Doanh nghiệp nội sau thương vụ METRO: Khó chồng thêm khó!

Hoạt động tại thị trường 12 năm, mở rộng đến 19 điểm bán với một hệ thống lớn và hàng hoá phong phú, Metro Việt Nam (Metro VN) được xem là một trong những Doanh nghiệp (DN) thương mại có vốn đầu tư nước ngoài có nhiều tác động, làm thay đổi đến thị trường phân phối và sản xuất trong nước. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực mà nhà phân phối lớn này mang lại, có không ít những "mặt trái" làm ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường.

NỖI ĐAU "MỠ NÓ RÁN NÓ"

Ông Đỗ Trung Hoà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Hoá mỹ phẩm Hoà Hợp, kể cho Thời báo Kinh Doanh nghe câu chuyện trước đây khi Metro vào Việt Nam, nhà phân phối này đã thiết lập một hệ thống đi từ việc thu mua sản phẩm tại địa phương, xây dựng quy trình sản xuất đến bán hàng với sự tham gia của nhiều DN nội địa.

Đã có tới hàng nghìn DN tham gia vào chuỗi cung ứng của Metro VN, được nhà phân phối này đào tạo và hỗ trợ khá bài bản về sản xuất, đóng gói, thiết kế bao bì, mẫu mã với tiêu chuẩn cao và phù hợp với nhu cầu tiêu dùng. Trong đó, có những DN như Công ty Hoà Hợp, vừa trực tiếp bán sản phẩm mang thương hiệu riêng, vừa làm nhãn hàng riêng cho Metro VN. Tuy nhiên, theo ông Hoà, việc tham gia vào hệ thống của Metro VN mặc dù giúp ích cho DN trong việc nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm, song cũng đẩy chính DN đứng trước nguy cơ bị "loại" ra khỏi thị trường. "Chúng tôi từng hợp tác với Metro để làm nhãn hàng riêng và bán trực tiếp sản phẩm vào Metro khi nhìn thấy cơ hội có thể gia tăng thị phần từ kênh phân phối này. Tuy nhiên, khi trở thành nhà sản xuất cung cấp sản phẩm cho Metro VN, hãng này thường bán sản phẩm ra thị trường mới mức giá thấp hơn giá bán của công ty, đã khiến cho các sản phẩm mà Hoà Hợp trực tiếp phân phối không thể tiêu thụ được. Do đó, với các chiêu thức kinh doanh, bán phá giá như vậy, chúng tôi đã rút và không còn bắt tay với Metro VN nữa, mà tự phát triển kênh phân phối riêng của mình bằng cách chính sách và chiến lược riêng", ông Hoà cho biết.

Nguồn ảnh: sưu tầm internet

Thông tin này cũng được ông Trịnh Đình Long, Tổng Giám đốc Công ty Giải pháp Phát triển Doanh nghiệp AMICA, từng là quản lý tại Metro VN, xác nhận có chuyện Metro VN thu mua sản phẩm từ các nhà sản xuất nội địa và bán với giá thấp hơn giá bán của các DN trên thị trường. Do đó, mặc dù có đóng góp lớn trong việc hoàn thiện chuỗi cung ứng, chuẩn hoá nhiều ngành sản xuất, tiêu dùng của Việt Nam như hỗ trợ nông dân sản xuất, đóng gói, xây kho và lập trạm chung chuyển để thu mua, chế biến sản phẩm, giúp DN bán được giá tốt hơn và người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm tốt hơn, song ông Long cho biết, với hoạt động bán phá giá, Metro VN đã "quét" không ít DN của Việt Nam, khiến nhiều nhà sản xuất nội bị "loại" khỏi thị trường.

NGUY CƠ "CÁ LỚN" NUỐT "CÁ BÉ"

"Metro VN đầu tư tại Việt Nam và bán nhiều sản phẩm mang thương hiệu riêng, từ cái chổi cho đến chai nước, đều dán nhãn hiệu của Metro vào. Như vậy, quay trở lại là ép các nhà sản xuất, chính các nhà sản xuất cho Metro không còn cửa để mà sống nữa, vì DN nội hết chỗ để phân phối rồi, không có lợi thế như Metro, chỉ có làm và bán cho Metro thì còn có đường sống, chứ nếu chỉ sản xuất ra và bán ra ngoài thì không có chỗ để bán, biết bao giờ DN Việt Nam mới có tiền để làm thương hiệu. Cùng một sản phẩm như vậy, nếu để tên của DN Việt Nam thì không thể tiêu thụ tốt khi được khi dán nhãn của Metro vào, nên DN có thể sẽ phải quay lại làm thuê với Metro và nhà phân phối này có cơ hội kiếm tiền trên chính cơ hội đó. Rõ ràng là DN và nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng", ông Long nói.

