Nhà phân phối nhựa đường toàn cầu tấn công thị trường Việt Nam

Công ty Puma Energy chi nhánh tại Singapore đã hoàn tất thương vụ mua lại Công ty Chevron Kuo Pte, một công ty Singapore sở hữu 70% vốn của Công ty TNHH Nhựa đường Chevron Vietnam (Chevron Bitumen Vietnam Limited - CBVL). Puma Energy là doanh nghiệp chuyên cung cấp, dự trữ, vận chuyển các sản phẩm xăng dầu và phân phối, bán sỉ và bán lẻ các sản phẩm lọc dầu, trong khi CBVL chuyên nhập khẩu nhựa đường cung cấp cho thị trường Việt Nam.

Sau thương vụ, toàn bộ tài sản của Puma Energy sẽ được đổi tên là Công ty TNHH Nhựa đường Puma Energy Vietnam. Theo đó, Puma Energy Vietnam sẽ nhập khẩu, dự trữ và phân phối nhựa đường để làm đường và phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.

Thương vụ trên là bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển của Puma Energy, nhằm gia tăng doanh số bán hàng thông qua chuỗi logistics tốt hơn trong khu vực. Đồng thời, đánh dấu sự hiện diện và mở rộng lần đầu tiên của Công ty tại khu vực châu Á, sau khi đã đạt được mức tăng trưởng cao tại khu vực châu Phi và châu Mỹ.

“Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với nhu cầu về nhựa đường để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ, đường cao tốc rất cao. Việt Nam sẽ là thị trường chiến lược để công ty tiếp cận nhanh chóng các thị trường khác, như Lào và Campuchia - những thị trường cũng đang có nhu cầu phát triển tương tự như Việt Nam”, ông Pierre Eladari, Giám đốc điều hành Puma Energy nói và cho biết, kinh tế khó khăn không ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của Puma Energy và Công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Cũng theo ông Pierre Eladari, Việt Nam sẽ trở thành thị trường nhựa đường thứ 32 của Puma Energy. Việc mua lại này sẽ giúp Puma Energy trở thành công ty phân phối nhựa đường trên toàn cầu.

Hiện tại, công suất dự trữ nhựa đường của Puma Energy trên toàn cầu là hơn 100.000 tấn. Công ty có kế hoạch tăng công suất lên hơn 200.000 tấn trong vòng 5 năm tới.

Được biết, Puma Energy đã phát triển nhanh trong những năm gần đây nhờ việc tìm giá trị cộng hưởng bằng cách mua lại tài sản của các công ty dầu khí, như Chevron Corp (Mỹ), Exxon Mobil (Mỹ) và BP Plc (Anh) khi những công ty này gạt bỏ các doanh nghiệp hạ nguồn để tập trung vào tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí.

Cũng phải nhắc lại là, khi vào thị trường Việt Nam, Puma Energy sẽ phải đối mặt với đối thủ là Tập đoàn Shell. Hiện Shell có 2 nhà máy sản xuất nhựa đường tại Khu công nghiệp Gò Dầu (Đồng Nai) và Cửa Lò (Nghệ An), đồng thời đang chiếm thị phần cung ứng khá lớn.

Shell cũng đang đánh giá lại ngành hàng nhựa đường tại Việt Nam và có thể thay đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh thị trường. Động thái của Shell thể hiện sau khi rời bỏ thị trường gas hoá lỏng tại Việt Nam để tập trung cho mục tiêu tăng trưởng mảng kinh doanh dầu nhớt gấp đôi vào năm 2015, cũng như quan tâm đến đầu tư vào ngành xăng dầu nếu được phép.

Cách đây không lâu, trước tin đồn Shell sẽ bán 2 công ty nhựa đường, đại diện Shell đã khẳng định việc không bán, vì đây cũng là mảng kinh doanh quan trọng của Shell tại Việt Nam.

 

Theo Báo đầu tư - AMICA sưu tầm

Tags: 4

BÀI VIẾT LIÊN QUAN