Ứng phó với chuyển giá

Báo cáo hướng dẫn về chuyển giá năm 2014 của Ernst & Young đưa ra những lời khuyên về ứng phó với chuyển giá tại gần 120 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Có thể thấy rằng hành vi chuyển giá đã trở nên thông thường trong thương mại quốc tế và tồn tại ở hầu hết các quốc gia. Nhưng ranh giới để kết luận chuyển giá hiện vẫn còn nhập nhằng.

Đối với các doanh nghiệp FDI, chuyển giá được xem như một “đặc trưng” không chỉ riêng tại Việt Nam mà ở hầu hết tất cả các quốc gia có sự tham gia của loại hình doanh nghiệp này. Tuy nhiên, đấu tranh chống chuyển giá cần có cái nhìn toàn diện để không bỏ sót dấu hiệu nào và cũng có thể “dung hòa” với nó để đạt được lợi ích quốc gia.

“Sống” cùng chuyển giá

Khi Việt Nam trở thành sân chơi chung của các tập đoàn đa quốc gia (TNC), cộng với những khác biệt trong chính sách điều tiết lợi ích của các Nhà nước đã tạo điều kiện cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài nghiên cứu ra những hành vi chuyển giá qua các thời kỳ. Việc ứng phó với chuyển giá không chỉ riêng Việt Nam, mà là vấn nạn ở tất cả các nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu này. Điều quan trọng là ứng phó với chuyển giá như thế nào để cân bằng lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích quốc gia là câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý.

Năm 2013, Việt Nam đã thu hút được 1.530 dự án FDI với vốn đăng ký đạt 22,3 tỉ USD, tăng 36% so với năm 2012. Trong 9 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 11,18 tỉ USD.

 

GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE):"Nếu chỉ nhìn thấy chuyển giá như một sự mất mát, thì đó là một cách tiếp cận chưa hoàn chỉnh."

Trong giai đoạn trước hội nhập WTO (giai đoạn 2001-2006), FDI đóng góp khoảng 16% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Và đến giai đoạn 2007-2014, khu vực FDI đóng góp đáng kể vào vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Cụ thể năm 2013, mức đóng góp này là 22% và trong 6 tháng đầu năm 2014, tỉ trọng này đã tăng lên 25,1%.

Ngoài ra, khu vực FDI đã tạo ra trên 2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 3-4 triệu lao động gián tiếp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động. Đồng thời, khu vực này cũng góp phần thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ cả về máy móc, thiết bị và kinh nghiệm quản lý; thúc đẩy quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

Trở lại vấn đề chuyển giá, theo nhiều chuyên gia, một trong những biện pháp khả thi nhằm ứng phó với chuyển giá bằng cách thông qua việc nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, đảm bảo thực hiện đúng luật chơi nhưng có lợi với Việt Nam. Ví dụ việc tham gia các hiệp định đơn phương, song phương và đa phương để tìm sự tương đồng trong điều tiết lợi ích quốc gia xem, thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) giữa người nộp thuế và cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài.

Đến nay, Việt Nam đã mở rộng quan hệ với khoảng 200 quốc gia trên thế giới và ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với trên 50 quốc gia. Đây là điều kiện pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp chống chuyển giá.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư FDI đang trong quá trình đàm pháp thỏa thuận đầu tư dự án mới hoặc tăng vốn như Tập đoàn Intel, Samsung, Nokia... cũng đều kiến nghị với Chính phủ và chính quyền địa phương nơi tiếp nhận dự án đầu tư để thực hiện cơ chế APA đối với các giao dịch trong tập đoàn, qua đó xác nhận phần thu nhập chịu thuế tại Việt Nam. Việc chủ động này một mặt tạo sự tin tưởng dành cho các chủ đầu tư khi minh bạch về các khoản thuế, đồng thời doanh nghiệp FDI cũng được những “ưu đãi” khác về chính sách trong quá trình hoạt động của dự án.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp mà rất khó để kiểm soát việc chuyển giá, do đối tượng giao dịch là sản phẩm độc quyền từ công ty mẹ ở nước ngoài, không thể xác định được giá thị trường để so sánh. Ví dụ, trong giá thành sản phẩm của lon nước ngọt chiếm đến 85% là siro nhập độc quyền từ công ty mẹ thì không có cơ sở để so sánh về giá để kiểm soát giao dịch. Bằng những giao dịch như thế này, khi cơ quan thuế không thể kiểm soát được về giá, doanh nghiệp FDI có thể chuyển lợi nhuận về nước một cách công khai.

Nhưng ở khía cạnh khác, theo Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài (VAFIE) cho rằng, cần có cái nhìn khách quan hơn về chuyển giá. Với khoảng 15.000 dự án FDI hoạt động tại Việt Nam, con số chuyển giá chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi các tập đoàn đa quốc gia đã đóng góp cho Việt Nam hàng ngàn tỉ đồng, chuyển giao nhiều công nghệ. Nếu chỉ nhìn thấy chuyển giá như một sự mất mát, thì đó là một cách tiếp cận chưa hoàn chỉnh.

Trên thực tế, nếu đặt quá nặng vấn đề chuyển giá sẽ tạo hiệu ứng domino không tốt cho việc thu hút đầu tư nước ngoài trong cả hiện tại và tương lai. Điều cần làm lúc này là nhà nước buộc phải hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo ra hành lang pháp lý công bằng cho nhà đầu tư trong nước và cả nước ngoài.

Chuyển giá “nội địa”

Không chỉ xuất hiện ở các doanh nghiệp FDI, hành vi chuyển giá còn được nhìn thấy ngay cả các doanh nghiệp trong nước, mà nhiều chuyên gia gọi là hành vi chuyển giá “nội địa”. Việc chuyển giá này thông qua hình thức là các giao dịch liên kết, chuyển giá sang địa bàn được ưu đãi đầu tư.

 

Luật sư Nguyễn Trọng Hạnh, nguyên Cục phó Cục thuế TP.HCM: "Chuyển giá không dừng lại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà lan sang các lĩnh vực đầu tư trong nước.

Luật sư Nguyễn Trọng Hạnh, nguyên Cục phó Cục thuế TP.HCM, nói: “Chuyển giá không dừng lại ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà lan sang các lĩnh vực đầu tư trong nước. Thậm chí các doanh nghiệp quốc doanh cũng có chuyển giá. Thí dụ, chuyển giá thông qua hình thức và cơ chế quản lý giữa Công ty mẹ - con. Công ty mẹ được sự bao cấp của Nhà nước thông qua các định mức lợi nhuận, hao hụt. Và khi công ty mẹ phân xuống đại lý cấp 1, đại lý bán lẻ lại không tuân thủ cách thức này. Các đại lý bán lẻ lời nhưng công ty mẹ lại bị lỗ. Lỗ thì Nhà nước gánh còn lời thì nằm lại tại đại lý”.

Cơ chế chuyển giá này rất giống với cơ chế mà Cục thuế TP.HCM cho là nghi án chuyển giá của Adidas Việt Nam. Được thành lập ở Việt Nam năm 2009 với khoảng hơn 70 đại lý tính đến thời điểm hiện tại. Thông qua các đại lý này, Adidas nối dài thêm những cánh tay để Công ty luân chuyển dòng tiền đầu tư và chuyển lợi nhuận về công ty mẹ ở nước ngoài.

Cụ thể, theo công văn số 7247/CT-TTr1-N4, của Cục thuế TP.HCM thì các giao dịch giữa Adidas Việt Nam và các bên liên quan gồm Adidas AG, Adidas Singapore, Adidas International Trading B.V có thể là các giao dịch liên kết. Theo Giấy Chứng nhận đầu tư, Adidas Việt Nam hoạt động theo giấy phép đăng ký kinh doanh là quyền phân phối bán buôn, nhưng danh mục chi phí của doanh nghiệp này lại xuất hiện nhiều chi phí của một doanh nghiệp bán lẻ. Ví dụ như chi phí hỗ trợ vật dụng cho nhà bán lẻ, các khoản chi phí tiếp thị quốc tế, phí quản lý vùng, tiền hoa hồng mua hàng.

Đặc biệt, công ty này không phải là nhà sản xuất nhưng lại phát sinh khoản tiền bản quyền. Toàn bộ những chi phí này được Adidas Việt Nam chuyển xuống đại lý của mình, rồi từ đại lý chuyển về công ty mẹ ở nước ngoài. adidas Việt Nam thanh toán cho Adidas AG một khoản tiền bản quyền chi phí bằng 6%, chi phí tiếp thị quốc tế bằng 4% doanh thu ròng của sản phẩm.

 

Sơ đồ chuyển giá của Tập đoàn, Công ty mẹ - con của doanh nghiệp Việt Nam.

Một cơ chế khác trong chuyển giá là dựa vào chính sách ưu đãi để thực hiện hành vi chuyển giá. Để khuyến khích đầu tư, nhà nước có những ưu đãi cho một số địa bàn và lĩnh vực ưu tiên. Với chính sách ưu đãi này, không ít những doanh nghiệp đã thành lập những công ty con tại các địa bàn, lĩnh vực được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với mục đích chuyển giá. Vậy là bao nhiêu lợi nhuận từ công ty mẹ (ở địa bàn không được ưu đãi như TP.HCM) sẽ thông qua các loại hợp đồng như cung ứng bao tiêu sản phẩm, đại lý thu mua, hợp tác chuyển giao, nhượng quyền... chuyển vào công ty được thành lập tại địa bàn được hưởng ưu đãi và được làm “sạch” rồi chuyển về cho công ty mẹ.

Tương tự như vậy, lĩnh vực được ưu đãi đầu tư cũng đã bị lợi dụng để thực hiện hành vi chuyển giá, có thể kể đến lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng... Đầu tư vào lĩnh vực này, ngoài mục đích được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp còn chủ đích tìm “bến đậu” cho hành vi chuyển giá.

Như vậy, từ một chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư vào các địa bàn kinh tế khó khăn đã bị lợi dụng, trở thành công cụ để trốn tránh nghĩa vụ tài chính. Theo Tổng cục thuế trong những năm gần đây đã triển khai phương án đối phó với “người nhà” về hành vi chuyển giá, bước đầu đã thu được kết quả, tăng thu cho ngân sách nhà nước.

