Công dân doanh nghiệp

Khác với quan điểm chọn nghề của các bạn nữ cùng trang lứa, Nguyễn Ngọc Ðẹp, 19 tuổi, ưa thích ngành kỹ thuật. Sau khi dự buổi giới thiệu chương trình Ðào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp Bosch, chương trình cao đẳng nghề do Lilama 2 và Bosch hợp tác đào tạo năm 2015, cô thấy điều mình tìm kiếm. Trong suốt chương trình Ðào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp Bosch, Ðẹp chưa bao giờ mất cảm hứng với ngành cơ khí.

Sáu ngày trong tuần, từ sáng sớm, trong bộ áo quần đồng phục trắng, xám, giày bảo hộ đen, cô chăm chú hoàn thành bài tập của năm là chế tạo một chiếc xe tải thu nhỏ với đầy đủ tất cả thành phần chi tiết, dưới sự hướng dẫn của các giảng viên người Việt. “Tôi đã làm được khoảng 70% khối lượng,” cô dừng công việc mài giũa một phôi thép thành biển số xe tải đang dang dở, báo cáo với ông Trần Ngọc Hữu Ðạt, trưởng nhóm Ðào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp của Bosch Việt Nam.

Ðẹp là một trong sáu bạn nữ thuộc 24 học viên khóa ba của trung tâm Ðào tạo nghề Kỹ thuật Công nghiệp Bosch (Bosch TGA). Cùng với ngành chế tạo thiết bị cơ khí, khóa này còn có ngành cơ điện tử. Cùng ở xưởng dạy nghề, trong khi học viên lớp cơ khí chế tạo, gia công các bộ phận theo bản vẽ chi tiết, mà mỗi bộ phận chế tạo gắn liền với một nội dung môn học như sử dụng máy phay, máy khoan, máy tiện để tạo hình, tiện ren, doa lỗ; học viên lớp cơ điện tử, một số lắp ráp chi tiết tại bàn, một số khác đứng máy tiện, máy phay. Trật tự và tập trung, không khí ở xưởng thực hành của Bosch không khác gì một nhà máy công nghiệp.

Chương trình hợp tác đào tạo giữa Bosch và Lilama 2, chương trình đào tạo điển hình kết hợp giữa một doanh nghiệp Ðức và một trường đào tạo nghề Việt Nam, đến nay được hơn ba năm, với tổng vốn đầu tư ban đầu một triệu đô la Mỹ do Bosch tài trợ. Khóa đầu tiên vừa ra trường hồi tháng tư. Ðiểm khác biệt lớn nhất giữa chương trình này với các chương trình cao đẳng dạy nghề khác tại Việt Nam hiện nay, theo chủ tịch hội đồng trường Lilama 2, ông Lê Văn Hiền, chương trình nặng về thực hành với 75% thời gian thực tập tại trung tâm đào tạo nghề, cách nhà máy của công ty Ðức Bosch bảy phút xe hơi. Học viên sau khi tốt nghiệp ngoài nhận được bằng của trường Lilama 2 cấp, có thể dùng bằng này để học liên thông lên đại học trong nước, và nhận thêm chứng chỉ nghề do phòng Thương mại và Công nghiệp Ðức cấp, nghĩa là họ đủ điều kiện để làm việc tại các doanh nghiệp Ðức và một chứng chỉ chứng nhận đủ tiêu chuẩn vào làm việc tại Bosch (nếu học viên muốn).

Trong khi Bosch xem đào tạo nhân lực có tay nghề thể hiện trách nhiệm công dân của một doanh nghiệp đang đầu tư vào Việt Nam, mô hình doanh nghiệp tham gia đào tạo này gây được chú ý, khi góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực tay nghề cao tại Việt Nam. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhận xét tại diễn đàn Kinh tế của tạp chí The Economist cuối năm ngoái, rằng thiếu hụt nhân lực chuyên môn trong ngành công nghiệp đang là một cản ngại cho Việt Nam trong cuộc chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và cho rằng cần tập trung “đầu tư thông qua giáo dục, dạy nghề để nâng trình độ của lao động từ giản đơn lên có nghề”.

