Từ giày dép, tới hàng điện tử, thiết bị nhà bếp... đã từ lâu, cái mác “Made in China” (“Sản xuất tại Trung Quốc”) đã được gắn khắp nơi nơi. Trong vòng một thập kỷ qua, nhập khẩu hàng năm từ Trung Quốc vào Mỹ đã gia tăng từ mức 81 tỷ USD lên 338 tỷ USD. Dường như mọi thứ hàng hóa có ở Mỹ đều xuất phát từ Trung Quốc.
Phần nhiều giá trị hàng nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc, cũng như từ Mexico, bao gồm những linh kiện và bộ phận sản xuất ở các quốc gia khác, trong đó có cả chính nước Mỹ. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, hàm lượng nội địa (phần đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế trong nước) chỉ chiếm khoảng 45% trong hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Với Mexico, tỷ lệ này là 34%. Phần 55% còn lại trong giá trị hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ được nhập về từ các nước khác như Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản… và sau đó trải qua khâu lắp ráp. Bởi thế, xem ra, cụm từ “Made in China” phải được thay thế bằng “Made in China, Vietnam, the United States…” mới là hợp lý. Bản chất của các ngành xuất khẩu ở Trung Quốc và Mexico khiến lượng đầu vào nội địa của các ngành này là khá thấp. Trong các năm từ năm 1996 tới nay, hơn 50% giá trị hàng xuất khẩu từ hai quốc gia này là “mậu dịch hàng gia công”, trong đó các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài với ưu đãi thuế, tiến hành lắp ráp rồi sau đó xuất khẩu đi. Trong các thống kê chính thức, hàng thành phẩm cập bến thị trường Mỹ, châu Âu và các thị trường khác với toàn bộ giá trị được xem là nhập khẩu từ Trung Quốc… Ở một số mặt hàng như hàng điện tử tiêu dùng, “mậu dịch hàng gia công” chiếm tới trên 90% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc và Mexico. Hai quốc gia trên làm gia tăng thêm rất ít giá trị vào các mặt hàng thuộc nhóm này, ở mức chưa đầy 20% đối với các sản phẩm máy tính, thiết bị điện tử, máy nghe nhạc iPod và điện thoại di động. Nhiều linh kiện của các sản phẩm như vậy, và đương nhiên là cả giá trị của chúng, đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và thậm chí cả Mỹ hay EU.
Vậy có thể suy ra được điều gì từ thực tế này? Thứ nhất, điều này đồng nghĩa với việc thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc và Mexico không lớn như những gì vẫn thấy. Thêm vào đó, thâm hụt thương mại của Mỹ với các quốc gia sản xuất linh kiện như Nhật Bản có lẽ phải lớn hơn các con số thống kê. Đúng là kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ châu Á trong vòng 15 năm qua đã giảm nhẹ, trong khi tỷ lệ hàng nhập từ Trung Quốc vào nước này tăng mạnh. Tuy nhiên, không thể suy ra rằng thế giới đã ngừng nhập khẩu sản phẩm của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác, mà thực tế là Trung Quốc chỉ “gián tiếp” xuất khẩu những sản phẩm này thông qua việc mua linh kiện từ các nước trên, lắp ráp, rồi xuất khẩu thành phẩm đi khắp thế giới. Thứ hai, việc hiểu đúng về cụm từ “Made in China” giúp hiểu đúng bản chất của một vấn đề mà từ lâu vẫn bị xem là “huyền bí”. Từ khi khủng hoảng nổ ra, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm mạnh, nhưng ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế của nước này gần như bằng không. Điều