“Cuộc chiến” chống chuyển giá với doanh nghiệp Việt Nam có vẻ âm thầm  hơn so với chống chuyển giá của doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, “cuộc chiến” này cũng khốc liệt và đầy khó khăn. Khó khăn vì việc “truy tìm dấu vết” rất mất nhiều thời gian, công sức. Bên cạnh đó, các “đại gia” chuyển giá nội địa đã hình thành một hệ thống chân rết.

Tâm điểm thanh tra trong công cuộc chống chuyển giá trong thời gian tới là lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ôtô, khi mức chênh lệnh giữa giá bán trong nước so với mặt bằng thị trường khá lớn. Bộ Tài chính cho biết, đến 90% giá thành đầu vào của linh kiện ôtô nhập khẩu  không thể kiểm soát. Khi cả dây chuyền như vậy do một tập đoàn sản xuất trong chuỗi TNC thì sẽ dẫn đến tình trạng định giá nội bộ nhằm mục đích nâng giá nội bộ ở các nước có thuế suất cao và hạ giá ở các nước có thuế suất thấp.

Chuyển giá trong đầu tư

Chẳng phải chờ đến khi doanh nghiệp thực hiện những giao dịch liên kết mới thực hiện hành vi chuyển giá mà ngay trong quá trình triển khai xây dựng dự án, chuyển giá cũng đã có thể xảy ra. Hình thức chuyển giá này thông qua việc đẩy giá các hợp đồng xây dựng chuyển giao công nghệ, hợp đồng nhà thầu, nhượng quyền thương mại... để được khấu hao trong quá trình hoạt động của dự án. Chẳng hạn, toàn bộ dây chuyền thép của Formosa - Hà Tĩnh chuyển từ Đài Loan sang Việt Nam đầu tư được định giá là bao nhiêu, và thẩm định định giá như thế nào?

 

Thoả thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) Thông tư 201/2013/TT-BTC, hiệu lực từ ngày 05.02.2014

Hành vi chuyển giá có thể xảy ra ở các khâu đầu tiên của hoạt động đầu tư (nâng giá trị đầu vào, hạ thấp giá trị đầu ra), chuyển giá thông qua chuyển giao công nghệ, qua khâu xác định vốn góp trong liên doanh đầu tư, chênh lệch tỉ giá đầu vào và đầu ra của dự án đầu tư và chênh lệch thuế suất (ví dụ thuế suất thu nhập doanh nghiệp của Trung Quốc là 30%, của Việt Nam thuế suất phổ thông là 22%, đối với dự án FDI ưu đãi là 10%). Trong trường hợp này thì vốn đầu tư sẽ đội lên rất lớn trong tài sản cố định để được khấu hao trong toàn bộ thời gian thực hiện dự án.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Tổng cục Thuế chỉ đạo mở rộng thanh tra chống chuyển giá bao gồm những “đại gia” có vốn đầu tư lớn, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, doanh nghiệp với khoản hoàn thuế VAT lớn, doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi về đầu tư, doanh nghiệp có khả năng phải chịu thuế nhà thầu.

Câu chuyện chuyển giá trong đầu tư được bàn luận nhiều hơn khi Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan đã đồng ý mua lại toàn bộ hệ thống kinh doanh công ty Metro Cash & Carry tại Việt Nam. Tiến sĩ Bùi Kiến Thành khẳng định, “sẽ không một doanh nghiệp nào đến Việt Nam đầu tư 12 năm liên tiếp để chịu lỗ mà phát triển hệ thống với 19 trung tâm trên cả nước, với doanh thu hoạt động tại Việt Nam năm 2013 lên tới 526 triệu euro, câu chuyện chuyển giá sẽ không phải là nghi án nữa”.

Tính toán như thế nào với thương vụ 875 triệu USD, về các khoản mà Metro Cash & Carry Việt Nam phải nộp liên quan hoạt động chuyển nhượng bao gồm lợi nhuận thu được từ thương vụ, chênh lệch về tỉ giá tại thời điểm đầu tư và thời điểm chuyển nhượng. Chênh lệch tỉ giá thì đương nhiên chẳng trốn đi đâu được. Vấn đề còn lại là giá trị thực khi Metro đầu tư vào toàn hệ thống là bao nhiêu sẽ được đưa lên bàn để đánh giá và nghi án về “đẩy giá” trong đầu tư không phải là không có. Cũng có thể giá trị đầu tư vào hệ thống của Metro Cash & Carry Việt Nam còn lớn hơn giá trị chuyển nhượng, như vậy thì doanh nghiệp đã bán lỗ và cơ quan thuế sẽ chẳng thu được đồng nào, đại diện Cục thuế TP.HCM cho biết.

 

Tình hình đầu tư FDI vào Việt Nam.

Nguồn: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Bộ Kế hoạch Đầu tư
 

Theo Nhịp cầu đầu tư - AMICA sưu tầm

Tags: 1

BÀI VIẾT LIÊN QUAN