Kinh doanh tại Việt Nam trong suốt 12 năm và liên tục mở rộng hoạt động khi sở hữu đến 19 hệ thống điểm bán, đại gia bán buôn của Đức đặt ra nhiều "dấu hỏi" khi liên tục báo "lỗ" song vẫn bán được với mức giá khá hời cho nhà đầu tư mới đến từ Thái Lan.
Metro lãi – không lỗ?
Chuyện BJC "nhòm ngó" Metro đã có tiếng từ lâu, song điều ngạc nhiên là thương vụ này lại có trị giá khá lớn so với mức giá ban đầu mà BJC đã đề nghị trước đó. Chắc hẳn, đây là thương vụ có "hời" lớn của Metro nên hãng này mới chấp nhận buông thị trường phân phối của Việt Nam vốn được đánh giá là khá tiềm năng.
Đúng như tính toán được ông Trịnh Đình Long, Tổng Giám đốc Công ty Giải pháp Phát triển Doanh nghiệp (AMICA), chuyên gia tư vấn chiến lược, cạnh tranh, người từng là quản lý tại Metro, đưa ra: để sở hữu 19 điểm bán, Metro sẽ phải bỏ ra khoản vốn đầu tư khoảng hơn 300 triệu USD (tương đương 15 – 20 triệu USD/điểm), cộng thêm khoản lỗ luỹ kế tính đến cuối năm 2012 là hơn 28 triệu USD, Metro đã được món lời lớn với hơn 550 triệu USD từ thương vụ chuyển nhượng toàn bộ hệ thống Metro cho BJC.
Vấn đề đặt ra là tại sao nhà đầu tư Thái Lan lại chấp nhận bỏ ra số tiền lớn gần gấp đôi mức giá ban đầu để mua lại một công ty vốn đang thua lỗ trong nhiều năm? Theo ông Long, kết quả của thương vụ này không phải là sự tình cờ, hay may mắn của Metro, mà đó là sự tính toán, có chiến lược của hãng này khi vào Việt Nam, tức là Metro đã đầu tư và giờ đây, họ thu lời trên chính những gì đã đầu tư. Do đó, việc định giá Metro không chỉ là những giá trị hữu hình như hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, nhà xưởng, quyền lợi thuê đất giá rẻ của 19 điểm bán, mà còn là giá trị vô hình mà tập đoàn bán buôn hàng đầu của Đức này đã tích góp trong suốt 12 năm hoạt động tại Việt Nam. Đó là giá trị thương hiệu, các nhãn hiệu sản phẩm riêng của Metro, đội ngũ nhân viên được đào tạo, các nhà cung cấp chuyên nghiệp và toàn bộ hệ thống kinh doanh… được vận hành trơn tru, bài bản.
BJC mua lại Metro, tức là sẽ phải mua cả quyền lợi và nghĩa vụ mà hãng này để lại tại Việt Nam?
Rõ ràng, với giá bán thu về gần gấp ba tổng số vốn đầu tư, Metro đã quá lời trong thương vụ này. Song, không chỉ kiếm lời từ thương vụ mua bán với Thái Lan, nếu nghi vấn_"chuyển giá, trốn thuế" đang đặt ra với Metro là có thật, thì chắc chắn những món hời mà đại gia phân phối của Đức này có được từ Việt Nam sẽ lớn hơn rất nhiều lần.
Theo ông Long, nguyên tắc làm ăn của Metro khi đầu tư ra nước ngoài, DN này luôn tuân thủ mọi quy định về pháp luật với nước sở tại, do đó sẽ không có chuyện hãng này trốn thuế tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, vị lãnh đạo từng làm việc tại Metro này cũng khẳng định rằng, Metro hay nhiều tập đoàn đa quốc gia khác không trốn thuế tại Việt Nam, song lại có khả năng "lách thuế".
Metro chỉ "lách thuế"?!
"Lách thuế hay tránh thuế", tức là các tập đoàn đa quốc gia luôn tận dụng những kẽ hở về quy định luật pháp mà nước sở tại chưa có để lách thuế hoặc thậm chí chuyển qua các quốc gia khác có đầu tư để đóng thuế rẻ hơn. Chuyển giá luôn được các tập đoàn này vận dụng để tìm cách giảm thuế phải đóng ở nước sở tại mà họ đang kinh doanh. Theo đó, các DN này thường báo lỗ ở nước sở tại, song cái lời của họ có được lại nằm ở quốc gia khác, với các hình thức chuyển giá chủ yếu như hợp thức hoá đầu vào trên sổ sách thông qua việc đầu tư, mua các máy móc, chi phí, đào tạo nhân viên, đại lý, nhà cung cấp…", ông Long nói.
Trước "nghịch lý" lỗ song vẫn mở rộng đầu tư kinh doanh, người từng làm việc tại Metro cho rằng đây là "chuyện bình thường" của các tập đoàn đa quốc gia. Cũng bởi, Metro vận hành theo mô hình chuỗi siêu thị bán buôn, với nguyên tắc là phải phủ rộng và phủ nhanh để giành được những lợi thế về mặt bằng, đất đai, gia tăng thị phần, nên dù lỗ hay lãi, nhà đầu tư nước ngoài này vẫn phải mở rộng đầu tư kinh doanh và vận hành hoạt động.Thực tế, trước khi rút khỏi thị trường Việt Nam sau thương vụ bán lại cho BJC, đại gia phân phối này đã liên tục báo lỗ trong suốt 12 năm kinh doanh. Ngoại trừ năm 2010, Metro công khai khoản lãi 116 tỷ đồng, song do chuyển lỗ của những năm trước nên DN này chưa phải đóng thuế thu nhập DN.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Metro báo lỗ và không đóng thuế thu nhập trong suốt 12 năm, song DN này đã nộp 912 tỷ đồng thuế, phí các loại. Lý giải về hoạt động kinh doanh thua lỗ của Metro, ông Hải cũng cho biết nguyên nhân chính là do việc mở rộng đầu tư kinh doanh với nhiều điểm bán mới của Metro. _
"Chúng tôi đã kiểm tra kết quả kinh doanh từng điểm bán thì họ lãi, song do vốn đầu tư từng nơi khá lớn nên đã làm cho họ lỗ. Việc lỗ lãi và chuyển giá của Metro là có thực sự lỗ hay không, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cần phải vào cuộc kiểm tra, thanh tra các khoản lỗ để truy thu lại thuế thu nhập DN", ông Hải nói.
Dự kiến đến giữa năm 2015, thương vụ Metro – BJC mới hoàn tất. Song theo các chuyên gia, việc BJC mua lại Metro, tức là phải mua cả quyền lợi và nghĩa vụ mà hãng này để lại. Theo đó, các cơ quan thuế cần nhanh chóng vào cuộc để làm sáng tỏ nghi án chuyển giá của Metro, đồng thời cần tính khoản thuế chuyển nhượng của thương vụ này.
Nguồn: Cẩm An (http://thoibaokinhdoanh.vn/cu-thoat-hiem-ngoan-muc-cua-metro-.html) phỏng vấn AMICA Corp