Berli Jucker - Metro: Thương vụ 880 triệu USD

Đầu năm 2014, tờ Wall Street Journal đưa tin tập đoàn Berli Jucker của tỷ phú Thái Lan Dhanin Chearavanont tiếp cận Metro Group nhằm mua lại Metro Cash & Carry (MCC) Việt Nam với mức giá hơn 500 triệu USD.

Thời điểm đó, tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Đức đã từ chối lời đề nghị này với lý do mức giá mà vị tỉ phú Thái Lan đưa ra chưa thật sự hấp dẫn. Tuy nhiên, thương vụ này lại vừa bất ngờ được công bố mới đây khi Metro Group ký thỏa thuận chuyển nhượng hệ thống MCC tại Việt Nam cho Berli Jucker với giá trị thương vụ tương đương 880 triệu USD. Số tiền này vượt khá xa so với mức giá ban đầu mà bên mua đề nghị. Vì sao Berli Jucker lại sẵn sàng chi ra một số tiền không nhỏ cho hệ thống này. Mục đích vị tỉ phú Thái Lan nhắm đến là gì?

Bước chân Việt Nam

Berli Jucker (BJC) là tập đoàn sản xuất, đóng gói và phân phối hàng đầu Thái Lan với lịch sử phát triển hơn 130 năm. Cơ cấu sản phẩm của tập đoàn này khá đa dạng từ thực phẩm, đồ uống đến các sản phẩm y tế và chăm sóc sức khỏe. Từ năm 2008, BJC bắt đầu tìm kiếm cơ hội tăng trưởng thông qua hoạt động xuất khẩu, tập trung vào một số thị trường lân cận như Việt Nam, Lào và Campuchia.

Theo cáo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng Thái Lan, hiện doanh thu mảng xuất khẩu chỉ chiếm 21% trên tổng doanh thu của BJC, ước tính trên 270 triệu USD. Trong trung-dài hạn, tập đoàn này dự kiến nâng tỉ trọng doanh thu xuất khẩu lên 50%.



Berli Jucker - Metro: Thương vụ 880 triệu USD
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Berli Jucker.

Hiện tại, thị trường Việt Nam đang đóng góp đến 66% trên tổng doanh thu xuất khẩu của BJC. Vì vậy, quyết định mua lại MCC Việt Nam của BJC chính là bước ngoặc quan trọng trong kế hoạch phát triển của tập đoàn này tại thị trường Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung.

Cơ cấu doanh thu xuất khẩu từ các thị trường của Berli Jucker.

Cơ cấu doanh thu xuất khẩu từ các thị trường của Berli Jucker.

Trước khi thực hiện thương vụ mua lại MCC Việt Nam, Berli Jucker đã đầu tư vào thị trường Việt Nam thông qua các công ty con của tập đoàn này.

Thai Corp International, công ty mà BJC nắm 75% tỉ lệ sở hữu đã thành lập liên doanh với Royal Foods, một công ty hàng đầu Thái Lan về sản xuất rau quả và hải sản đóng hộp, để đầu tư 2 nhà máy sản xuất đồ hộp tại Việt Nam. Sản phẩm chủ yếu là cá trích và cá thu đóng hộp.

Năm 2013, BJC đẩy mạnh đầu tư tại thị trường Việt Nam với hàng loạt các thương vụ đình đám: mua lại 65% cổ phần tại Công ty Cổ phần Thái An với giá trị gần 700 tỉ đồng, hoạt động kinh doanh chính là xuất nhập khẩu và phân phối hàng tiêu dùng; mua lại 75% tỉ lệ sở hữu tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Ichiban, chuyên sản xuất đậu hũ và các sản phẩm từ đậu nành. 

BJC cũng nắm giữ 65% vốn chủ sở hữu tại tập đoàn Phú Thái, hoạt động trong lĩnh vực phân phối sỉ và lẻ hàng tiêu dùng. Tháng 7.2013, chính BJC đã hỗ trợ tài chính cho Phú Thái để mua lại phần vốn góp của chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart (Nhật) tại Việt Nam, đổi tên thành B’Mart. 

Nắm trong tay hàng loạt các công ty phân phối sỉ và lẻ hàng đầu Việt Nam, BJC rõ ràng đang muốn bành trướng mạnh mẽ đế chế của mình. Từ đây, một hệ thống khép kín có thể được xây dựng nhằm tăng cường đưa hàng hóa Thái vào thị trường Việt Nam. Với thương vụ MCC, “hổ” BJC sẽ được chắp thêm cánh. Nhưng tập đoàn này có được những gì khi thâu tóm MCC Việt Nam?

Đầu tiên phải nói đến thương hiệu của Metro Cash & Carry. Đây là thương hiệu bán buôn hàng đầu thế giới và đã xuất hiện rất sớm tại thị trường Việt Nam. Các trung tâm bán sỉ của MCC nhắm vào đối tượng khách hàng có nhu cầu lớn về hàng hóa như nhà hàng, khách sạn, bệnh viện, doanh nghiệp, văn phòng… Vì bán hàng số lượng lớn nên mức giá bán của MCC so với các kênh phân phối hiện đại khác khá cạnh tranh. Ngoài ra, thiết kế hoạt động của MCC còn nhắm đến sự tiện lợi cho khách hàng với mục tiêu “one-stop-shop”, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tại một địa điểm mua sắm duy nhất.

Sau 12 năm hoạt động, MCC Việt Nam đã xây dựng được vị trí nhất định trong tâm trí người tiêu dùng Việt và cũng định hướng thói quen tiêu dùng của các tổ chức hệ thống bán sỉ hiện đại. Doanh thu bán hàng của thương hiệu này tại thị trường Việt Nam năm 2012-2013 đạt xấp xỉ 14.500 tỉ đồng.

Kế đến là hệ thống trung tâm mua sắm phủ khắp Việt Nam. Hiện tại, hệ thống MCC có 19 trung tâm mua sắm tại hầu hết các thành phố lớn của Việt Nam với hơn 3.600 nhân viên. Các siêu thị và chi nhánh phân phối của MCC chủ yếu nằm tại các cửa ngõ thành phố lớn hay khu vực ngoại thành nơi có vị trí rộng rãi, mật độ giao thông không quá cao nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch buôn bán hàng hóa với số lượng lớn.

Cụ thể, các địa điểm của MCC thường đáp ứng một số điều kiện: thuận tiện đi lại cho khách địa phương, thuận tiện cho việc chuyên chở hàng hóa từ nơi cung cấp trong vùng đến trung tâm MCC và ngược lại từ MCC đến các đối tác trong vùng. Có một điểm đáng lưu ý, vị trí của các trung tâm mua sắm MCC ngày nay càng trở nên đắc địa vì dân cư bắt đầu tập trung đông đúc hơn nhờ quá trình đô thị hóa. Với lợi thế là người đi trước, đặt chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2002, chi phí đầu tư cho thuê đất và giải phóng mặt bằng MCC bỏ ra chắc chắn là thấp hơn rất nhiều so với thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, hệ thống kho vận và điều hành của MCC cũng đã nổi tiếng với quy trình vận hành đồng bộ khoa học theo chuẩn quốc tế. MCC cũng đã xây dựng được chuỗi cung ứng sản phẩm tại chỗ ổn định với hàng ngàn nhà cung cấp địa phương. Đây là điều mà những tay chơi mới sẽ phải mất nhiều thời gian khi phải đầu tư xây dựng từ đầu và vận hành hệ thống này một cách trơn tru.

Việc tích hợp hệ thống bán sỉ của MCC Việt Nam vào hoạt động của BJC chắc chắn sẽ giúp tập đoàn này rút ngắn thời gian đầu tư và đẩy nhanh tiến độ bành trướng tại thị trường Việt Nam; cho phép họ nhanh chóng phát triển thương hiệu sản phẩm hàng tiêu dùng, y tế, công nghệ…



Các mảng kinh doanh của Berli Jucker

Các mảng kinh doanh của Berli Jucker.

Cái giá của MCC

Với mức giá chuyển nhượng tương đương 880 triệu USD, giá trị của MCC Việt Nam nằm ở hai phần: giá trị hữu hình và giá trị vô hình.

Trung bình, MCC đầu tư khoảng 15-20 triệu USD cho mỗi trung tâm mua sắm. Ước tính trong 12 năm hoạt động, MCC đã chi ra hơn 300 triệu USD đầu tư cho hệ thống bán hàng tại thị trường Việt Nam, chưa bao gồm khoản lỗ lũy kế khoảng 28,5 triệu USD (598 tỉ đồng) tính đến thời điểm năm 2012. Hơn 500 triệu USD còn lại nằm ở các tài sản vô hình mà tập đoàn này đã cặm cụi xây dựng trong hơn một thập kỷ qua tại Việt Nam. Ví dụ như thương hiệu MCC, mạng lưới khách hàng và nhà cung cấp, hệ thống nhân lực… 

Tuy nhiên, chính vì giá trị vô hình chiếm tỉ trọng khá lớn trong tổng giá trị thương vụ nên sẽ không dễ để đánh giá liệu 880 triệu USD có phải là mức giá hợp lý, trong ngắn hạn. Dù sao cũng cần nhớ rằng, đây vẫn là thương vụ giữa hai tập đoàn đa quốc gia với hàng chục năm kinh nghiệm trên thương trường. Chắc chắn, lợi hại như thế nào đều đã được đôi bên cân nhắc kỹ lưỡng trước ký kết thỏa thuận.

Trong khi đó, giá cổ phiếu BJC đã rớt mạnh và đi ngang trong bối cảnh thị trường chứng khoán Thái Lan khá sôi động đã phần nào phản ảnh kỳ vọng của giới đầu tư về thương vụ mới nhất của tập đoàn này tại Việt Nam. Theo đánh giá của giới chuyên môn, dù việc tập trung phát triển hệ thống phân phối tại thị trường Việt Nam sẽ mang đến triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ cho BJC trong dài hạn, nhưng trước mắt chiến lược này đã “ngốn” mất một lượng vốn không hề nhỏ của tập đoàn này. Được biết, ngay cả chuỗi cửa hàng tiện lợi B’mart tại Việt Nam đến nay cũng chưa đóng góp vào lợi nhuận của BJC.

Dù vậy, việc mua lại MCC Việt Nam với mức giá lên đến 880 triệu USD cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của BJC khi tăng cường thâm nhập thị trường Việt Nam. Đích ngắm của BJC không chỉ là hệ thống phân phối hàng hóa sỉ và lẻ, mà còn là cơ hội đưa hàng hóa của họ vào thị trường Việt Nam một cách nhanh chóng hơn thông qua hệ thống này. Rõ ràng, chiến lược của BJC vừa tác động đến các doanh nghiệp bán lẻ Việt, đồng thời tạo ra nguy cơ cạnh tranh rất gay gắt đối với những nhà sản xuất tại thị trường Việt Nam.


Nguồn Nhịp Cầu Đầu Tư- AMICA sưu tầm

Tags: 2

BÀI VIẾT LIÊN QUAN