Sinh viên Bosch TGA như Ðẹp ngay từ khi nhập học được hưởng chế độ như một công nhân của nhà máy Bosch. Họ được miễn học phí, ăn trưa, xe đưa đón. Mỗi tháng, học viên còn nhận được trợ cấp. “Năm nay, mức trợ cấp là 3,75 triệu đồng/tháng, bằng mức lương tối thiểu quy định trong vùng,” bà Nguyễn Thị Cúc, phụ trách truyền thông, thương hiệu và phát triển bền vững của công ty Bosch Việt Nam nói.

Chương trình đào tạo nghề với sự tham gia của doanh nghiệp khá phổ biến ở các nước châu Âu, châu Mỹ. Tại Việt Nam, ngoài chương trình như Bosch và Lilama 2 đang tiến hành, còn có chương trình tương tự do chính phủ Canada tài trợ và chương trình liên kết đào tạo kỹ thuật cao HEEAP (Higher Engineering Education Alliance Program) hợp tác giữa đại học bang Arizona Hoa Kỳ, cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các doanh nghiệp Intel, Siemens, Pearson... Trong chương trình với Lilama 2, Bosch Việt Nam xem đó là “một trách nhiệm xã hội.” “Người sáng lập, ông Robert Bosch, từng nói: Tương lai của công nghiệp Ðức phát triển hay không phụ thuộc vào việc có xây dựng được đội ngũ nhân lực kỹ thuật lành nghề,” ông Võ Quang Huệ, tổng giám đốc Bosch Việt Nam giải thích nguyên do doanh nghiệp có vốn đầu tư hơn 300 triệu đô la Mỹ vào nhà máy Việt Nam này thực hiện chương trình đào tạo nghề tại Việt Nam.

“Ðào tạo là một trong 11 mục tiêu trọng tâm trong các chương trình trách nhiệm xã hội của tập đoàn Bosch,” ông Huệ lý giải. Lịch sử phát triển của Bosch tại quê hương Ðức từ năm 1986 đã biến doanh nghiệp doanh thu hơn 73 tỉ euro năm 2016 thành một doanh nghiệp xã hội. Nhà sáng lập Robert Bosch lập di chúc rằng 92% cổ phần của doanh nghiệp là của xã hội, giao cho quỹ Robert Bosch quản lý, con cái của ông chỉ thừa hưởng 7% và không được tham gia điều hành. Tiêu chí quan trọng “chữ tín quý hơn tiền” như lời ông Robert viết trong nội san doanh nghiệp năm 1935 được các nhân viên của họ truyền đạt đến từng học viên từ ngày đầu nhập học. “Ngay trong tuần đầu tiên, sau khi học về tác phong công nghiệp, kỹ năng làm việc nhóm, học viên được truyền đạt về trách nhiệm đối với sản phẩm, đối với khách hàng,” ông Trần Ngọc Hữu Ðạt kể.

Chương trình đào tạo của Bosch còn có thuận lợi khi được hỗ trợ của phòng Công nghiệp và Thương mại Ðức mà ông Huệ là trưởng tiểu ban đào tạo nghề. Năm 2012, ông Huệ đại diện cho các doanh nghiệp Ðức tại Việt Nam trình bày về chương trình Ðào tạo nghề của Ðức trước các quan chức phụ trách giáo dục và đào tạo của Việt Nam. Nội dung chương trình lồng ghép giữa lý thuyết và thực hành, trong đó doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo. “Vô hình trung, mình góp phần tạo ra sự thay đổi quy định về dạy nghề, cho phép doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo,” ông Huệ nói. Ông cho biết  sau khi khóa 1 của chương trình đào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp Bosch ra trường, họ nhận đề nghị đào tạo cho người của công ty đồng hương Pepperl + Fuchs Việt Nam, chuyên sản xuất cảm biến quang.

Chương trình đào tạo được triển khai tại Ðồng Nai. Ðối tác của họ, Lilama 2 cùng đóng trên địa bàn. Thuận lợi hơn nữa, Lilama 2 cũng nhận được hỗ trợ của Ðức về xây dựng chương trình đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế. Ngoài 25% thời gian học lý thuyết, thực hành một số chương trình về CNC (máy công cụ điều khiển thông qua lập trình) tại Lilama 2, học viên thực tập tại trung tâm Ðào tạo của Bosch Việt Nam.

