Phân phối chuyển mình giữa thời đại kỹ thuật số

Tháng 7/1995, ngài Jeff Bezos đã đóng gói quyển sách đầu tiên được bán trên trang Amazon.com từ một gara của ông ở Seattle. Amazon.com đã trở thành một tiêu chuẩn mới cho thế giới bán lẻ: mọi người tìm kiếm, mua rồi nhận, và nói với người khác về những kinh nghiệm mà họ đã có. Sau đó, eBay xuất hiện, cung cấp hàng hóa trực tiếp từ các nhà bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Kể từ đó, một dạng phân phối đã được hình thành và phát triển thần tốc, dưới trợ lực rất lớn từ công nghệ và Internet, bao gồm sự phát triển của smartphone
 

.

 

 

Trong cuốn sách The New Rules of Retail (Tạm dịch: Quy luật mới của bán lẻ) của Robin Lewis xuất hiện một dạng phân phối mới gọi là phân phối ưu tiên. Hiểu nôm na, đó là doanh nghiệp phân phối sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, khác với việc ngồi trong cửa hàng chờ khách đến mua và tự mang hàng về. Trong thế giới “tốc độ”, nơi các công nghệ mới và hàng triệu ứng dụng xuất hiện mỗi ngày, một dạng công nghệ phân phối ưu tiên đã đi từ “viễn tưởng” ra thực tế. Nó được gọi là “thương mại phân phối” (distributed commerce) - cho phép người tiêu dùng mua sản phẩm ở bất cứ nơi nào, vào bất kỳ thời điểm nào. Ngày nay, mạng xã hội, các trang web đã trở thành “chợ”, còn  smartphone và tablet thì chẳng khác gì “cái ví” của người tiêu dùng. Hay nói, sản phẩm đang bắt đầu “đi tìm” người tiêu dùng, chứ không phải người tiêu dùng tìm sản phẩm.

Trước kia, người tiêu dùng thường chỉ có thể kết nối sản phẩm theo hai phương thức: xem quảng cáo hoặc đến cửa hàng. Ngày nay, chỉ cần vài nút nhấn “mua” là đã hoàn tất việc mua hàng chỉ trong vòng vài chục giây, dù ở bất kỳ đâu, miễn là có “sóng dịch vụ”. Điều này đã từng nghe giống như một “nhiệm vụ bất khả thi” hay “viễn tưởng”, nhưng nó đã trở thành sự thực, và đã đi vào đời sống của người tiêu dùng từ nhiều năm nay. Có thể nói, giao dịch trực tuyến/giao dịch kỹ thuật số đang cải tạo mạnh mẽ cách con người giao dịch và hoàn tất giao dịch với nhau.

Một trong những ví dụ điển hình của dạng phân phối này là công ty Shoppable. Mới chỉ ra mắt vào năm 2011, Shoppable cho biết người tiêu dùng đã giao dịch 300 triệu sản phẩm thông qua dịch vụ của công ty trong năm 2014. Hàng trăm nhà bán lẻ đã sử dụng Shoppable để sản phẩm của họ có thể kết nối với người tiêu dùng trên nền tảng phân phối mới. Chẳng hạn, nếu bạn đọc một bài viết trên trang Makeup.com về “cách trang điểm và sở hữu mái tóc lung linh như siêu mẫu”, bạn có thể bấm chọn để mua bộ sản phẩm liên quan đến nội dung bài viết. Bạn có thể chọn bất kỳ sản phẩm nào, số lượng bao nhiêu, dù cho mỗi sản phẩm ở những nơi khác nhau, tùy thuộc vào bạn có khả năng thanh toán hay không. Live The Look, một trang stylist kỹ thuật số, chuyên tổng hợp các trang phục và phụ kiện từ những nhà bán lẻ hàng đầu cũng như các nhà thiết kế có tiếng, phân loại theo những phong cách khác nhau. Mỗi sản phẩm trong “phòng trưng bày” đều có lựa chọn vào mua. Nếu có sản phẩm nào đã hết hàng, khách hàng có thể báo lại qua mail hoặc về nơi bán sản phẩm gốc.

Thực tế, dù khái niệm thương mại phân phối xuất hiện mới 4 năm, nhưng việc quảng cáo hay bán sản phẩm thông qua trang web của bên thứ ba đã là một dạng cơ bản của thương mại điện tử hơn 20 năm qua, được biết đến dưới cái tên Affiliate Marketing (Tiếp thị liên kết) với những đại diện nổi tiếng như eBay. Hình thức này không chỉ hỗ trợ các nhà bán lẻ truyền thống tiếp xúc sâu hơn với môi trường bán lẻ trực tuyến, mà còn giúp làm tăng các điểm phân phối một cách nhanh chóng với chi phí tương đối rẻ so với mở một cửa hàng thực sự. Tuy nhiên, những công ty nổi tiếng về tiếp thị liên kết cũng không chỉ cạnh tranh với nhau, mà còn phải san sẻ thị phần trước sự nổi lên của các ấn phẩm kỹ thuật số, blogger hoặc bất cứ hình thức “chợ ảo” nào khác.

Với số lượng ngày càng tăng của người tiêu dùng kỹ thuật số và kỳ vọng cao của họ về trải nghiệm mua sắm, mô hình bán lẻ truyền thống có thể co lại, và các cửa hàng sẽ phải tìm cách chứng minh sự cần thiết của mình. Nhưng dù là phân phối dạng “ảo” hay “thực” thì có một nguyên tắc chung cho bán lẻ hiện nay: đổi mới công nghệ ngày càng trao quyền lực lớn hơn cho người tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là: các doanh nghiệp không thể dập khuôn một công thức hay bài học thành công nào đó, cũng không thể mãi dựa vào thế độc quyền, mà chỉ có thể liên tục đột phá công nghệ và áp dụng các giải pháp tốt nhất thì mới có thể đứng vững trong cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Theo Robin Report - AMICA sưu tầm

Tags: 3

BÀI VIẾT LIÊN QUAN