Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Cần thay đổi tư duy chờ đợi

Ngành công nghiệp phụ trợ cần nhiều hơn nữa sự chủ động.

Sự xuất hiện của các dự án đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, LG, Microsoft, Intel hay Mitsubishi Heavy Industries đã mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong nước vì có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn này. Nhưng để làm được điều đó, doanh nghiệp Việt cần phải thay đổi tư duy, chủ động đầu tư thay vì chờ đợi sự hỗ trợ từ chính sách và các tập đoàn lớn. NCĐT đã trao đổi với Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, xung quanh vấn đề này.

Ông có cho rằng các công ty đa quốc gia đã mang đến cơ hội kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ của Việt Nam nhưng họ lại chưa tận dụng được?

Cách đây vài tuần ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Khu tổ hợp Samsung Bắc Ninh, có trao đổi với tôi rằng Samsung sẽ ở lại Việt Nam lâu dài. Có thể lúc nào đó Samsung sẽ rút khỏi Việt Nam, nhưng cái mà họ muốn không chỉ là lợi nhuận mà là sẽ để lại điều gì đó cho Việt Nam. Tôi rất đồng tình với ý kiến đó.

Hiện tại, Samsung cũng như nhiều công ty đa quốc gia khác như Robert Bosch hay Nissan đã xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Và cái mà họ để lại là đội ngũ kỹ sư cao cấp, công nhân lành nghề mà Việt Nam có thể sử dụng sau này. Ở đâu có đầu tư nước ngoài cũng có những mặt tích cực như vậy, vấn đề là mình có biết cách tiếp thu hay không.

Về công nghiệp hỗ trợ, các công ty đa quốc gia đưa ra những tiêu chuẩn rất cao để trở thành nhà cung ứng cho họ. Vì điều đó còn liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và uy tín của họ nữa. Tôi nghĩ chưa bao giờ Việt Nam có cơ hội phát triển công nghiệp phụ trợ lớn như bây giờ. Chúng ta có sẵn các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động ngay tại Việt Nam và có nhu cầu mua thiết bị, linh kiện phụ trợ. Nếu mua được từ các công ty Việt Nam, họ sẽ giảm được chi phí rất nhiều so với phải nhập từ bên ngoài.

Nhưng đáng tiếc là chúng ta chưa tận dụng được cơ hội đó. Bằng chứng là linh kiện cung cấp cho các tập đoàn như Samsung hay Intel được sản xuất tại Việt Nam hầu hết vẫn do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đảm nhiệm.

Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta không đủ trình độ để làm ra những linh kiện dù nhỏ như cái ốc vít. Ông có nghĩ như vậy?

Tôi không nghĩ thế. Trình độ người Việt Nam không thua gì các nước khác trong khu vực. Bằng chứng là tại các nhà máy của Samsung ở Thái Nguyên hay Bắc Ninh, những nơi đang sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, đều do phần lớn người Việt Nam vận hành.

Rõ ràng, trình độ lao động của chúng ta đủ khả năng làm những việc đó. Vấn đề chỉ là chúng ta cần biết phải nhập máy móc, thiết bị sản xuất gì để đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Làm ăn với tập đoàn lớn như Samsung hay LG thì không thể chỉ đầu tư mua máy móc trị giá 1-2 triệu USD mà cần nhiều hơn thế. Ngoài ra, cũng phải đáp ứng cả các tiêu chuẩn khác như lao động và môi trường.

Theo tôi biết, có khoảng 15 doanh nghiệp Việt đang tiếp cận Samsung để tìm cách hợp tác cung cấp sản phẩm cho tập đoàn này. Đó là tín hiệu tốt. Chỉ riêng Samsung đến năm 2015 cần tới 200 doanh nghiệp hỗ trợ. Nếu chúng ta không làm được, cơ hội này sẽ lại rơi vào tay các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật.

Trong hội thảo mới đây về công nghiệp phụ trợ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khẳng định họ đủ khả năng để làm nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung tại Việt Nam, nhưng yêu cầu Samsung phải cam kết thu mua hết sản phẩm và hỗ trợ công nghệ cho họ. Có như vậy, họ mới đầu tư. Ngược lại Samsung trả lời rằng doanh nghiệp cần chủ động đầu tư trước, sau đó họ mới đưa ra cam kết. Ông nghĩ sao về điều này?

Nếu là Samsung, chúng ta có đồng ý không? Với cách suy nghĩ đó của doanh nghiệp Việt thì không thể làm được. Samsung có ý định làm thật sự, nên mới tổ chức một hội thảo như vậy, đưa mấy chục người sang để ngồi nghe và trao đổi với doanh nghiệp trong nước.

Tôi biết một doanh nghiệp Việt muốn trở thành nhà cung ứng cho một công ty Nhật. Nhưng khi đơn vị này đưa sản phẩm đến thì bị bỏ hết. Công ty ký hợp đồng lại, đảm bảo đưa sản phẩm chất lượng đến và họ đã thành công khi được chọn làm nhà cung cấp cho doanh nghiệp Nhật đó. Chúng ta cần phải có cách nghĩ như vậy. Không chỉ chúng ta phải đáp ứng về chất lượng mà còn phải đáp ứng cả về những yêu cầu như giá cả và thời gian giao hàng.

Như vậy muốn trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp Việt phải thay đổi tư duy?

Đúng vậy. Chúng ta phải chủ động đầu tư thiết bị sản xuất, công nghệ và giới thiệu sản phẩm với các tập đoàn đa quốc gia cũng như có được sự tin tưởng của họ. Như vậy sẽ tốt hơn là ngồi chờ đợi được hỗ trợ. Sẽ không ai hỗ trợ hoặc cam kết bao tiêu sản phẩm khi chưa biết mình làm được những gì.

Trong bối cảnh quan hệ giữa các nước như Nhật, Hàn Quốc với Trung Quốc không được tốt như hiện nay, nếu doanh nghiệp Việt Nam vươn lên, cơ hội sẽ rất lớn.

Theo Thùy Trang (Nhịp cầu đầu tư) - AMICA sưu tầm

Tags: 1

BÀI VIẾT LIÊN QUAN