Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng

  • PV: Thời điểm tháng 1/1/2009 đang gần kề, nhiều ý kiến lo ngại các DN bán lẻ của Việt Nam phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt của các DN nước ngoài, xin ông cho biết, mức độ của sự lo ngại này tới đâu?

Ông TRỊNH ĐÌNH LONG: Phân phối giống như chiếc chìa khoá trong nền kinh tế. Hệ thống phân phối là những huyết mạch của tổng thể nền kinh tế. Nếu hệ thống này bị các tập đoàn nắm giữ thì vai trò của Nhà nước trong việc kiểm soát và bình ổn giá trên thị trường là rất khó thực hiện. Các DN sản xuất và phân phối của Việt Nam chắc chắn gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh sắp tới vì cuộc chiến không cân sức. Các tập đoàn nước ngoài thực sự có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động bán lẻ phương thức hiện đại (chúng tôi gọi chung là Moden trade) như chuỗi siêu thị, cửa hàng tự chọn, bán hàng qua mạng, chuỗi trung tâm phân phối toàn cầu được quản lý xuyên suốt và rất hiệu quả do ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý. Họ thực sự có kinh nghiệm hơn ta vài chục năm để vận hành có hiệu quả những cố máy thương mại như vậy và lợi thế về vốn đầu tư cũng rất đáng kể để cho phép họ có sức đua lâu dài, METRO khi vào Việt Nam cũng dự kiến lỗ liên tục trong vòng 5 năm khi khai trương kho đầu tiên. Những điều này sẽ đẩy các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ Việt Nam đứng trước nhiều nguy cơ trong đó thấy rõ nhất là khó khăn trong thu mua hàng và vận hàng bộ máy phân phối có hiệu quả. Các doanh nghiệp phân phối của ta đều còn non trẻ và cũng chưa có hệ thống phân phối toàn cầu để có lợi thế về khai thác và phân phối theo chuỗi.

  • PV:  Là người thường xuyên tiếp xúc và giải đáp những khó khăn của DN, theo ông vấn đề đáng lo nhất của những doanh nghiệp Việt Nam là gì?

Ông TRỊNH ĐÌNH LONG: Cái lo của bán lẻ Việt Nam chính là con người, con người không phải một sớm một chiều là có ngay được mà phải có cả một quá trình. DN có thể thuê ngay được một TGĐ nước ngoài về làm, chúng ta có thể có một vị trí mặt bằng tốt, có quan hệ khách hàng tốt…nhưng nếu bộ máy không ăn nhịp với nhau sẽ rất khó thực hiện. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần phải thực sự có kiến thức về phương pháp phân phối mới này để có thể có sự thay đổi ở tầm chiến lược.

Tuy nhiên, nhân lực quản lý cấp cao trong lĩnh vực đào tạo phân phối, bán lẻ ở Việt Nam còn quá ít, thậm chí là không có nên các DN khá lúng túng. Phương thức kinh doanh hiện đại sẽ chiếm ưu thế trong thời gian tới, do vậy sẽ phải có rất nhiều người ở các doanh nghiệp phải đi đào tạo lại trong nhiều mảng khác nhau để thích ứng với phương pháp kinh doanh mới.

Doanh nghiệp Việt Nam mặc dù đã ý thức được khả năng cạnh tranh sẽ rất gay gắt với DN nước ngoài song họ còn khá lúng túng trong việc chuẩn bị. Nguyên nhân là các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức, tìm hiểu về đối tác chưa sâu trong khi đối tác hiểu ta rất rõ vì có sự nghiên cứu bài bản và kinh nghiệm triển về khai mô hình đã áp dụng tương tự ở các quốc gia đang phát triển giống Việt Nam. Ta cũng còn thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực này. Tóm lại là cả tầm vĩ mô và vi mô đều chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

  • PV: Thách thức mà các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt cũng khá nhiều, thế còn cơ hội thì sao thưa ông?

Ông TRỊNH ĐÌNH LONG: Các DN thương mại và phân phối, bán lẻ trong nước cần khai thác lợi thế và hiểu biết khách hàng, thương hiệu, đa dạng hoá các kênh phân phối cả chiều ngang lẫn chiều dọc để khai thác tốt và chiếm lĩnh các phân khúc khách hàng khác nhau. Không phải ai cũng vào siêu thị, hiện nay tỉ lệ hàng bán ra từ hệ thống Moden trade của Việt Nam chưa đạt tới 2%, cần mở các cánh cửa cơ hội khác và sử dụng lợi thế của mình ở thị trường quen thuộc “sân nhà”. Các tập đoàn nước ngoài cũng không đầu tư ồ ạt sau 1/1/2009, thị trường của ta thu nhập thấp mặc dù tiềm năng nhưng cũng chưa phải là lý tưởng. Chúng ta cần tậm dụng thời gian này để “nâng cấp” phương pháp kinh doanh và tạo lực cạnh tranh. Học tập phương thức quản lý phân phối và tiếp cận khách hàng theo cách mới, ứng dụng công nghệ trong quản lý là những cái chúng ta phải làm ngay.

  • PV: Xin cảm ơn ông!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN