Thiếu quy hoạch các Trung Tâm Thương Mại: Nửa vời thì… chết yểu

Mặc dù đã nỗ lực tái cơ cấu song hàng loạt các trung tâm thương mại (TTTM) vẫn chưa thoát khỏi cái bóng "vắng khách" đeo đẳng. Theo các chuyên gia, áp lực suy giảm tiêu dùng cùng sự phát triển quá nhanh, không theo quy hoạch của các TTTM đang khiến cho các địa chỉ vàng của bán lẻ rơi vào cảnh "chợ chiều".

Từ cuối tháng 7, giới kinh doanh thương mại khá bất ngờ khi ông hoàng trong ngành bán lẻ hàng hiệu là Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) tiếp tục công bố kế hoạch tái cơ cấu TTTM sang trọng bậc nhất Hà Thành là Tràng Tiền Plaza. Những nghi ngại về tính hiệu quả hoạt động của TTTM này được đặt ra, khi đây từng được coi là một trong những địa chỉ "vàng" về bán lẻ.

Thay áo, vẫn khó đổi vận

Ông chủ của Tràng Tiền Plaza đã bỏ ra đến 400 tỷ đồng để "lột xác" hoàn toàn trung tâm bách hoá tổng hợp cũ – biểu tượng của văn hoá thương mại Hà Nội trở thành một trong những TTTM sang trọng bậc nhất Hà Thành. Hơn nữa, với kinh nghiệm hoạt động lâu năm trong ngành bán lẻ hàng hiệu, có quan hệ tốt với hàng trăm thương hiệu nổi tiếng thế giới, các chuyên gia cũng như giới kinh doanh trong ngành kỳ vọng, sự thay đổi của Tràng Tiền Plaza sẽ mang đến hình ảnh mới về các TTTM, vốn đang hoạt động khá ảm đạm và èo uột trong bối cảnh tiêu dùng suy giảm.
Tuy nhiên, bóng ma của tiêu dùng ảm đạm cùng sự phục hồi khá èo uột của kinh tế thế giới và trong nước một lần nữa đã cho thấy, dù có được đầu tư bài bản về hạ tầng, phương thức quản trị kinh doanh thì những TTTM xa hoa vẫn không thể hấp dẫn các thượng khách mua sắm. Đặc biệt đối các sản phẩm hàng cao cấp – vốn chỉ dành cho phân khúc khách hàng nhỏ là giới thượng lưu và trung lưu, thì nhu cầu mua sắm lại càng giảm. Thực tế cho thấy, không chỉ Tràng Tiền Plaza mà trước đó, hàng loạt các TTTM tại các thành phố lớn, điển hình là Hà Nội và Tp.HCM, vốn là địa chỉ mua sắm hàng hiệu và các phân khúc khác nhau, cũng trong cảnh "èo uột".
Đơn cử như với một số chợ được chuyển đổi thành TTTM như TTTM Hàng Da, TTTM Ô Chợ Dừa, TTTM Thanh Trì, chợ Cửa Nam… hoạt động theo mô hình kết hợp chợ truyền thống và TTTM cũng không thoát khỏi cái bóng vắng khách. Mặc dù đáp ứng cho nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, song các TTTM "nửa vời" này vẫn không thể hấp dẫn khách hàng do sự bất tiện và không phù hợp với nhu cầu mua sắm. Nhiều gian hàng đóng cửa, các tiểu thương phải tháo chạy khỏi các TTTM ra "chợ cóc" để kinh doanh.

Hàng loạt trung tâm thương mại vắng vẻ trong mùa dịch corona - Báo Người  lao động

Cảnh nhân viên đông hơn khách tại một TTTM

Ngay cả với những TTTM mới, điển hình như Grand Plaza – một siêu dự án thương mại vốn được kỳ vọng sẽ trở thành TTTM hàng hiệu bậc nhất cũng phải đóng cửa sau 2 năm hoạt động vì các gian hàng kinh doanh ế ẩm. Không chịu nổi "nhiệt" khi giá thuê quá cao, trong khi lượng khách mua ngày càng ít ỏi đã khiến cho chủ các gian hàng không thể duy trì hoạt động. Cuối 2012, TTTM này đóng cửa và cho đến nay Grand Plaza vẫn chưa hẹn ngày trở lại do tỷ lệ trống sàn quá lớn. Ngoài ra, một số TTTM khác như Parkson Thái Hà dù đã có thâm niên 5 năm hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy các gian hàng lên đến 90%, song khách hàng đến mua sắm cũng thưa thớt…
Trao đổi với Thời báo Kinh doanh, ông Trịnh Đình Longchuyên gia tư vấn thương mại, cho rằng các TTTM đã có sự phát triển vượt bậc khi khai thác nguồn hàng phong phú, chất lượng tốt, cung cách phục vụ chuyên nghiệp. Song tình trạng èo uột, kinh doanh ế ẩm của hầu hết các TTTM trong thời gian qua chủ yếu do sức mua bị chững lại, cùng những tác động của suy thoái kinh tế. Do đó, dù đã nỗ lực thay đổi, làm mới mình hay đưa ra những phương thức kinh doanh linh động hơn với yêu cầu thị trường, thì các TTTM này vẫn không thoát khỏi tình cảnh "chợ chiều".

Tránh phát triển "nóng"

Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng sự phát triển quá nhanh với mật độ dày đặc của các TTTM cũng là nguyên nhân góp phần làm cho các địa chỉ bán lẻ "vàng", dù được kỳ vọng sẽ làm cho thị trường sôi động trở lại cũng không thể thoát khỏi cái bóng "èo uột". Cũng bởi, hiện vẫn chưa có quy hoạch cụ thể về phát triển các TTTM cho từng địa phương, từng vùng, nên với số lượng lớn các TTTM lớn cùng "mọc" lên như "nấm" trong thời gian qua, sự cạnh tranh càng gay gắt hơn. Thực tế, khi Tràng Tiền Plaza đi vào hoạt động, tại Hà Nội đã có hàng chục TTTM khác cũng được đầu tư xây dựng khá hoành tráng như Royal City, Times City, Mipec Tower, Lotte Đội Cấn… Trong khi đó, các mô hình thương mại khác như siêu thị, bán lẻ online… song song tồn tại, vừa cạnh tranh trực diện với các TTTM, lại vừa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng bởi tính tiện lợi và tích hợp trong mua sắm, nên "cửa" ra cho các TTTM vẫn chưa thực sự "mở".
Với sự phát triển của thương mại bán lẻ, TTTM sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai và sẽ là một trong những kênh mua sắm thắng thế trong các loại hình bán lẻ hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự phục hồi và nhu cầu mua sắm chưa được cải thiện nhiều, các TTTM cần đưa ra những phương thức kinh doanh linh hoạt, phù hợp, tạo sự thuận tiện cho thượng khách. Đồng thời, cần có những quy hoạch cụ thể phát triển hệ thống các TTTM tại các địa phương, tránh sự phát triển quá "nóng", quá ồ ạt hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp để các TTTM có nền tảng phát triển tốt trong tương lai.

Ngày 14/8/2014

- Theo phóng viên Cẩm An (Thời báo kinh doanh) viết bài và trích dẫn ý kiến phỏng vấn ông Trịnh Đình Long, AMICA-

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN