Khi bánh kẹo không còn “ngọt”

Theo báo cáo ngành bánh kẹo Việt Nam của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương (VietinBankSc), thì đây là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Báo cáo của Công ty này cho biết ngành sản xuất bánh kẹo ngày càng giữ tỷ trọng lớn trong ngành kỹ nghệ thực phẩm. Cụ thể là trong 10 năm trở lại đây, tỷ trọng của ngành bánh kẹo đã tăng từ 20% lên chiếm 40% ngành kỹ nghệ thực phẩm. Về quy mô, hiện cả nước có khoảng 30 DN sản xuất bánh kẹo, và khoảng 1000 cơ sở sản xuất nhỏ, ngoài ra là một số DN chuyên nhập khẩu bánh kẹo nước ngoài.

Không có truyền thống

Tuy nhiên, điều mà báo cáo này chưa chú ý phân tích, là với quy mô thị trường trên 1 tỷ USD mỗi năm và tỷ trọng nắm giữ “ngày càng tăng” trong ngành công nghiệp thực phẩm, mà chỉ có 30 DN đáng kể, cộng với 1000 cơ sở sản xuất nhỏ. Số liệu này cho thấy về bản chất ngành bánh kẹo Việt Nam gần như chưa được khai phá, dù là chỉ đủ để phục vụ thị trường trong nước, chứ chưa bàn tới xuất khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu bánh kẹo và các sản phẩm ngũ cốc chỉ là 451,2 triệu USD. Tuy tăng tới 9,85% so với năm 2012, nhưng thị trường xuất khẩu chính là Campuchia và Trung Quốc – vốn là hai thị trường chưa bao giờ kén chọn về chất lượng.

Nếu tính theo thương hiệu, có thể nói thị trường bánh kẹo Việt Nam có rất ít thương hiệu lớn, ngoại trừ Bibica, Kinh Đô, Hải Hà… người tiêu dùng nội địa Việt Nam gần như không có thêm nhiều thương hiệu bánh kẹo có tính “truyền thống” để nhớ. Mặt khác, ngay cả các thương hiệu bánh kẹo hàng đầu của Việt Nam vẫn chủ yếu “nổi tiếng” ở thị trường nội địa. Việt Nam hoàn toàn không có thương hiệu bánh kẹo tầm khu vực, chứ chưa bàn tới thế giới. Điều này cũng có nguyên nhân từ… lịch sử. Vì hàng chục năm qua, ngoại trừ các loại bánh “cổ truyền”, thì các loại bánh kẹo trên thị trường Việt Nam, bao gồm cả sản phẩm của các nhà sản xuất uy tín nhất, phần lớn đều là sản phẩm có nguồn gốc và công thức sản xuất ngoại nhập, mà không có sáng tạo “thuần Việt”.

Theo Công ty khảo sát thị trường quốc tế (BMI), dự kiến doanh thu của ngành bánh kẹo Việt Nam năm 2014 sẽ đạt 27.270 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 7,9% so với năm trước. Trong ba năm qua, tốc độ tăng trưởng của ngành này có dấu hiệu chậm lại. Cụ thể, tăng trưởng doanh thu năm 2013 là 9,95%, trong khi năm 2012 là 11,44% và năm 2011 là 22,2%. Tuy nhiên, ngay cả khi “chậm lại” này, tốc độ tăng trưởng của ngành bánh kẹo Việt Nam vẫn vượt khá xa mức trung bình 3% của khu vực Đông Nam Á và 1,5% của thế giới. Điều đang lo ngại từ báo cáo của BMI, là dù dự kiến giá trị của ngành bánh kẹo Việt Nam vào năm 2018 sẽ đạt mức 40.000 tỷ đồng, nhưng phần lớn giá trị sản xuất này sẽ do các DN ngoại thực hiện, sau khi đã mua lại những thương hiệu lớn nhất của ngành bánh kẹo Việt Nam.

Lo hay mừng?

Đó có thể là một lo ngại thuần túy về thông tin, hơn là nguy cơ về thực tế. Vì ngành bánh kẹo Việt Nam không phải là một ngành sản xuất truyền thống, hiểu theo nghĩa là có sản phẩm truyền thống và nhà sản xuất truyền thống. Dù tên gọi DN vẫn còn, nhưng Việt Nam không có những sản phẩm bánh kẹo vang danh thế giới. Do đó, việc DN do ai tiếp quản không phải là vấn đề lớn với phát triển ngành. Tất nhiên, từ góc độ đầu tư, những nhà đầu tư “thuần Việt” có thể tiếc rẻ vì một ngành sản xuất giàu tiềm năng, tăng trưởng tốt đã bị thôn tính bởi các DN ngoại. Nhưng ở góc độ tiêu dùng, sự tham gia của ngôn ngữ quản trị DN, khai thác thị trường của các DN ngoại sẽ khiến người tiêu dùng trong nước được lợi, cả về sự an toàn của sản phẩm và cả về sự đa dạng của sản phẩm.