Cũng giống như sinh viên cao đẳng nghề khác, học viên của chương trình học ba năm rưỡi, thi tốt nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, họ phải thi chứng chỉ nghề của Ðức, với đề thi được gửi từ Ðức sang, sau đó dịch sang tiếng Việt. Do nội dung đào tạo gắn với sản xuất thực tế của doanh nghiệp, nên chương trình luôn phải được cập nhật, theo kịp các thay đổi. Giáo viên Hoàng Quốc Phương chỉ tay vào hệ thống mô phỏng dây chuyền sản xuất của khoa cơ điện tử nói, hệ thống mới được đưa về từ năm 2016, theo các chuẩn của công nghiệp 4.0. Ông Phương, 33 tuổi là một trong hai giáo viên được đưa sang Ðức để cập nhật kiến thức về chuẩn công nghiệp 4.0.

Có lợi thế về mức độ đầu tư trang thiết bị, bằng cấp được trong nước và Ðức công nhận, song việc tuyển sinh học nghề tại Bosch không tránh khỏi khó khăn ban đầu. “Nhận thức của gia đình, phụ huynh vẫn thích con em mình học làm thầy hơn làm thợ,” ông Huệ chia sẻ. Ông Huệ cho biết để thay đổi quan điểm của phụ huynh, bộ phận tuyển sinh của Bosch khóa đầu tiên phải tổ chức chiến dịch tuyển sinh đến từng khu vực trong địa bàn. Ðích thân ông Huệ phải tham gia buổi thuyết trình, định hướng kỹ năng nghề nghiệp, triển vọng phát triển khi tham gia chương trình đào tạo “miễn phí, có lương.”

Năm đầu tiên, trong hơn 150 người nộp hồ sơ xét tuyển, Bosch chọn ra 24 người. Năm thứ nhì, khoảng 250 người dự tuyển. Năm thứ ba, gần 600 người. Sau bốn năm đào tạo, tổng cộng có 93 học viên tham gia các khóa đào tạo. Lý giải việc giới hạn ở con số 24 học viên mỗi năm, ông Ðạt chỉ về các máy móc, thiết bị lắp đặt trong xưởng và nói: “Yêu cầu bắt buộc mỗi học viên một máy, nên khả năng chỉ ở mức đó.” Tương lai, Bosch Việt Nam dự định tăng số học viên, nhưng thời điểm cụ thể, theo ông Ðạt, chưa công bố được.

Kể từ khi Bosch vào Việt Nam từ năm 1994, doanh nghiệp Ðức này liên tục mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Mở nhà máy năm 2008 tại Long Thành, Ðồng Nai, đến nay nhà máy chuyên chế tạo dây curoa truyền động xe hơi có hơn 1.600 công nhân với sản phẩm 100% xuất khẩu sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ này dự kiến sẽ mở rộng thêm 47 triệu đô la Mỹ trong năm nay. Bên cạnh nhà máy sản xuất thuộc ngành công nghiệp phụ trợ, năm 2011, Bosch mở trung tâm nghiên cứu và phát triển (R & D) đầu tiên. Ba năm sau, họ mở trung tâm nghiên cứu thứ hai chuyên về công nghệ xe hơi. Tổng số nhân viên của hai trung tâm hiện nay lên tới 1.300 người, thuộc loại lớn nhất châu Á của Bosch.

Ông Võ Quang Huệ lý giải việc xây dựng trung tâm R&D tại Việt Nam, do lịch sử phát triển của Bosch gắn liền với R&D, để duy trì khả năng cạnh tranh lâu dài trên toàn cầu. Ông Huệ cho biết thêm: “Người Việt Nam, theo tôi, có nhiều điểm mạnh để đi vào R&D.” Bắt đầu từ các dự án nội bộ, một vài nhánh nhỏ trong nghiên cứu, hai trung tâm của Bosch giờ đây có thể đảm đương các dự án phức tạp. “Lộ trình tới năm 2020, chúng tôi sẽ nâng lên 2.000 người ở hai trung tâm,” ông Huệ cho biết.

