Tọa đàm “Trường hợp MCD – Ecolife, từ Tư duy tổ chức PCP tới DNXH”


Ông Trịnh Đình Long - Tổng giám đốc công ty Giải pháp phát triển doanh nghiệp AMICA - Chuyên gia tư vấn thương hiệu và quản trị doanh nghiệp, đã tham gia tư vấn và chia sẻ tại buổi tọa đàm “Trường hợp MCD-Ecolife, từ Tư duy tổ chức Phi chính phủ tới Doanh nghiệp xã hội”, do Trung tâm CNTT và truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của các nhà quản lý tổ chức Phi chính phủ, các nhà tư vấn và những người quan tâm tới khía cạnh đầu tư xã hội cùng những khách mời đến từ địa phương.

Từ năm 2008, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Các nguồn vốn tài trợ phát triển chính thức và của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài theo đó cũng sẽ thu hẹp dần hoặc chuyển sang hình thức hơp tác đối tác. Trong bối cảnh này, cách tiếp cận Doanh nhân xã hội là một trong những hướng đi mới mà nhiều tổ chức phi chính phủ đang cân nhắc lựa chọn. Trên thực tế ở Việt Nam đã có những cách tiếp cận DNXH khác nhau. Đó là những cách tiếp cận nào?

Tiếp nối Hội thảo bàn tròn “Cách tiếp cận doanh nhân xã hội với các tổ chức phi chính phủ Việt Nam”, được tổ chức trước đó hai tháng và sau khi tổ chức chuyến đi thực địa cho một số nhà quản lý các tổ chức PCP tới Giao Xuân, Nam Định, Trung tâm CNTT và truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) tổ chức buổi tọa đàm “Trường hợp MCD-Ecolife, từ Tư duy tổ chức Phi chính phủ tới Doanh nghiệp xã hội”. Buổi tọa đàm được thực hiện tại Hà Nội vào ngày 18/11/2011 với sự tham gia của các nhà quản lý tổ chức PCP, các nhà tư vấn và những người quan tâm tới khía cạnh đầu tư xã hội cùng những khách mời đến từ địa phương.

Buổi tọa đàm bàn tròn được tổ chức trong khuôn khổ dự án tăng cường năng lực các nhà quản lý tổ chức phi chính phủ Việt Nam thông qua cách tiếp cận kỹ năng DNXH do Đại sứ quán Mỹ tài trợ, Trung tâm CNTT và Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) là cơ quan thực hiện.

Cách tiếp cận Doanh nhân xã hội

Từ năm 2008, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Các nguồn vốn tài trợ phát triển chính thức và của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài theo đó cũng sẽ thu hẹp dần hoặc chuyển sang hình thức hơp tác đối tác. Trong bối cảnh này, cách tiếp cận Doanh nhân xã hội là một trong những hướng đi mới mà nhiều tổ chức phi chính phủ đang cân nhắc lựa chọn.

Trên thực tế ở Việt Nam đã có những cách tiếp cận DNXH khác nhau:

  • Tách mảng có cơ hội tạo nguồn thu cho cộng đồng hưởng lợi ra thành các đối tác DNXH, nhưng giữ mối liên hệ về sứ mệnh và tầm nhìn.
  • Giữ nguyên hình thức tổ chức PCP của mình nhưng chuyển dần từ việc nhận tài trợ sang cung cấp dịch vụ.
  • Một số người thì lại chọn thành lập DNXH ngay từ đầu, không bắt đầu từ một tổ chức PCP nào.
  • Các doanh nghiệp chuyển từ hình thức doanh nghiệp kiếm lợi nhuận đơn thuần sang hình thức DNXH

Mỗi lựa chọn có những thuận lợi, khó khăn và thách thức khác nhau. Trong khuôn khổ buổi Tọa đàm của Trung tâm CNTT và Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT), những người tham gia tập trung khai thác chủ yếu về trường hợp sáng kiến Ecolife của Trung tâm Bảo tồn sinh vật Biển và Phát triển cộng đồng (MCD) thành doanh nghiệp xã hội, công ty dịch vụ sinh thái, công ty TNHH Ecolife (Ecolife).