Thực tế là hiện những tên tuổi lớn nhất của DN bánh kẹo Việt như Kinh Đô, Bibica… đều đã bán tỷ lệ cổ phần lớn nhất cho các DN đến từ Mỹ, Hàn Quốc. Trong đó, Tập đoàn Kinh đô đã bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelez International của Mỹ với trị giá 370 triệu USD, còn tại Bibica, có đến 44% cổ phần DN này là của Lotte (Hàn Quốc). Tuy nhiên, nên mừng với giá trị bán cổ phần này, vì sau nhiều năm cổ phần hóa từ mức độ vài chục tỷ đồng, việc các hãng ngoại bỏ vài trăm triệu USD mua cổ phần DN bánh kẹo nội đã cho thấy chủ trương cổ phần hóa ngành bánh kẹo là đúng đắn, khi tạo ra được những DN ngành thực sự có giá trị và hấp dẫn ngay cả những DN ngoại. Trong khi sự hấp dẫn này không tồn tại ở những ngành như vận tải biển, đóng tàu, hay thậm chí là dệt may…

Mặt khác, khi bánh kẹo là ngành thực sự cần sự sáng tạo để tạo ra những sản phẩm mới, có sức hấp dẫn người tiêu dùng, thì càng không nên lo ngại khi DN nội bị thôn tính bởi DN ngoại. Bài học từ các loại sản phẩm đồ uống như trà xanh, nước tăng lực, sữa…. của các DN “sinh sau đẻ muộn” cho thấy, sản phẩm tốt mới thực sự quyết định tới tương lai của DN. Nếu CocaCola, Pepsi đã thành danh và trụ vững trên thị trường nội, thì TH true Milk, Trà xanh không độ… đâu có vì thế mà mất thị trường, không thể phát triển? Nói cách khác, ngay cả khi mua lại những DN ngành bánh kẹo nội, những nhà đầu tư ngoại cũng tiếp tục phải đầu tư, sáng tạo để duy trì và phát triển vị thế vốn có của DN họ đã mua. Và các DN còn lại, nếu muốn phát triển cũng phải tuân theo “công thức” này. Càng sáng tạo, càng năng động thì người tiêu dùng, xã hội càng thêm nhiều lợi ích.

-----------------------------------

Ts. Nguyễn Văn Ngãi, chuyên gia kinh tế

Một thị trường bánh kẹo có doanh thu khổng lồ như vậy nhưng dần bị thu hẹp do các công ty nước ngoài chiếm lĩnh thị phần là một vấn đề đáng suy nghĩ. Bánh kẹo không phải là một sản phẩm công nghệ cao để rơi vào tay nước ngoài dễ dàng như thế. Có người cho rằng Kinh Đô, Bibica bán cho nước ngoài nhưng vẫn sản xuất ở Việt Nam, sử dụng lao động Việt Nam và không mất đi đâu cả, nhưng cái quan trọng là phần lợi nhuận mà công ty này kiếm được sẽ được chuyển ra nước ngoài. Nhiều năm qua, chúng ta hô hào chương trình vận động người VN dùng hàng VN, nhưng với bánh kẹo thì người tiêu dùng trong nước liệu có thể lựa chọn nào khác ngoài những sản phẩm ngoại? Có những mặt hàng tưởng có doanh thu chẳng là bao, nhưng thực tế thì cực kỳ lớn, như bánh kẹo, đáng lẽ ra thuộc về người Việt Nam thì lại rơi vào tay nước ngoài. Rõ ràng chúng ta ngày càng thua trắng trên sân nhà.

 

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô

Kinh Đô đứng trước thách thức là phải tìm kiếm những hướng đi mới để kích thích tăng trưởng chiến lược "Thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu". Từ năm 2012, bên cạnh ngành hàng bánh kẹo, Kinh Đô đã đẩy mạnh đầu tư theo hướng... thực phẩm hơn. Chúng tôi mong muốn người tiêu dùng không chỉ biết đến Kinh Đô qua bánh kẹo, kem, sữa, các sản phẩm từ sữa mà còn qua các sản phẩm thiếu yếu khác. Đa dạng hóa sản phẩm trong lĩnh vực thực phẩm chính là chúng tôi đang hướng đến sự chuyên nghiệp trong việc phục vụ nhu cầu thị trường

 

Ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Viện Marketing và Quản trị Việt Nam

Áp lực tăng trưởng buộc các DN phải vươn ra khỏi lĩnh vực của mình. Tăng trưởng trong ngành là tăng trưởng hữu cơ và có giới hạn. DN ngành bánh kẹo đầu tư sản xuất mì gói, dầu ăn hay DN nước chấm, mì gói đầu tư vào nước giải khát, cà phê… là đầu tư vào những ngành gần, cùng chung lĩnh vực thực phẩm nên rủi ro ít hơn so với đầu tư vào các ngành xa như bất động sản, tài chính..

Theo Thời báo kinh doanh - AMICA sưu tầm

Tags: 2

BÀI VIẾT LIÊN QUAN