Sở hữu một hệ thống phân phối với 19 điểm bán, hợp tác cùng hàng nghìn nhà sản xuất tại Việt Nam, cung cấp đến 25.000 sản phẩm và quản lý hệ thống nhân viên lên đến 9.000 lao động, Metro VN có sức ảnh hưởng không nhỏ đến các DN sản xuất nội địa. Do vậy, ông Long nhận định thương vụ BJC mua lại Metro VN là thông tin "đáng lo ngại" với các nhà sản xuất nội địa, cùng thị trường bán lẻ Việt Nam. Thực tế nhìn vào việc BJC chấp nhận bỏ ra đến gần 900 triệu USD đã cho thấy đại gia Thái Lan đã "nghiên cứu" kỹ thị trường cũng như thấy rõ tiềm năng có thể khai thác được từ hệ thống của Metro, đặc biệt là khi công ty mẹ của BJC là CP VN đã có nhiều thương vụ đầu tư lớn tại Việt Nam trong các lĩnh vực tiêu dùng, thực phẩm và bán lẻ.


Cho rằng thị trường sẽ là tác nhân chính quyết định nhà phân phối lựa chọn bán sản phẩm nào, nên ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, tỏ ra khá băn khoăn khi hàng hoá của Việt Nam đang kém cạnh tranh với hàng Thái khi các sản phẩm được người tiêu dùng Việt lựa chọn. Không những vậy, hoạt động xúc tiến thương mại của các DN và cơ quan chức năng của Việt Nam cũng "kém" hơn khi ngân sách ít, các chương trình đơn điệu và kém hấp dẫn với người tiêu dùng. Do đó, ông Phú nhận định việc BJC đầu tư vào hệ thống Metro là để "đón đầu" cơ hội khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào năm 2015 và mức thuế giảm về 0%, hàng hoá nước này sẽ đổ bộ mạnh mẽ hơn vào thị trường nội địa. Nên với lợi thế sở hữu 19 điểm bán của Metro, hàng hoá Thái sẽ "rộng đường" để thâm nhập thị trường, và nguy cơ "cá lớn" nuốt "cá bé" đang là bài toán đặt ra với DN Việt Nam.

--------------------------------------

 

Phải đủ "4 mạnh"
Ông Nguyễn Đức Tài, CT HĐQT Cty Cổ phần Thế giới di động
------------------------------------
Trên thực tế, để cạnh tranh được với đối thủ mạnh thì không có cách nào khác là mình cũng phải mạnh. Vì vậy, DN cần phải làm cho mình mạnh lên càng nhanh càng tốt: mạnh về vốn, mạnh về quản trị, mạnh về thị phần, mạnh về hiệu quả hoạt động. Mạnh về vốn thì mới luôn sẵn sàng để có thể triển khai những kế hoạch, dự án. Mà như bạn biết, trong kinh doanh thì tính thời điểm cực kỳ quan trọng. Nếu bạn có ý tưởng, nhưng không có vốn thì rất khó để thành công.
Trong khi bạn phải loay hoay đi tìm vốn để thực hiện ý tưởng của mình thì rất có thể người khác cũng đã nhìn ra ý tưởng và triển khai trước bạn. DN cũng cần phải mạnh về quản trị, để có thể kết hợp được tất cả các yếu tố cần thiết nhằm triển khai ý tưởng của mình theo đúng hướng, đạt được mục tiêu đã đề ra. Hai yếu tố đầu sẽ góp phần để DN có được yếu tố thứ ba, đó là mạnh về thị phần. Một khi DN đã có vốn, quản trị hiệu quả, chiếm được thị phần lớn trên thị trường thì hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với các DN ngoại.

Xây dựng rào cản phù hợp quy định thế giới

Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia nghiên cứu
------------------------------------
Hàng Việt Nam kém cạnh tranh cũng một phần do chúng ta đang kém trong việc dựng các rào cản với hàng nhập khẩu vào Việt Nam. Do đó, Nhà nước cần sớm nghiên cứu để dựng ra các rào cản là các hàng rào thương mại liên quan đến chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn hàng hoá, phù hợp với cam kết quốc tế để ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các sản phẩm nhập ngoại vào thị trường, cũng là để bảo vệ sản xuất trong nước. Đây là những công cụ cần thiết và hữu ích mà các DN cần sớm kiến nghị cụ thể để xây dựng.

Theo Cẩm An (Thời báo kinh doanh) phỏng vấn AMICA Corp

BÀI VIẾT LIÊN QUAN