Phát triển nguồn nhân lực mang đẳng cấp thế giới

Tham gia ngày càng sâu rộng, đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp (DN) tin học hàng đầu thế giới, chủ động tìm kiếm những hợp đồng sáng tạo phần mềm là ý tưởng và mục tiêu của Hiệp hội Phần mềm Việt Nam

Kết quả bước đầu : Cả nước hiện có khoảng 2.000 DN tham gia lĩnh vực phần mềm, trong đó có 700 DN chuyên sản xuất và làm dịch vụ (năm 2000 chỉ có 170 DN). Kể từ năm 2000 đến nay, doanh thu sản phẩm và dịch vụ phần mềm

tăng trưởng trung bình trên 30%/năm, đạt khoảng 300 triệu USD vào năm 2006. Phần mềm Việt Nam đã xuất khẩu sang Bắc Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…Trước đây ta chưa có DN phần mềm nào có số nhân lực vượt quá 100 người, năm 2006 đã có một số DN quy mô vừa và lớn. Điển hình là Cty FPT với kết quả hoạt động tốt, hiện có tới 1.600 lập trình viên, dự kiến hết năm 2007 sẽ là 3.000 lập trình viên.

Ngoài ra còn có Cty Runsystem chuyên làm dịch vụ phần mềm cho Nhật Bản khá thành công và 42% DN phần mềm thuộc Hội Tin học TP Hồ Chí Minh có mức lợi nhuận đạt 10-30%/năm. Các Cty TMA, PSV, Global Cybersoft Việt Nam... đã đạt con số trên dưới 500 lập trình viên, có những Cty đã đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, sự phát triển của ngành Phần mềm nước ta mới chỉ đạt kết quả bước đầu, so với các nước trong khu vực, doanh thu của ngành mới bằng 1/5 của Thái Lan, 1/38 của Trung Quốc.

Những hạn chế cần vượt  qua

Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự thành bại của ngành này. Theo Hiệp hội Phần mềm Việt Nam, điểm yếu cốt lõi của ngành hiện nay chính là khâu đào tạo. Các cơ sở đào tạo nhân lực qui mô còn nhỏ, phân tán, giáo trình chưa theo kịp sự phát triển và chuẩn quốc tế nên đầu ra yếu về chuyên môn, thiếu về số lượng. Ngành cũng chưa được chuẩn hóa về trình độ nhân lực, qui trình công nghệ, chất lượng...

Bên cạnh đó, việc thực thi chính sách bảo vệ bản quyền còn yếu dẫn đến tình trạng vi phạm diễn ra phổ biến, ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Khả năng quảng cáo, tiếp thị, mở rộng thị trường thiếu chuyên nghiệp, DN phần lớn còn nhỏ, thiếu tính liên kết. Việt Nam cũng chưa thu hút được nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào lĩnh vực phần mềm và thiếu các khu công nghiệp tập trung với các ưu đãi phát triển nên khả năng cập nhật tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới còn hạn chế.

Tìm hướng đi vững chắc với tốc độ nhanh là việc cần làm ngay của các DN phần mềm. Đội ngũ nhân lực phần mềm đang được bổ sung theo hướng chuyên nghiệp, giá rẻ được coi là một nhân tố đột phá để cạnh tranh quốc tế. Ông Phạm Tấn Công, Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm Việt Nam đề xuất hướng đi cho ngành là phát triển nguồn nhân lực mang đẳng cấp thế giới. Theo đó, phải coi nhân lực là một sản phẩm đặc biệt và thực hiện quốc tế hóa các chương trình, qui mô đào tạo, xã hội hóa đào tạo nhân lực phần mềm ở bậc đại học, cao đẳng để cung cấp nhân lực cho thế giới. Ông đề xuất phải phát triển dịch vụ gia công xuất khẩu phần mềm chiếm lĩnh các thị trường lớn trọng điểm Nhật Bản, Mỹ, EU... Hình thành một số DN có qui mô trên 1.000 lập trình viên để dẫn dắt, tạo thương hiệu và đẩy mạnh gia công phần mềm. Cập nhật công nghệ phần mềm mới, phổ biến và áp dụng qui trình chất lượng quốc tế CMM 3, 4, 5 và ISO, xây dựng và áp dụng các chuẩn công nghiệp phần mềm tương thích với quốc tế. Phát triển hệ thống nghiên cứu và phát triển (R&D) trong các DN, liên kết với các Cty phần mềm lớn trên thế giới để đầu tư, kinh doanh, chuyển giao công nghệ và thành lập các cơ sở sản xuất, trung tâm R&D về phần mềm có vốn nước ngoài tại Việt Nam

Để phần mềm Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu, DN đề nghị Nhà nước nên coi dịch vụ đào tạo và cung ứng nhân lực phần mềm cho quốc tế là một trong những chiến lược số 1 của quốc gia; coi việc gia công phát triển và triển khai dịch vụ phần mềm là những dịch vụ xuất khẩu chủ lực, củng cố và phát triển thị trường nội địa; giúp ngành tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh thực thi chính sách bảo vệ bản quyền.

Nguồn: AMICA sưu tầm

Tags: 3

BÀI VIẾT LIÊN QUAN