Ðứng đầu Bosch Việt Nam, ông Huệ chia sẻ quan điểm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nói tổng quan là “trách nhiệm công dân của công ty tại nước sở tại, nên phải tuân thủ luật lệ, nghiêm túc thi hành mọi trách nhiệm về pháp lý, thuế.” Nhắc tới việc nộp phạt tiền thuế xuất nhập khẩu ngay khi nhà máy Bosch Việt Nam chuẩn bị đi vào hoạt động năm 2008, ông Huệ giải thích: “Ðó là do có cách hiểu khác về hạng mục khai thuế.” Doanh nghiệp đã đóng phạt một số tiền không nhỏ khi mới đi vào hoạt động.

Nếu như ưu tiên hàng đầu là tuân thủ, thực thi luật lệ, thì sử dụng và sản xuất có trách nhiệm với môi trường là ưu tiên quan trọng. Năm 2015, Bosch đầu tư hệ thống xử lý nước thải trị giá một triệu đô la Mỹ, với tiêu chuẩn sau xử lý cao hơn quy định và 80% lượng nước sau xử lý được tái sử dụng trong sản xuất, hoặc để tưới cây.

Người công dân – doanh nghiệp tốt, theo ông Huệ, không chỉ là trách nhiệm với bên ngoài, mà còn thể hiện với đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Ngoài các chính sách về đời sống như bảo đảm lương, thưởng, bữa ăn trưa với chi phí bữa ăn thuộc loại cao trong cả nước (35.000 đồng/bữa trưa), Bosch xây dựng chương trình bình đẳng giới, với mục tiêu nâng tỉ lệ nữ trong đội ngũ nhân lực lên, kể cả trong chương trình đào tạo. Hiện nay tỉ lệ học viên nữ là 25%, so với mức 10% của ba năm trước, theo số liệu thống kê học viên. Bên cạnh chương trình đào tạo nghề, Bosch hằng năm trao học bổng cho các sinh viên khối kỹ thuật, cũng như tiếp nhận sinh viên thực tập, làm luận án tốt nghiệp bậc đại học và trên đại học. Ðể thu hút học viên nữ cũng như nhân lực nữ, hằng năm họ tổ chức sự kiện Girl Day cho học sinh nữ cấp ba. Những người tham gia sự kiện có một ngày trải nghiệm tham quan nhà máy, gặp gỡ giáo viên, các nữ học viên để được hướng dẫn thực hành, hoàn tất một sản phẩm mang tính kỷ niệm mang về.

Kỳ tuyển sinh năm nay, tỉ lệ đăng ký vào chương trình dạy nghề do Bosch đồng tổ chức thuộc loại cao, xấp xỉ 1 chọi 38, không kém tỉ lệ chọi của các trường đại học có tiếng tại Việt Nam. Nhìn ở tỉ lệ như vậy, ông Huệ xem là minh chứng về sự thay đổi bước đầu trong nhận thức xã hội về học nghề, do các học viên sau khi ra trường có chỗ làm ổn định, tương lai nghề nghiệp rõ ràng. “Ðó là tác động xã hội quan trọng của chương trình. Xã hội không phát triển, thì doanh nghiệp làm sao có thể phát triển được,” ông Huệ nói. Người đứng đầu chương trình nghĩ vậy, còn người học? “Tôi không có cảm giác thua thiệt gì bạn bè cùng trang lứa chỉ vì họ vào đại học, còn tôi vào cao đẳng,” Ðẹp nói. Với học viên Phạm Nhật Hoàng, người từng thử sức ở đại học Sư phạm kỹ thuật trong lần đầu nhưng không thành và đang học ở Bosch TGA, mục tiêu “trở thành kỹ thuật viên cơ khí” ngày càng rõ ràng.

Nguồn: AMICA sưu tầm - Forbes Magazine Số 51 (Tháng 8.2017)

Tags: 3

BÀI VIẾT LIÊN QUAN