, xin đăng ký trở thành cổ đông chiến lược nhưng đều được bỏ ngỏ qua các kì họp đại hội đồng cổ đông.
Bộ Công thương – đại diện vốn nhà nước – hiện đang nắm giữ 89,59% cổ phần của Sabeco, theo thông tin công bố tại thời điểm IPO của Sabeco, sẽ thoái bớt vốn khỏi Sabeco, chỉ nắm khoảng 51% vốn.
Gần đây có thông tin Bộ Công thương đã đề xuất phương án bán tiếp cổ phần của Sabeco trong giai đoạn 2014-2015 theo 2 bước. Theo đó, bước 1 sẽ giảm vốn điều lệ của Nhà nước tại Sabeco từ mức 89,59% hiện tại xuống còn 65% và ở bước 2, Nhà nước chỉ còn nắm giữ dưới 40% vốn điều lệ tại doanh nghiệp này.
Sabeco có thị phần mạnh nhất thị trường sản xuất bia Việt Nam.
Nhưng thực tế, câu chuyện thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệpnày cho đến nay vẫn chưa có gì mới. Ngoài cổ đông lớn nhất là Bộ Công thương, các tổ chức như Công ty TNHH Able Win Gain - British Virgin Island và Asia Pacific Breweries - Singapore chỉ nắm 5,13% vốn. Trên thực tế, để nắm được tỷ lệ này, Able Win Gain và Asia Pacific Breweries đã phải chớp thời cơ mua gián tiếp ngay từ thời điểm Sabeco chào bán cổ phần (năm 2008). Sau thời điểm này, việc chen chân vào Sabeco của các tổ chức gần như là không thể.
Kế hoạch bán 20% cổ phần của Sabeco cho đối tác chiến lược, sau đó niêm yết và bán tiếp 20% vốn qua sàn, đã được phê duyệt, nhưng vì sao vẫn chưa thực hiện được? Nguyên nhân được đưa ra là Sabeco chỉ được niêm yết khi đã chọn được đối tác chiến lược nước ngoài (theo Quyết định 6335/QĐ-BCT và Quy chế bán cổ phần nhà nước tại Sabeco cho nhà đầu tư chiến lược). Các bước đi của Sabeco hoàn toàn phụ thuộc vào sự suy xét tình hình quản trị, chiến lược của Bộ Công thương.
Miếng bánh ngon Sabeco
Sabeco hoạt động trong ngành nghề hấp dẫn, lại là công ty đầu ngành với trên 40% thị phần tiêu thụ bia toàn quốc. Sản lượng tiêu thụ và doanh thu của Sabeco đang bỏ xa 2 đối thủ chính là Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam VBL và Tổng CTCP Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2014, lượng tiêu thụ bia của Việt Nam lên đến gần 3 tỷ lít, riêng Sabeco đóng góp cho sản xuất 1,09 tỷ lít, tăng 2,8% so với cùng kì năm ngoái. Với hệ thống phân phối qua 23 công ty con và 23 công ty liên doanh liên kết trên tất cả các vùng miền đất nước và các quốc gia trên thế giới, các sản phẩm bia rượu, nước giải khát của Sabeco có lợi thế mạnh về thị phần tiêu thụ.
Vì thế, không chỉ các nhà đầu tư tài chính mà những hãng bia lớn trên thế giới gồm Tập đoàn Heineken (Hà Lan), Asahi (Nhật Bản) và SAB Miller (Mỹ) và đến nay là ThaiBev (Thái Lan) đều quan tâm tới việc mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco.
Hệ thống phân phối bia Sài Gòn rộng khắp cả nước.
Trong báo cáo tài chính gần đây nhất của Sabeco, đến hết ngày 30/6/2014, doanh thu của Tổng công ty đạt 14.403 tỷ đồng (680 triệu USD), tăng 12,5% so với 6 tháng đầu năm 2013, tăng 6% so với đầu năm. Tỷ suất lợi nhuận thuần/doanh thu thường xuyên trên 20%. Mỗi năm, Tổng công ty trích cổ tức 8% cho cổ đông, lãi cơ bản trên cổ phiếu ở mức cao 2.545 đồng (năm 2013 là 2.134 đồng).
Mối lương duyên của Sabeco và tỷ phú người Thái đã bắt đầu từ năm 2010 sau khi BJC - một trong 5 công ty con dưới quyền Tập đoàn TCC của gia đình tỷ phú Charoen thâm nhập vào thị trường bao bì Việt Nam.
Sau khi kết hợp thành công với Owen Illinois, một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất bao bì của Mỹ, trong thương vụ thâu tóm Công ty cổ phần Fraser and Neave (công ty chuyên sản xuất thực phẩm và nước giải khát có trụ sở tại Singapore), BJC đã trở thành đối tác của Sabeco trong Công ty Bao bì thủy tinh Malaya Việt Nam (MVG).Sabeco nắm 30% cổ phần công ty MVG, tính đến 30/6/2014, Sabeco đã đầu tư vào nhà máy chai thủy tinh ở Bình Dương 60,6 tỷ đồng.
Nếu trở thành nhà cổ đông chiến lược của Sabeco, ngoài thị phần rộng khắp cả nước, tỷ phú người Thái còn có quyền chi phối khối bất động sản khổng lồ mà Sabeco đang năm giữ. Riêng giá trị quyền sử dụng đất cho 5 mảnh đất ở Tp Hồ chí Minh theo sổ sách sau khi định giá lại thời điểm IPO đến ngày 30/6 là 1.492 tỷ đồng, Sabeco chưa trích khấu hao cho những mảnh đất này do chưa xác định chắc chắn thời gian sử dụng và chi phí phân bổ cho bất động sản, mỗi năm bỏ ra chi phí sử dụng đất 13-14 tỷ đồng tiền thuế.
Ngoài ra, khi ôm trọn Metro Việt Nam, tỷ phú người Thái đã mừng ra mặt khi có thêm 4.000 nhân công người Việt tham gia vào chuỗi hoạt động kinh doanh 10.000 người của tập đoàn TCC. Hiện tại, Sabeco có tới 5.576 nhân viên (cuối năm 2013 là 4.964 nhân viên) là các công nhân, kỹ sư… có trình độ và thâm niên lao động.
Với giá trị xác định là 2 tỷ USD cho thương vụ thâu tóm Sabeco mà ThaiBev đưa ra, nếu Bộ Công thương đồng ý, đây chắc chắn là món hời mà tỷ phú người Thái có thể sử dụng được lâu dài cả về chiến lược kinh doanh lẫn thị trường.
Nguồn: An ninh tiền tệ - AMICA sưu tầm