gì đang xảy ra? Xét tới tỷ lệ phần giá trị gia tăng nội địa thấp trong hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, mức độ phụ thuộc trên thực tế của kinh tế nước này vào xuất khẩu chỉ bằng một nửa so với những gì thể hiện trên các con số thống kê. Tác động tiêu cực từ sự sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc đã được chia sẻ với các nền kinh tế cung cấp linh kiện như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Hồng Kông. Chẳng hạn, với mỗi chiếc iPod mà Mỹ không nhập khẩu, sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc được ghi nhận trên thống kê là 150 USD, nhưng thực ra, chỉ có 4 USD trong số này là giá trị gia tăng phát sinh tại Trung Quốc. Nói cách khác, GDP của Trung Quốc chỉ bị giảm 4 USD tính trên 1 chiếc iPod không được xuất đi. Trong khi đó, Nhật Bản lại là nước đóng góp tới 100 USD trong giá trị 150 USD của chiếc iPod. Điều này cho thấy, Nhật mới là nước chịu sự sụt giảm GDP mạnh hơn khi xuất khẩu của Trung Quốc trên thống kê trượt dốc. Ở trường hợp của Mexico, tác động của khủng hoảng tới tăng trưởng nặng nề hơn so với Trung Quốc. Tuy nhiên, do sự phụ thuộc của kinh tế Mexico và kinh tế Mỹ là rất cao, sự sụt giảm xuất khẩu với khối lượng lớn đã có tác động bất lợi ở mức độ cao tới tăng trưởng kinh tế của Mexico. Mặc dù mô hình gia công xuất khẩu của Trung Quốc có thể được xem là một “bộ phanh” cho GDP trong thời kỳ suy thoái kinh tế, thế giới vẫn phải có sự nhìn nhận khác hơn về chuyện thâm hụt hay thặng dư thương mại. Với những chuỗi cung cấp toàn cầu thực thụ hiện nay, có lẽ đã tới lúc người ta nên dán lên các loại hàng hóa dòng nhãn “Made Everywhere” (“Sản xuất ở mọi nơi”). | |
Nguồn: amica.vn sưu tầm |
Hiểu đúng về “Made in China”
- Ngày viết
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Thương hiệu
Top 10 Thương Hiệu Bắt Trend Ngày Quốc Tế Nam Giới 19.11 Độc Đáo Nhất
Có thể nhiều người không biết được sự tồn tại của ngày này – Ngày Quốc tế Nam giới 19.11. Tính tới thời điểm hiện tại thì ngày kỷ niệm này chín...
Thương hiệu
CoolPaste – Phiên Bản Giấy Của Kem Đánh Răng ColGate
Một dự án nghiên cứu sinh đến từ Federal University of Minas Gerais nhằm mục đích không sử dụng đồ nhựa bảo vệ môi trường. Và sản phẩm mà nhóm ...
Thương hiệu
Vì sao Coca-Cola ra đời trước nhưng lại không thể kiện Pepsi tội ăn cắp sáng chế còn Pepsi lại không thể cáo buộc Coca-Cola vi phạm bản quyền?
Bài viết dưới đây là chia sẻ của Robert Bonwell Parker, một luật sư chuyên về luật tranh tụng và giải trí. Lưu ý rằng do chủ đề liên quan đến h...
Thương hiệu
Những điều mà các Digital Marketer hiểu sai về Marketing
Vấn đề lớn nhất của ngành marketing trong thời đại công nghệ bùng nổ hiện nay đó là: Có quá nhiều digital marketer không biết điều cơ bản của m...
Thương hiệu
Coca-Cola và PepsiCo thời “healthy”: Ai sẽ vượt lên?
Khi nhìn vào bộ sản phẩm của Coca-Cola, chúng ta thấy đồ uống có gas vẫn chiếm hơn 70% hoạt động kinh doanh của công ty. Trong khi, PepsiCo tập...
Thương hiệu
Chiến dịch 'dắt mũi' khách hàng của Dunkin’ Donuts - “Bơm” mùi cà phê lên xe buýt, đem về thêm 29% doanh thu!
Sự kết hợp tài tình giữa âm thanh, mùi hương và vị trí chiến lược của cửa hàng Dunkin' Donuts đã tạo ra một chiến dịch marketing cực kỳ thông m...