Thương hiệu thời trang Việt: Nỗ lực quẫy đạp trên sân nhà

Cuối tháng 4/2012, sự kiện bán hàng giảm giá đến 80%, dọn dẹp sạch sẽ các cửa hàng Ninomaxx và đóng cửa một số cửa hàng tại TP.HCM của Công ty cổ phần Thời Trang Việt được giới kinh doanh thời trang đồn thổi về khả năng phá sản của đơn vị này. Nhưng ông Thomas J.Ngo, Giám đốc điều hành Công ty Thời Trang Việt khẳng định: công ty vẫn hoạt động tốt, giảm giá để chuẩn bị cho một sự đổi mới toàn diện. Việc giảm giá gây sốc có thể là chiến lược chuyển đổi của Ninomaxx, nhưng xem ra, câu chuyện giảm giá như một nỗ lực quẫy đạp trong cơn nguy khó chung đã lan rộng trong hệ thống các doanh nghiệp dệt may.

Thời trang Việt chật vật tìm chỗ đứng - Báo Kinh tế đô thị

Thất thủ trước hàng Trung Quốc ngay tại sân nhà, hầu hết các DN dệt may lúng túng trong kinh doanh, cố gắng cầm cự, chờ thời. Trở tay vẫn không kịp

Sau một thời gian xây dựng, tạo dấu ấn hàng Việt, những thương hiệu thời trang như: Foci, Việt Thy, Sea, Sanding, May Sài Gòn 2… gần đây buộc phải thu hẹp qui mô, hoạt động cầm chừng vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 2 cho biết, hiện tại sản xuất cho thị trường nội địa của công ty giảm 20-25% so với trước Tết. Nếu như trước đây, trung bình mỗi tháng công ty cho ra đời 70 - 80 mẫu quần áo mới thì hiện nay con số này chưa được một nửa. Ngay cả bán hàng cho các siêu thị, công ty cũng ưu tiên hình thức mua đứt bán đoạn hoặc cho phép trả hàng đối với một số mặt hàng đặc thù và tỉ lệ rất thấp. May Sài Gòn 2 chấp nhận "buông" thị trường nội địa. Khuyến mãi giảm giá cũng chỉ tập trung vào những dịp lễ chứ không "đánh mạnh" vì khuyến mãi nhiều quá sẽ lỗ, còn chỉ khuyến mãi 10 - 15% thì không đủ "ép phê", ông chia sẻ.

Còn bà Nguyễn Thị Báu, Giám đốc Công ty Thời trang Nguyên Tâm - Foci, thừa nhận: trong hơn 20 năm kinh doanh của mình, chưa bao giờ thấy sức mua giảm kỷ lục như hiện nay. "Lúc này, để tồn tại, chúng tôi cắt giảm tất cả các khoản đầu tư mới. Bên cạnh đó, Foci cũng khoanh vùng khách hàng mục tiêu, cơ cấu lại hệ thống cửa hàng để giảm chi phí và hướng đến cách thức tiếp cận khách hàng thông qua kênh thương mại điện tử", bà Báu cho biết.

Theo khảo sát của Doanh Nhân, tại nhiều cửa hàng thời trang, hàng tồn kho chất cao như núi. Mặc dù chủ cửa hàng mở nhiều đợt siêu giảm giá, bán hàng outlet nhưng vẫn không giải quyết hết. Một số cửa hàng vẫn lưu tồn kho với hy vọng miền Nam không có mùa rõ rệt, sản phẩm lúc này bán không được thì để lại bán lúc khác, bất chấp việc tồn kho cao làm chôn vốn, lâu dài có thể làm khách quay lưng lại với mình vì khó tìm được sản phẩm mới.

Le lói đổi mới, lúng túng hướng đi

Trong khi một số doanh nghiệp may mặc có dấu hiệu cạn sức thì cũng có một vài doanh nghiệp cố gắng "bật dậy" để hy vọng thay đổi tình hình. Ông Thomas J.Ngo của Công ty Thời Trang Việt khẳng định: trong khó khăn có cơ hội. Theo đó, công ty ông sẽ thay đổi toàn diện từ sản phẩm, kênh phân phối, đối tượng khách, đến quản lý công ty, quản trị hàng tồn kho… Trong vòng 2-5 tháng nữa, Thời Trang Việt sẽ trình làng sắc diện mới. Song song đó, công ty sẽ phát triển từ 10-15 trung tâm mua sắm lớn (Ninomaxx Concept) rộng từ 1.000 m2 trở lên, mang lại tiện ích tối đa cho khách… Phía Thời Trang Việt từ chối công bố tổng vốn đầu tư cho cuộc "cải tổ" này, nhưng theo những người trong ngành, sẽ không có nhiều doanh nghiệp dệt may thời trang dám bỏ ra số tiền lớn để làm mới mình như Ninomaxx.

Cho dù khó khăn chồng chất, vẫn có doanh nghiệp may mặc kiên trì với chiến lược thị trường nội địa. Chủ tịch HĐQT một công ty thời trang lớn cho rằng, khó khăn là có thực, sự cạnh tranh từ hàng nhập lậu Trung Quốc là có thực, nhưng nếu doanh nghiệp chú tâm, có chiến lược tốt và có tâm huyết với thương hiệu của mình thì vẫn sống được. Cái yếu của doanh nghiệp may mặc Việt là thiếu chiến lược rõ ràng. Không có chiến lược, doanh nghiệp dễ hoang mang, dao động khi thị trường khó khăn. Mặt khác, nếu đầu tư tiền tỉ để phát triển thị trường nội địa mà doanh nghiệp không làm đến nơi đến chốn thì đó là sự lãng phí lớn.

Tuy nhiên, câu chuyện của số đông doanh nghiệp may mặc khi tìm cách chiếm lại "sân nhà" thật sự không dễ dàng. Ngay các doanh nghiệp lớn như: Việt Tiến, Việt Thắng, May Nhà Bè, May 10, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và một số doanh nghiệp may mặc thời trang tư nhân cũng gặp khó khi liên tiếp cho ra đời các dòng nhãn hiệu thời trang từ cao cấp đến bình dân để phục vụ thị trường nội địa nhưng vẫn bí đầu ra. Và như thế, hướng đi cho các doanh nghiệp may mặc tại thị trường nội địa, liệu có bị hoàn cảnh khó khăn chung lúc này làm lạc hướng? Sự thiếu kiên định và thiếu chiến lược lâu dài cho thị trường nội địa của các công ty may mặc phải chăng sẽ lại kéo dài trong nhiều năm?

Ðừng để doanh nghiệp đơn độc
(Bà Nguyễn Thị Phượng, Giám đốc DNTN may mặc An Phú)
 Chúng tôi có thể nâng cao sức cạnh tranh của mình bằng cách thay đổi mẫu mã liên tục, tiết giảm chi phí để có giá cả cạnh tranh và đảm bảo chất lượng tốt hơn hàng không rõ xuất xứ, nguồn gốc. Nhưng chúng tôi không thể đơn độc cạnh tranh lại được với những sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc có mức giá quá thấp. Doanh nghiệp mong chờ vào sự bảo vệ của các cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu không sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đành lòng nhắm mắt chọn giải pháp đóng máy, cho thợ tạm nghỉ, đưa hàng sang gia công bên Trung Quốc về bán, kiếm lời dễ dàng hơn. Khi đó, thị trường Việt Nam cam tâm trở thành nơi ưu tiên tiêu thụ hàng Trung Quốc. Giảm giá nhưng đảm bảo chất lượng:
(Bà Ngô Thị Báu, Giám đốc Công ty thời trang Nguyên Tâm - FOCI )
 Hàng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc đang trở lại bành trướng tại thị truờng Việt Nam, tương tự như thời điểm năm 2009. Khó khăn hơn, năm nay, xuất khẩu dệt may của Trung Quốc giảm, tồn kho nhiều nên dồn dập "xả" hàng vào Việt Nam với mức giá rẻ hơn đến 30% so với hàng sản xuất trong nước.

Về phía FOCI, sẽ đưa ra bộ sưu tập năm 2012 với mức giá "mềm" hơn đến 30 - 40% nhưng chất lượng không thay đổi, mẫu mã cập nhật nhanh và nhiều hơn trước.

Chiến lược và chiến thuật:(Bà Đặng Thị Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam) Muốn thay đổi vị thế của hàng Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may phải có chiến lược dài hơi và chiến thuật phù hợp trong từng thời điểm. Cần đầu tư mạnh vào hệ thống bán lẻ và các siêu thị chuyên ngành. Doanh nghiệp phải nâng cao năng lực, cải tiến mẫu mã, chất lượng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần lựa chọn hướng đi để chuyên môn hóa sản phẩm may mặc, không sản xuất nhỏ lẻ, trùng lặp nhau như hiện nay để tiết giảm chi phí sản xuất.

AMICA sưu tầm 

Tags: 4

BÀI VIẾT LIÊN QUAN