Thỏa hiệp ngầm giữa các “ông lớn”: Điều tất yếu!

Nhìn bên ngoài, Samsung rõ ràng sẽ ấm ức nhất khi đã bị phán quyết đền bù 1 tỷ USD trong vấn đề bản quyền, trước vấn đề HTC và Apple ngồi lại thỏa thuận “cùng chung sống”. Tuy nhiên, 1 chuyên gia công nghệ đặt câu hỏi, chính xác thì Samsung có từng thỏa hiệp ngầm với Apple không?

Đâu phải đối đầu là cắt đứt!

Cách đây chưa lâu, có 1 số bài báo phân tích điểm đáng ngờ trong quan hệ làm ăn giữa Samsung và Apple, sau vụ thắng kiện bản quyền của nhà Táo khuyết. Dù lãnh đạo hãng này thừa nhận quan hệ 2 bên không còn suôn sẻ nữa, 1 số linh kiện Apple vốn sản xuất từ Samsung như pin cho iPhone sẽ ngưng triển khai; nhưng thực tế không phải vậy, giới tiêu dùng vẫn phát hiện hợp tác này chưa kết thúc. Hãng thông tấn Reuters chỉ ra sự thật chip và cả màn hình iPad mini vẫn có nguồn gốc từ Samsung.

Sự việc đối đầu giữa 2 hãng này bỗng cần soi chiếu dưới lăng kính mới, có chăng những thỏa hiệp ngầm vẫn duy trì bền vững do quyền lợi kinh tế trong giới IT, mà không chỉ Samsung, Apple hay Intel… đều ít nhiều thực hiện? Với câu hỏi này, đa phần trả lời từ giới quan sát đều là thừa nhận.

Một chuyên gia kinh tế từng nói rõ, trong quan hệ làm ăn thương mại, vấn đề chính không phải là anh đối đầu với ai, làm thủ đoạn gì, mà nằm ở chỗ cuối hạn định công việc, anh có đạt kết quả tốt hay không? Đội ngũ sale của 1 hãng bia sẽ có thể làm phật lòng nhiều khách hàng, có chiêu thức “chơi bẩn” đối phương bị lên án, song lãnh đạo hãng chỉ quan tâm “doanh số cuối cùng mỗi tháng, mỗi quý là tăng hay giảm”.

Vậy thì có gì thắc mắc, khi những con chip Intel sẽ vẫn sống chung trong tay 1 đại lý máy tính vừa đạt thưởng doanh số cao của nhà chip AMD?

Samsung tất nhiên đối đầu không khoan nhượng với nhà Táo trong trận chiến bản quyền. Nhưng những thuộc cấp của hãng, các đại diện phân phối và cả các đơn vị sản xuất trực thuộc vẫn có thể nhận được những đơn đặt hàng rất tốt từ Apple. Trong thị trường tự do, cạnh tranh đối đầu không có nghĩa là cắt đứt hẳn các quyền lợi kinh tế ẩn tàng với nhau.

HTC hay Apple, đều chỉ là lợi nhuận!

Bản thỏa thuận của Apple và HTC, cho dù được định giá quyền lợi mỗi sản phẩm bán ra, Apple hay HTC thu lợi bao nhiêu, vẫn chỉ là 1 văn bản giả ước. Người tiêu dùng có quyền tin những nhà sản xuất này sẽ thu được nhiều hơn thế, từ lợi tức cổ phần trên sàn, từ cơ hội tìm kiếm các lợi nhuận giá rẻ khác, và nhất là từ giá trị thương hiệu sau tranh cãi. Một khía cạnh khác cũng được nhiều nhà kinh tế chỉ ra, là các khoản thuế có thể biến động thấp hơn sau mọi đối đầu, do nhà chức trách tiến hành thay đổi để hỗ trợ các hãng.

Bởi vậy, thông tin Samsung muốn nhìn thấy thỏa thuận giữa hãng Đài Loan và nhà Táo khuyết, sẽ không có tính chất quyết định cho những vụ tranh kiện sắp tới. Bản thân hệ thống Samsung, vẫn còn tiếp tục sự nối kết cùng Apple, là chuyện “bên dưới” tưởng chừng tách biệt với vấn đề bản quyền. Khi soi chiếu vụ việc từ góc độ này, người ta sẽ không còn phải thắc mắc, HTC và Apple đã đạt được gì ?

Ai sẽ được lợi trong thỏa thuận HTC - Apple ? Ai sẽ tổn thất với vụ việc bản quyền kéo dài của Samsung và Apple  Hay tương tự, những cuộc chiến về bản quyền phần mềm giữa các hãng máy tính và Microsoft, tranh đoạt thị phần chip của AMD và Intel, kiểu dáng giữa Nokia và HTC… đều sẽ minh chứng sự thật nào?

Theo giới kinh doanh, bản thân người tiêu dùng, mới chính là đối tượng bị thiệt hại nhất trong các vụ tranh chấp, bởi ẩn tàng sau đó luôn là những thỏa hiệp ngầm tất yếu trong thế giới IT!

Theo Dân trí - AMICA sưu tầm

Tags: 4

BÀI VIẾT LIÊN QUAN