Ngày 11/07/2008, tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã diễn ra tọa đàm “Thương hiệu và những tác động tới việc xây dựng chiến lược phân phối sản phẩm của doanh nghiệp”. Tại buổi tọa đàm, nhiều vấn đề về đến thương hiệu và các nội dung liên quan khác như sở hữu trí tuệ, nhượng quyền và sở hữu thương hiệu đã được đưa ra thảo luận sôi nổi...
Các yếu tố cấu thành thương hiệu, định vị thương hiệu, tác động của thương hiệu trong xây dựng hệ thống và cách thức phân phối sản phẩm – dịch vụ, kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng chiến lược phân phối tương thích với thương hiệu sản phẩm...đã được đề cập trong buổi tọa đàm.
Ảnh: ThS Trịnh Đình Long - Tổng giám đốc AMICA Corp và TS Trần Văn Hải – Đại học Quốc gia Hà Nội
Diễn giả ThS Trịnh Đình Long - Tổng giám đốc AMICA Corp chỉ rõ sự “Khác biệt hóa và định vị thương hiệu”. Theo đó, doanh nghiệp phải chọn lĩnh vực chưa có người dẫn đầu (về dịch vụ, công nghệ, sự thuận tiện hay sự thân thiện…), khởi xướng luật chơi mới, tập trung vào khai thác những mảng còn bỏ ngỏ, mới được tìm thấy hay vượt lên trên đối thủ... mới mong gặt hái được thành công.
Ông cũng trình bày được sự cần thiết của định vị trong xây dựng thương hiệu. Định vị thương hiệu là những hoạt động nhằm tạo dựng cho sản phẩm, dịch vụ và hình ảnh của công ty có một vị trí cạnh tranh nổi bật và có ý nghĩa trong tâm trí khách hàng mục tiêu. Định vị thương hiệu là việc xác định vị trí của mình so với đối thủ cạnh tranh trên quan điểm của người tiêu dùng. Để định vị tốt cần phải hiểu biết cách thức khách hàng lựa chọn sản phẩm, mô tả và khoanh vùng yếu tố cạnh tranh, lựa chọn triết lý định vị, tìm kiếm sự độc đáo và khác biệt hóa.
Các biểu hiện của thương hiệu thể hiện qua tên thương hiệu, những biểu trưng (logo, ảnh đại diện), những thứ thấy được từ bên ngoài, con người, truyền thông (chủ động/khách quan) và tin ngoài luồng. Tên thương hiệu có vai trò là nhận dạng, tạo sự khác biệt, cam kết về chất lượng, truyền tải hình ảnh. Nó có 2 chỉ số đo lường: mức độ nhận biết (đo lường ở nhóm khách hàng mục tiêu, nhận biết tức thời, nhận biết có trợ giúp) và đặc tính nhận biết (phải thể hiện được rõ ràng theo quan điểm định vị, có thể đo lường được, khoảng trống: có thể có giữa chủ trương mong muốn và thực tế).
Các biểu trưng có vai trò hạn chế nhận thức sai lệch về công ty và hứa hẹn mang lại sự thỏa thuận, và có tác động qua năm giác quan. Hệ thống nhận diện phải thống nhất, kiên định, mang tính cách thương hiệu, dễ áp dụng và thực hiện. Các khẩu hiệu giúp củng cố, định vị nhãn hiệu và điểm khác biệt, là những tuyên bố về tính dẫn đầu, độc đáo của mình, cam kết về chất lượng…. - Ông Long chia sẻ.
“Cảnh báo về sự vô tình xâm phạm và bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” lại là nội dung chính được TS Trần Văn Hải – Đại học Quốc gia Hà Nội đề cập tại buổi tọa đàm. Thông qua những vụ xâm phạm và bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã xảy ra, TS Hải đưa ra phân tích và nguyên nhân, qua đó cảnh báo những điều có thể xảy ra, khuyến nghị biện pháp khắc phục.
Ông cho biết, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng. Trong đó, nguyên nhân chính do cơ chế pháp luật và sự vô tình của các doanh nghiệp. Xâm phạm và bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể là do cố ý, chưa hiểu quy định của pháp luật, hiệu lực lãnh thổ của văn bằng bảo hộ, hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu ra nước ngoài: quốc gia có thị trường bảo hộ.
Ông cũng phân ranh rới rõ rệt giữa tên miền, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý. Theo đó, tên miền thuộc quyền quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, tên thương mại thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Tên miền mang tính duy nhất, nhãn hiệu không mang tính duy nhất.
Buổi tọa đàm đã thu hút được gần 40 doanh nghiệp đến tham dự.
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp