Nguồn gốc của chiến lược và đặc trưng của chiến lược kinh doanh

Công ty Giải Pháp Phát Triển Doanh Nghiệp AMICA là công ty đã đi rất sớm trong việc chọn phương pháp đúng đắn ngay từ những ngày đầu thành lập năm 2007, chúng tôi đã biết rằng CHIẾN LƯỢC mặc dù rất khó và để làm bài bản thì càng khó hơn nhưng đó là con đường đi giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề từ gốc, từ bản chất bên trong. Lúc bấy giờ gần như AMICA là một trong những công ty đầu tiên trên thị trường tư vấn và đào tạo cho doanh nghiệp về CHIẾN LƯỢC, rất ít chỉ 1-2 công ty ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Tới nay chúng tôi vẫn theo đuổi và đam mê chỉ làm công việc này, không ngừng trau dồi kiến thức mới hiện đại và cập nhật các tình huống thực tế từ các doanh nghiệp. Điều này càng giúp chúng tôi tăng trưởng hơn trong công việc và am hiểu thị trường, doanh nghiệp hơn. Chúng tôi xin được chia sẻ những kiến thức có nguồn gốc chính thống và bài bản tới các bạn để cùng đọc và cùng tham khảo - những kiến thức mà chúng tôi vẫn thường ứng dụng cho các doanh nghiệp trong nhiều năm qua.

1. Nguồn gốc chiến lược 

“Chiến lược” là thuật ngữ bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là “strategos” được dùng trong quân sự, là từ ghép của hai từ gồm “stratos” (nghĩa là “quân đội”) và “agos” (nghĩa là “lãnh đạo”), nó phản ánh vai trò dẫn dắt của những người lãnh đạo trong quân đội. Chiến lược quân sự được hiểu như là nghệ thuật chỉ huy các phương tiện ở vị trí ưu thế để giành chiến thắng.

Từ rất lâu đời, khái niệm chiến lược được dùng nhiều trong lĩnh vực quân sự, dựa trên quan điểm cho rằng có thể đánh bại đối thủ - thậm chí là đối thủ mạnh hơn, đông hơn nếu có kế hoạch, có kỹ năng điều khiển trận đánh và đưa đối thủ vào trận địa thuận lợi với các khả năng của mình. Như là các cuộc chinh phạt của Đại đế Alexander (năm 356 - 323 TCN) hoặc gần gũi hơn với lịch sử của Việt Nam như trận chiến trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền (năm 938 CN).

2. Sự phát triển của chiến lược và khái niệm chiến lược kinh doanh

Thuật ngữ chiến lược ban đầu được xuất phát từ lĩnh vực quân sự sau đó từ thập kỷ 60, thế kỷ XX chiến lược đã được ứng dụng vào lĩnh vực kinh doanh và thuật ngữ “chiến lược kinh doanh” ra đời. Quan niệm về chiến lược kinh doanh phát triển dần theo thời gian và con người càng ngày càng tiếp cận, hoàn thiện hơn về khái niệm của chiến lược kinh doanh.

Theo định nghĩa của Chandler (1962), định nghĩa “Chiến lược là việc xác định các mục tiêu, mục đích cơ bản dài hạn của doanh nghiệp và việc áp dụng một chuỗi các hành động cũng như việc phân bổ các nguồn lực cần thiết để thực hiện mục tiêu này.”

Định nghĩa của Jame B. Quinn (1980): “Chiến lược là một dạng thức hay một kế hoạch phối hợp các mục tiêu chính, các chính sách và một chuỗi hành động được kết dính với nhau vào thành một tổng thể.”

Bruce Henderson, chiến lược gia đồng thời là nhà sáng lập tập đoàn tư vấn BCG (Boston Consulting Group) đã kết nối khái niệm chiến lược với lợi thế cạnh tranh. Lợi thế cạnh tranh là việc đặt một công ty vào vị thế tốt hơn đối thủ để tạo ra giá trị về kinh tế cho khách hàng. “Chiến lược là sự tìm kiếm thận trọng một kế hoạch hành động để phát triển và kết hợp lợi thế cạnh tranh của tổ chức. Những điểm khác biệt giữa bạn và đối thủ cạnh tranh là cơ sở cho lợi thế của bạn”. Ông tin rằng không thể cùng tồn tại hai đối thủ cạnh tranh nếu cách kinh doanh của họ giống hệt nhau và cần phải tạo ra sự khác biệt mới có thể tồn tại.

