Một thương hiệu tốt đồng nghĩa với sản phẩm có chất lượng

Vấn đề nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu là một mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế. Vậy cần làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua chất lượng sản phẩm? Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Hải Quan đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Đình Long – Tổng giám đốc Công ty Giải pháp phát triển doanh nghiệp…

PV: Vâng ông có thể lý giải vì sao các sản phẩm của Việt Nam chưa có sức cạnh tranh cao, đặc biệt là cạnh tranh với các sản phẩm của nước ngoài?

Ông Trịnh Đình Long: Bên cạnh một số sản phẩm và nhãn hiệu Việt đã thành công như  café Trung Nguyên, sữa Vinamilk, bia Halida hay săm lốp Sao vàng,… do có ưu thế về nguyên liệu, nhân công, có ứng dụng đầu tư công nghệ mới và  hướng đi đúng để phát triển thương hiệu, còn lại phần nhiều sản phẩm của VN chưa thể cạnh tranh được với sản phẩm sản xuất tại nước ngoài hay mang nhãn hiệu nước ngoài. Nguyên nhân quan trọng ở đây là do chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn như  trong lĩnh vực dược phẩm: Chúng ta chưa có nhiều loại thuốc chữa bệnh tốt hay hiệu quả do khả năng (như đầu tư nghiên cứu của chúng ta còn hạn chế). Cùng là thuốc nhỏ mắt thôi nhưng thuốc Việt Nam sản xuất chỉ có giá từ vài trăm đồng tới vài ngàn đồng trong khi thuốc ngoại có giá vài chục ngàn đồng vẫn dễ bán. Một số lĩnh vực khác như máy tính hay thiết bị điện tử hay công nghiệp xe máy là do chúng ta đi sau về công nghệ nên không có lợi thế về kỹ thuật cũng như thương hiệu. Máy tính xách tay thương hiệu Việt nam dù có rẻ hơn hay các điều kiện khác tốt ngang bằng thậm chí còn có chế độ tốt hơn ( chế độ bảo hành) với nhãn hiệu nước ngoài khác như IBM hay Compaq (do chúng ta cũng xử dụng linh kiện nhập chính hãng) cũng không thể có giá bán ngang ngửa với các thương hiệu nước ngoài.

Các thương hiệu nước ngoài có giá trị rất lớn, nó tác động lên quyết định lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng. Có thể nói đằng sau một thương hiệu cũng là một cam kết về chất lượng. Có một thương hiệu tốt cũng đồng nghĩa với một sản phẩm có chất lượng.

PV: Theo ông, để xây dựng hệ  thống quản lý giám sát chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp cần làm gì?

Ông Trịnh Đình Long: Trước hết, các doanh nghiệp cần ý thức về vấn đề giám sát và quản lý chất lượng. Nó không chỉ là việc để bảo cung cấp ra một sản phẩm chất lượng mà còn bảo đảm giá trị  cho thương hiệu (đó là lợi ích mà có thể tính bằng tiền mà chúng ta bây giờ đã thấy) vì người mua sẵn sàng trả giá cao hơn khi họ tin tưởng vào chất lượng đằng sau mỗi thương hiệu. Doanh nghiệp cần có kiến thức về xây dựng hệ thống và qui trình quản lý. Có thể cử cán bộ đi tham dự các lớp hội thảo tập huấn (như chương trình này chẳng hạn) và tự xây dựng cho mình những qui định về quản lý giám sát chất lượng phù hợp hoặc xây dựng theo các qui chuẩn ISO về chất lượng. Doanh nghiệp cũng có thể thuê các công ty tư vấn về xây dựng hệ thống để bảo đảm tính chuyên nghiệp cao và nhanh chóng.

PV: Xin ông cho biết, giải pháp quan trọng nào để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua chất lượng sản phẩm? Riêng với những doanh nghiệp xuất khẩu cần những giải pháp gì?

Về giải pháp thì tôi đã đề cập ở các phần trên rồi. Riêng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thì chắc chắn cần làm làm thực thi các chuẩn mực quốc tế về quản lý chất lượng  như  ISO, HACCP,.. và các tiêu chuẩn phù hợp theo yêu cầu của các thị trường mà doanh nghiệp định nhắm tới. Chất lượng sản phẩm cũng phụ thuộc vào sự cảm nhận của khách hàng rất lớn như thông qua bao bì, thông tin mà họ đã nhận được về sản phẩm. Cho nên doanh nghiệp cũng cần chú ý tới việc đóng gói, thiết kế, xây dựng hệ thống nhận diện cho sản phẩm và khuyếch trương những lợi ích, điểm khác biệt của sản phẩm thông qua truyền thông. Chẳng hạn như tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm, tham dự hội chợ, giới thiệu qua website doanh nghiệp, quảng bá trên truyền hình, báo,…

 

PV: Là Tổng giám đốc của Công ty Giải pháp phát triển doanh nghiệp, đã từng giúp đỡ các doanh nghiệp phát triển. Vậy ông thấy khó khăn nhất của doanh nghiệp trong việc xây dựng chất lượng sản phẩm là gì?

Ông Trịnh Đình Long: Khó khăn thì rất nhiều, theo tôi khó nhất hay không lại tùy vào cụ thể từng doanh nghiệp. Đa phần tôi nghĩ là không có đủ khả năng đầu tư vào công nghệ do thiếu vốn và khả năng quản lý vốn hay kế hoạch kinh doanh để có thể tiếp cận vốn vay và sử dụng có hiệu quả. Và cũng có doanh nghiệp huy động vốn rất tốt nhưng lại không có chiến lược sản phẩm phù hợp do không đầu tư vào nghiên cứu thị trường như thói quen và tâm lý tiêu dùng nên sản phẩm vẫn không cất cánh được. Ví dụ như đặt tên cho sản phẩm mang tên địa phương tùy hứng mà không gắn với thế mạnh được biết tới của địa phương (hoặc tên cá nhân người chủ doanh nghiệp) sẽ rất khó phổ biến sản phẩm này ra địa phương khác. Có những sản phẩm có tiếng như khoáng Kim bôi ở miền Bắc chẳng hạn, rất lâu đời và sản phẩm tốt nhưng không đầu tư đúng mức cho xây dựng hình ảnh thương hiệu và hệ thống phân phối. Ví dụ khác trong sản phẩm dịch vụ như đầu tư ngành dịch vụ xe taxi với dàn xe rất lớn nhưng lại có một tên hãng xe rất địa phương thì rất khó tiếp thị ra ngoài lãnh thổ (quận huyện khác thôi chưa nói tới toàn quốc). Doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng tốt đồng nghĩa với việc có sản phẩm được thừa nhận chất lượng và có mặt rộng rãi trên thị trường mà nó phục vụ.

Xin cảm ơn ông!

 

Nguồn: Báo Hải quan số 50, ngày 27/ 04/ 2008

BÀI VIẾT LIÊN QUAN