Việc Vingroup tham gia thị trường bán lẻ giúp giảm áp lực của doanh nghiệp nội trong cuộc chiến khốc liệt với sự xuất hiện ngày càng dày đặc của các "tay chơi" mới từ nước ngoài.
Không dễ tìm được chỗ đứng
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt doanh thu trên 80 tỷ USD trong năm 2014 và lên tới 100 tỷ USD vào năm 2016. Với tiềm năng đó, Việt Nam đã trở thành thị trường mục tiêu đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, mà minh chứng rõ nét nhất chính là việc các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tiếp tục mở rộng đầu tư vào thị trường này.
Từng có thời gian xuất hiện làn sóng doanh nghiệp trong nước, như Tập đoàn Sơn Hà, Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tấn công rầm rộ thị trường bán lẻ, dù đây không phải là mảng kinh doanh sở trường của họ. Khi đó, giới phân tích đã nhẩm tính, làn sóng này có thể khiến miếng bánh thị phần của các đại gia lão làng như Big C, Metro, CoopMart, LotteMart bị rơi rụng.
Thế nhưng, chỉ qua thời gian đầu thử sức, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận buông tay trở về các ngành nghề kinh doanh cốt lõi. Điển hình là Ocean Group, khi đầu tháng 10 vừa qua, Công ty Ocean Retail (thuộc Ocean Group) đã công bố bán 70% cổ phần cho Tập đoàn Vingroup. Xuất hiện đậm đặc trên các phương tiện truyền thông, phía Ocean Group cho biết, tập đoàn này đã có ý định buông mảng bán lẻ từ lâu.
Theo ông Dương Trọng Nghĩa - Tổng giám đốc OceanGroup, khi OceanMart mở ra, đã có rất nhiều đối tác đến từ Pháp, Mỹ, Hồng Kông, Hàn Quốc đến tìm hiểu đặt vấn đề góp vốn, mua lại. Đầu năm 2014, cùng với Vingroup, Ocean Group đã làm việc với một đối tác Thái Lan, nhưng chỉ trong vòng 2 tuần đàm phán, phần thắng đã thuộc về Vingroup, vì tập đoàn này muốn mua toàn bộ hệ thống, trong khi đối tác Thái Lan chỉ muốn góp vốn.
Tương tự, Công ty Hiway Việt Nam (Tập đoàn Sơn Hà) tấn công lĩnh vực bán lẻ từ năm 2011, với hệ thống Hiway Supercenter, nhưng đã nhiều lần lỗi hẹn với kế hoạch mở điểm mới, trong khi tình hình kinh doanh của siêu thị đầu tiên không khả quan. Theo thông tin đồn đoán, phía Sơn Hà đang đàm phán bán cổ phần mảng bán lẻ cho đối tác Nhật Bản, dù trước đó cũng tuyên bố không hề run sợ trước đối thủ nào.
Không chỉ những doanh nghiệp “rẽ ngang” qua bán lẻ mới chật vật, mà những tên tuổi được cho là có thâm niên trong mảng cốt lõi này như Công ty Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart) và Công ty TNHH một thành viên Hội nhập và phát triển Đông Hưng (chuỗi siêu thị Citimart) cũng không dễ tìm được chỗ đứng trên thị trường. Hai nhà bán lẻ này đã rơi vào tầm ngắm trong chiến lược thu mua của nhà bán lẻ Aeon (Nhật Bản).
Cùng với lộ trình thâm nhập 3 thành phố lớn ở Việt Nam, Aeon đang tìm cách xây dựng mạng lưới lưu thông, tiêu thụ hàng hóa dễ dàng hơn, đồng thời giảm số vốn đầu tư ban đầu thông qua liên kết kinh doanh với Fivimart (sở hữu chuỗi 15 siêu thị bán lẻ ở khu vực phía Bắc) và Citimart (có 26 siêu thị tại miền Nam). Động thái này sẽ giúp Aeon “phủ sóng” tới các đô thị ở hai khu vực kinh tế phát triển nhất của Việt Nam.
Kế hoạch trên chưa được Aeon công bố tại Việt Nam, nhưng báo chí Nhật Bản đã thông tin. Theo đó, trong giai đoạn đầu, thông qua 2 doanh nghiệp trên, Aeon sẽ bán các sản phẩm thực phẩm và hàng tiêu dùng mang thương hiệu Top Value được chuyển từ hệ thống siêu thị của Aeon tại Thái Lan và Malaysia. Sau đó, Aeon sẽ liên kết với các doanh nghiệp thực phẩm và hàng tiêu dùng tại Việt Nam để phát triển mặt hàng theo đơn hàng riêng của Aeon...
