Trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng lớn, khả năng các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp khó khăn rất nhiều trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, bởi hệ thống phân phối chuyên nghiệp của các đại gia đến từ nước ngoài trong khi các kênh phân phối trong nước chưa được liên kết - đầu tư xây dựng theo hướng chuyên nghiệp.
- “Ngoại” quá chuyên nghiệp
|
Chỉ mới đây thôi, Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro) đã gặp gỡ hơn 500 nhà cung cấp hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam tại Hà Nội. Đây là cuộc gặp mặt nhằm xây dựng và đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác với các nhà cung cấp trong khu vực mà cụ thể là nâng cao sự hiểu biết và mối quan hệ hợp tác với khách hàng là nhà cung cấp cho hệ thống bán sỉ của họ.
Với những hoạt động này Metro đã đánh giá cao thị trường trong nước với tốc độ sức mua tăng nhanh và hàng hóa trong nước ngày càng được cải thiện về chất lượng và mẫu mã hướng đến tiêu chuẩn quốc tế. Thậm chí Metro còn đầu tư trực tiếp cho nông dân ngay từ ban đầu, ứng vốn, công nghệ và hướng dẫn nông dân sản xuất, thu hoạch và đóng gói, nhãn mác, bảo quản… để đáp ứng lượng hàng hóa lớn cho mình và hướng đến xuất khẩu trong những năm tới.
Metro định hướng xuất khẩu hàng hóa sản xuất trong nước qua hệ thống phân phối toàn cầu, do vậy họ dự định sẽ phối hợp với tổ chức ATZ và Bộ Thương mại triển khai dự án Hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam, với tổng kinh phí 400.000 euro để phát triển hệ thống phân phối rau quả tiêu thụ tại Việt Nam và xuất khẩu sang châu Âu.
Trong khi đó, một loạt hệ thống các chuỗi siêu thị của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Trung tâm Siêu thị Parkson, BigC, Diamon Plaza, Zen Plaza… đang được phát triển mạnh, nhưng tỷ lệ hàng hóa nước ngoài chiếm đa số, hàng sản xuất trong nước chưa có chỗ đứng tại đây. Nhiều thông tin cho thấy các tập đoàn siêu thị bán lẻ tầm cỡ quốc tế như Wal-Mart, Carrefoul, Tesco… cũng đang chọn Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm trong thời gian tới.
- “Nội” quá manh mún
Trong khi các tập đoàn phân phối quốc tế đang mở rộng quy mô và hình thành các kênh phân phối một cách chuyên nghiệp thì các doanh nghiệp trong nước dường như còn giậm chân tại chỗ, thậm chí chỉ lo cạnh tranh nhau. Trước đây, hệ thống phân phối chủ yếu do các doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh, như Co-op Mart, Maxi Mark, Tax, Vinatex Mart và Satra… và các hệ thống cửa hàng, đại lý của các doanh nghiệp tiêu thụ chính sản phẩm của mình trên khắp cả nước.
Một thời hệ thống này đã góp phần tiêu thụ sản phẩm hàng hóa rất lớn. Tuy nhiên, với yêu cầu phát triển ngày càng cao, tốc độ luân chuyển hàng hóa ngày càng lớn (bình quân 20%/năm), sức mua ngày càng lớn và quá trình hội nhập đã làm cho người tiêu dùng thích ứng với các hệ thống phân phối chuyên nghiệp. Do vậy, hệ thống phân phối của các doanh nghiệp khó cạnh tranh được với các hệ thống như Metro, BigC, Parkson…
Một nguy cơ đang được các chuyên gia kinh tế dự báo, đó là khả năng suy yếu của hệ thống phân phối trong nước sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Thực tế là các kênh phân phối của doanh nghiệp trong nước chưa có những thương hiệu mạnh, chất lượng hàng hóa trung bình và cao cấp lẫn lộn nên không định vị được khách hàng. Còn với hệ thống cửa hàng và đại lý của các doanh nghiệp sản xuất “tự sản tự tiêu” thì chỉ mới là các cửa hàng bán lẻ, chưa hiện đại. Đơn cử như hệ thống cửa hàng của Biti’s, tuy trước đây được đánh giá cao nhưng hiện nay vẫn giữ cách trình bày cũ - tạo cảm giác chỉ là một gian hàng bán lẻ, bán mặt hàng giày nhưng không theo thời trang… do vậy không còn hấp dẫn khách hàng.
Một số doanh nghiệp khác như May Việt Tiến, Phương Đông, Sanding, NinoMaxx… đã có nhiều nỗ lực bứt phá tạo phong cách riêng cho các cửa hàng và trung tâm thời trang, bước đầu có hiệu quả nhất định. Bên cạnh đó, TPHCM đang xây dựng các chợ đầu mối chuyên ngành để thuận lợi cho việc tập hợp và phân phối đi các tỉnh, tuy nhiên tốc độ xây dựng các dự án lại rất chậm.
Vấn đề là thời gian không còn nhiều, việc các doanh nghiệp trong nước cần được hỗ trợ và liên kết để hình thành các chuỗi hệ thống phân phối quốc gia, đủ sức cạnh tranh với các hệ thống phân phối của nước ngoài, thực sự trở thành kênh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước.
Nguồn: AMICA sưu tầm