Tràn lan gạo Việt gắn mác ngoại: Bài học đắt giá!

Trước thực trạng gạo Việt phải “mặc áo” ngoại mới được người tiêu dùng trong nước chấp nhận cho thấy bài học đắt giá về chất lượng và thương hiệu mà gạo Việt dù được nhắc nhở nhưng vẫn còn “tiếp thu” chậm.

Từ năm 2016 trở lại đây, nhiều loại gạo trồng tại Đồng bằng sông Cửu Long được gắn mác Thái Lan, Campuchia cho đến Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… bỗng trở nên hút hàng dù giá bán chỉ nhỉnh hơn mấy nghìn đồng. Thực trạng trên không chỉ diễn ra ở những điểm kinh doanh nhỏ lẻ tại nhiều tỉnh thành mà ngay các hệ thống siêu thị lớn cũng xảy ra tình cảnh tương tự.

Nói về tình trạng “thất thế” của gạo Việt ngay trong thị trường nội địa, các chuyên gia cho rằng, đã tới lúc gạo Việt cần nâng cao cả về chất lượng và thương hiệu để không phải mượn mác ngoại mới đến được mâm cơm người Việt.

 

“Mất mặt” gạo Việt

Điều này khiến dư luận bức xúc cho rằng các doanh nghiệp sản xuất gạo trong nước vẫn còn giữ nếp nghĩ không quá coi trọng thương hiệu, thậm chí bán rẻ thương hiệu nên bây giờ phải trả cái giá khá đắt. Và không thể “mất mặt” hơn khi ở một quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới lại phải mượn thương hiệu nước ngoài để bán được gạo nội trên đất nhà.

Từ chuyện này, có thể lấy bài học về việc xây dựng và phát triển thương hiệu gạo xuất khẩu của Thái Lan (vốn đang được gạo Việt gắn mác nhiều nhất) cho các nhà sản xuất gạo Việt cùng suy ngẫm.
Gạo thơm Thái Lan có lịch sử trên 100 năm. Năm 1959, Thái Lan chính thức công bố các giống lúa gạo nổi tiếng – Thai Hom Mali Rice, đồng thời xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cho các loại gạo.

Theo đó, có năm điều tạo nên sự khác biệt gồm: tiêu đề thương hiệu, đảm bảo cho người đọc hiểu được sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan; tiêu chí về độ tinh khiết; mã vạch; nguồn gốc về bao bì; logo, màu sắc, nhận diện bao bì đều phải thể hiện sự thống nhất.

Gạo “Thai Hom Mali” của Thái Lan với tên thương hiệu hiện tại “Khao Hom Ma-li thung Kula Ronghai” là sản phẩm đầu tiên ở Đông Nam Á được đăng ký theo chương trình bảo hộ chỉ dẫn địa lý (PGI) của Liên minh châu Âu.

Trong chiến lược tuyên truyền hàng xuất khẩu, “Gạo Thái” được đặt lên vị trí hàng đầu và Thái Lan đổ nhiều công sức, kể cả tài chính vào công tác quảng cáo. Tất cả các cơ hội như: Festival, Hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước đều được Thái Lan tận dụng tối đa.

Ngoài ra, Thái Lan còn hợp tác với các nước, nhất là các nước ASEAN, lập ra các tổ chức như: Hiệp hội lúa gạo, Hợp tác đối tác trao đổi lúa gạo, Hiệp hội tiêu thụ gạo… nhằm tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm với các nước. Chính vì vậy, “Gạo Thái” đã trở thành thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.

Trong khi đó, Việt Nam hiện có hơn 200 doanh nghiệp với quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu còn rất hạn chế. Trong bối cảnh thị trường quốc tế với mức độ cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt, áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt không chỉ có giá mà còn cả chất lượng và thương hiệu sản phẩm.

Nhiều loại gạo Việt trồng tại Đồng bằng sông Cửu Long đang được gắn mác ngoại

 

Cần sự liên kết

Được biết, theo mục tiêu đề ra của ngành nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, hình ảnh gạo Việt được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu; thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia; phấn đấu đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam.

Đến năm 2030, các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm; phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó, 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.

Ts. Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại cho rằng, đây là việc làm cần thiết, nhằm tái cấu trúc ngành lúa gạo về sản phẩm, thị trường, bảo đảm sự phát triển bền vững, hiệu quả.
Việc xây dựng thương hiệu sẽ gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất, ứng dụng khoa học – công nghệ về giống, kỹ thuật, chế biến, bảo quản, đóng gói và phân phối, tiếp thị.

Theo Ts. Minh, các giải pháp căn cơ và chương trình thực hiện cũng đã được xây dựng cụ thể. Điều quan trọng là giám sát triển khai như thế nào để Đề án đi vào thực tế cuộc sống của nông dân, của doanh nghiệp và tất cả các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị gạo.

Có thể nói, không thể xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt Nam nếu không có sự liên kết giữa Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, nông dân và doanh nghiệp.

Trong đó, doanh nghiệp là chủ thể của quá trình xây dựng. Chính phủ, các bộ, ngành có chính sách, giải pháp cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động, tích cực tham gia hiệu quả vào quá trình này.

Còn theo Ts. Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, trong vấn đề xây dựng thương hiệu gạo Việt, từ cánh đồng lớn, tiến tới vùng chuyên canh, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu để có sản lượng lớn đồng đều, sản xuất theo quy chuẩn, giúp các doanh nghiệp lương thực nghiên cứu thị trường xây dựng thương hiệu lúa gạo, giúp nông dân sản xuất hướng đến thị trường, sản xuất theo tiêu chuẩn bảo đảm chất lượng, đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tăng giá trị hàng hóa và tăng thu nhập. Xây dựng thương hiệu gạo cần theo phân khúc thị trường.

Nguồn Amica sưu tầm: Thanh Loan/TBKD

Tags: 1

BÀI VIẾT LIÊN QUAN