Bản lĩnh "kẻ" đến sau
Sau 12 năm tham gia và trở thành tập đoàn dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp mặt bằng bán lẻ, với hệ thống các trung tâm thương mại có quy mô mang thương hiệu Vincom, việc Vingroup nhảy vào thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam thể hiện bản lĩnh của tập đoàn này, nhưng cũng không kém phần mạo hiểm.
Trước đó, Vingroup bất ngờ trở thành cổ đông nắm 50 triệu cổ phần (tương đương 10% vốn điều lệ) của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatext), đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ Vinatexmart đang hoạt động cầm cự và “đóng cửa” với báo chí. Cách đây hơn 1 năm, Vinatexmart rầm rộ triển khai kế hoạch mở thêm 20 siêu thị và tham vọng cuối năm 2015 sẽ đạt 200 siêu thị, điểm bán lẻ.
Trở thành cổ đông của Vinatex, Vingroup chưa công bố kế hoạch phát triển cụ thể với chuỗi Vinatexmart. Nhưng ngay sau khi mua 70% cổ phần của Ocean Retail, Vingroup đã đổi tên công ty thành Công ty cổ phần Siêu thị VinMart.
Với hai thương hiệu mới là VinMart và Vinmart+, Vingroup tuyên bố kế hoạch xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ gồm 100 siêu thị và chuỗi 1.000 cửa hàng tiện ích trên khắp Việt Nam trong 3 năm tới. Trong đó, hệ thống VinMart sẽ là các siêu thị từ 3.000 đến 15.000m2 và chuỗi Vinmart+ gồm các cửa hàng tiện ích từ 150 đến 300m2.
“Với lợi thế sân nhà cùng việc hiểu rõ thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam, Vingroup chắc chắn sẽ góp phần làm nên bước ngoặt tại thị rường này trong thời gian tới. Ngoài ra, sắp tới, VinEcom - thương hiệu mới đánh dấu sự gia nhập của Vingroup trong lĩnh vực thương mại điện tử - sẽ góp phần nâng cao vị thế của Vingroup trong lĩnh vực bán lẻ”, ông Lê Khắc Hiệp - Phó chủ tịch Vingroup khẳng định quyết tâm vươn tới vị trí hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam của tập đoàn này.
Tham gia lĩnh vực bán lẻ, Vingroup cũng phần nào giúp các doanh nghiệp nội giảm sức ép trong bối cảnh cuộc chiến bán lẻ trong nước ngày càng khốc liệt với sự xuất hiện của các "tay chơi" nước ngoài mới.
Chẳng hạn, trong lần trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư gần đây nhất, ông Yukio Konish - Chủ tịch, Tổng giám đốc Aeon Mall Việt Nam rất tự tin rằng, với những gì Aeon đã và đang làm, chắc chắn không nhà bán lẻ nào ở Việt Nam địch nổi. Ông cũng tiết lộ kế hoạch sẽ có 10 trung tâm thương mại tại Hà Nội và TP.HCM. Sau 5 năm nữa, sau khi phủ đầy ở hai thành phố này, Aeon sẽ đến Đà Nẵng.
Aeon đã rót hơn 500 triệu USD vào Việt Nam cho 3 trung tâm thương mại tại Tân Phú (TP.HCM), Bình Dương (10/2014) và Long Biên (Hà Nội, năm 2015). Ông Yukio Konishi cũng khẳng định, Aeon không gặp thách thức về mặt bằng, vì mục tiêu của Aeon là chỉ phát triển các trung tâm thương mại ở ngoại ô, với diện tích trung bình cho mỗi trung tâm khoảng 10 ha. Ông này còn nhấn mạnh thêm, Aeon cam kết sẽ đầu tư lâu dài ở Việt Nam.
Trong khi đó, với thương vụ với Metro Cash & Carry Việt Nam trị giá tới 655 triệu EUR, nhà bán lẻ Berli Jucker Public Company Limited (BJC) của Thái Lan đã làm thay đổi đáng kể quy mô và hình ảnh của mình tại Việt Nam. Nhưng ông Aswin Techajareonvikul - Giám đốc điều hành, Chủ tịch BJC cho rằng, thương vụ này chỉ là phần bắt đầu trong kế hoạch dài hơi của BJC. Trước đó, BJC đã mua chuỗi Family Mart của Nhật Bản trong liên doanh với Tập đoàn Phú Thái.
Đó là chưa kể đại gia bán lẻ lớn nhất thế giới Wallmart (Mỹ) đang thiết lập những khâu cần thiết để đặt chân vào Việt Nam thông qua việc gia tăng đưa hàng Việt vào siêu thị của mình trên toàn cầu.
Như vậy, việc Vingroup tham gia thị trường bán lẻ sẽ cùng với SaigonCo.op phân chia lại thị trường với đối thủ ngoại
Nguồn Baodautu - AMICA sưu tầm