Michael E.Porter- Giáo sư của Đại học Harvard, (được mệnh danh là cha đẻ của chiến lược cạnh tranh) cũng tán đồng nhận định trên: “Chiến lược cạnh tranh liên quan tới sự khác biệt. Đó là việc lựa chọn cẩn thận một chuỗi hoạt động khác biệt để tạo ra một tập hợp giá trị độc đáo.”

Có nhiều cách tiếp cận về chiến lược kinh doanh nhưng điểm chung vẫn là phác thảo hình ảnh tương lai của doanh nghiệp trong lĩnh vực hoạt động và khả năng khai thác.

Theo cách hiểu này, thuật ngữ chiến lược kinh doanh được dùng theo 3 ý nghĩa phổ biến nhất:

  • Xác lập mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp

  • Đưa ra các chương trình hành động tổng quát 

  • Lựa chọn các phương án hành động, phân bổ nguồn lực để thực hiện mục tiêu đó

Quan điểm phổ biến hiện nay cho rằng: “Chiến lược kinh doanh là nghệ thuật phối hợp các hoạt động và điều khiển chúng nhằm đạt tới mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp.” 

Như vậy, chiến lược hay chưa đủ mà phải có khả năng tổ chức thực hiện tốt mới đảm bảo cho doanh nghiệp thành công, cần coi chiến lược kinh doanh là một quá trình quản trị để tiến tới quản trị doanh nghiệp bằng tư duy chiến lược đó được gọi là quản trị doanh nghiệp mang tầm chiến lược.

3. Đặc trưng của chiến lược kinh doanh

06 đặc trưng cơ bản của chiến lược kinh doanh

  1. Chiến lược kinh doanh xác định rõ phương hướng kinh doanh, những mục tiêu cơ bản cần đạt tới trong từng thời kỳ và được quán triệt đầy đủ trong các lĩnh vực quản trị của doanh nghiệp.

  2. Chiến lược kinh doanh chỉ phác thảo những phương hướng hoạt động của doanh nghiệp trong dài hạn, khung hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai. Trong thực tiễn hoạt động, doanh nghiệp phải kết hợp mục tiêu chiến lược với mục tiêu kinh tế, xem xét tính hợp lý và điều chỉnh cho phù hợp với biến động của môi trường và điều kiện kinh doanh nhằm đảm bảo hiệu quả và khắc phục sự sai lệch (có thể) của chiến lược.

  3. Chiến lược kinh doanh được xây dựng trên cơ sở các lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp để đảm bảo cho  việc huy động tối đa và kết hợp tốt với việc khai thác và sử dụng các nguồn lực (tài sản hữu hình và vô hình), năng lực cốt lõi của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai, nhằm phát huy những lợi thế, nắm bắt cơ hội để giành ưu thế trong cạnh tranh.

  4. Chiến lược kinh doanh là sự phản ánh của cả một quá trình liên tục từ xây dựng, đến tổ chức thực hiện, đánh giá, kiểm tra và điều chỉnh chiến lược. 

  5. Chiến lược kinh doanh luôn mang tư tưởng tiến công giành thắng lợi trong cạnh tranh. Chiến lược kinh doanh được hình thành và thực hiện trên cơ sở phát hiện và tận dụng các cơ hội kinh doanh, các lợi thế so sánh của doanh nghiệp nhằm đạt hiệu quả kinh doanh cao.

  6. Mọi quyết định chiến lược quan trọng trong quá trình xây dựng tổ chức thực hiện, đánh giá và điều chỉnh chiến lược đều được tập trung vào nhóm quản trị viên cấp cao là nhóm có năng lực, phương pháp và kinh nghiệm nhằm bảo đảm tối đa tính đúng đắn cho các quyết định dài hạn và có tầm ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp cũng như để giữ bí mật thông tin trong cạnh tranh.

Tổng hợp bởi Trịnh Đình Long (MBA, ULB), Tổng giám đốc AMICA Corp

BÀI VIẾT LIÊN QUAN