 

Trường hợp MCD – Ecolife, từ Tư duy tổ chức PCP đến DNXH

Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD), là tổ chức PCP Việt Nam hoạt động với mục tiêu bảo tồn các hệ sinh thái biển và ven biển góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ven biển. Trong nhiều năm, MCD đã góp phần xây dựng mô hình Du lịch cộng đồng có yếu tố sinh thái (DLSTCĐ) thường được gọi là sáng kiến Ecolife tại các vùng dự án góp phần, làm thay đổi bộ mặt cho những làng quê ven biển. Nổi bật là mô hình tại xã Giao Xuân, vùng đệm vườn Quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định. Mô hình đã được xây dựng, triển khai và đang trong giai đoạn cất cánh. Sau những năm thực hiện dự án, các mô hình đã dần hoàn thiện nhưng bài toán trăn trở cho những người làm quản lý MCD là làm sao cho những mô hình này tồn tại bền vững và đem lại lợi ích kinh tế lâu dài cho những người dân sau khi dự án kết thúc, việc nhân rộng mô hình đó ra những địa phương có điều kiện tự nhiên tương tự cũng là một thách thức.

Sáng kiến ECOLIFE được khởi nguồn từ chính các kinh nghiệm và kết quả hoạt động của MCD thông qua dự án viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế và trong nước. Dự án ECOLIFE giai đoạn cất cánh đã được Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) lựa chọn tham gia chương trình Hỗ trợ Doanh nhân Xã hội Việt Nam năm 2009 và trở thành một trường hợp bước đầu có những trải nghiệm quan trọng trong việc chuyển đổi tư duy tổ chức PCP theo cách tiếp cận DNXH. Doanh nghiệp xã hội Ecolife đã được thành lập và nhóm cộng đồng hưởng lợi ở Giao Xuân cũng tổ chức thành Hợp tác xã Du lịch Sinh thái cộng đồng Giao Xuân.

Trường hợp MCD – Ecolife được chia sẻ tới những người tham gia từ MCD, Ecolife và  HTX DLST Giao Xuân nhằm chia sẻ những bài học thực tế, giúp các nhà quản lý PCP có thêm thông tin tham khảo cho tổ chức của mình.

 

Một số phát hiện rút ra từ thảo luận:

Anh Trịnh Đình Long – Giám đốc Công ty AMICA Corp., chuyên gia tư vấn thương hiệu và quản trị doanh nghiệp, cho rằng thành lập DNXH phải dựa trên những năng lực cốt lõi của thành viên ban đầu và phải thành công từ những cái căn bản nhất, đồng thời các dịch vụ phải có giá trị và tạo được tính cạnh tranh với các dịch vụ khác trên thị trường. Mô hình kinh doanh của DNXH Ecolife có lợi thế là sự đóng góp của cộng đồng (giúp giảm chi phí đầu tư) và lợi thế này nên tận dụng và phát huy.

Theo chị Phạm Hoàng Ngân – chuyên gia tư vấn truyền thông và phát triển doanh nghiệp, MCD nên giữ lại hoạt động xúc tiến quảng bá thông tin hỗ trợ phát triển cộng đồng. MCD có chức năng sứ mệnh phát triển cộng đồng, vì vậy quảng bá truyền thông cho cộng đồng nói chung, trong đó có các mô hình của Ecolife nói riêng, và nhờ vậy Ecolife sẽ gián tiếp được hưởng lợi. Trong tương lai, Ecolife sẽ có trách nhiệm tiếp tục duy trì và xây dựng thương hiệu của chính mình.

Chị Chế Phong Lan đến từ Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) cũng đưa ra đề nghị khai thác hết thế mạnh ở địa phương, đa dạng hóa sản phẩm để thay thế cho nhau để đáp ứng được nhu cầu rộng rãi hơn của nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau

Cũng đến từ CSIP, chị Đào Huệ Chi nhận thấy Ecolife sẽ có cơ hội thành công khi luôn liên kết với CM MCD và chia sẻ tầm nhìn, sứ mệnh của công tác bảo tồn biển và phát triển cộng đồng. Ecolife phát triển dựa trên những cơ hội của thị trường trong mối quan hệ theo chuỗi với các bên liên quan khác và vai trò của mỗi bên trong chuỗi cần được làm rõ.

Lời kết:

Có nhiều cách tiếp cận DNXH khác nhau đứng từ góc độ tổ chức PCP nhưng mỗi cách tiếp cận lại có những cơ hội, khó khăn và thách thức khác nhau. Thành lập một DNXH là một lựa chọn nhưng các tổ chức PCP cũng phải tính đến nhiều mặt khác nhau như nhân lực, quản trị với tư duy mới và những nhóm kỹ năng hoàn toàn mới. Việc thành lậpmột DNXH chỉ là khởi đầu, duy trì và phát triển trong những giai đoạn đầu cần sự hỗ trợ quyết liệt hơn từ phía những cơ quan bảo trợ, đặc biệt là những kỹ năng mới và cơ hội kết nối với các nhà đầu tư xã hội.

Nguồn: Vietnet-ICT - AMICA sưu tầm

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN