Là một người đã từng sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN), vì thế tôi sẽ chia sẻ với cách tiếp cận của người biết đến chúng thuần túy và khách quan.
Qua đây, tôi cũng mong muốn các nhà sản xuất quan tâm hơn tới người dùng, cùng hợp tác để có định hướng phát triển cho những sản phẩm dược phẩm có chất lượng và thương hiệu tốt; sản phẩm TPCN thực sự mang lại sức khỏe cho mọi người Việt Nam.
Đôi điều về phân loại và nguồn gốc của thực phẩm chức năng
TPCN theo định nghĩa là dạng thực phẩm hỗ trợ hay bổ sung làm tăng cường chức năng của một hoặc một số các bộ phận trong cơ thể giúp chống lại bệnh tật, tuổi già,… Đôi khi chúng cũng “vô thưởng, vô phạt” khi uống vào cơ thể vì thế ít khi bị ”lên tiếng”, nếu không thấy có tác dụng thì người dùng chán không mua nữa rồi coi như “xong”. Sản xuất và kinh doanh TPCN là một lĩnh vực mang lại lợi nhuận lớn cho các Doanh nghiệp trong lĩnh vực này, giá của chúng hiện nay không rẻ và lại được khuyến khích sử dụng lâu dài, cũng có nghĩa là người tiêu dùng trả tiền đều đặn, chứ không theo đợt chữa bệnh ngắn như thuốc chữa bệnh. TPCN được sản xuất và công bố theo “Tiêu chuẩn cơ sở”, qui trình để được cấp phép lưu hành đơn giản hơn thuốc, như thực phẩm thông thường (do Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cấp phép). Rất nhiều loại TPCN có hình thức đóng gói, hướng dẫn sử dụng và giá bán cũng giống như thuốc chữa bệnh.
Ảnh: Thành phần của Thực phẩm chức năng và bao bì được ghi như thuốc
Vì sao thực phẩm chức năng lại là vấn đề?
Chúng ta đều biết rằng nếu nạp vào người một lượng, cho dù là thực phẩm một cách đều đặn nhưng quá lớn so với nhu cầu, cho dù tác dụng như Nấm Linh Chi, thì cũng đều sẽ phá vỡ cân bằng tự nhiên cơ thể. Hơn nữa điều này có thể gây tác dụng phụ và tổn hại cho các bộ phận khác rồi lại dẫn tới “mất cân bằng âm dương”, làm ta sẽ sinh bệnh khác theo nguyên lý của Đông y.
Ý thứ hai tôi muốn đề cập, chúng ta đều nghĩ cỏ cây là lành tính và an toàn nhưng đừng coi thường tác dụng phụ của chúng, đặc biệt là thảo dược có dược tính lớn, hay cao động vật. Ví dụ khi ta biết chỉ cần ăn một nhánh lá ngón cũng đủ lượng độc dược chết người hay uống một mớ lá rau má có thể hạ sốt, sử dụng cao động vật hỗ trợ xương cốt nhưng làm tăng canxi và tích tụ dẫn tới sỏi thận.
Ảnh: Nấm linh chi được coi là thần dược có mặt trong nhiều thực phẩm chức năng
Rất hiếm có nhà sản xuất nào khuyến cáo nên dùng bao lâu thì dừng lại và cần đi khám hay không để biết kết quả sử dụng. Có vẻ như nhà sản xuất muốn ta dùng mãi mãi (như thực phẩm ăn hàng ngày) để giúp cơ thể khỏe mạnh và cũng giúp họ ổn định doanh số bán hàng?
Các quảng cáo về TPCN đều nhấn mạnh làm mọi người hiểu chúng: Không phải là thuốc nhưng sẽ giúp bạn khỏe bộ phận này, bộ phận khác hay giúp cải thiện… và phải dùng đều đặn.
Có thể sử dụng thực phẩm chức năng như thang thuốc Y học cổ truyền?
Mặc dù không phải là thuốc, nhưng hiện nay rất nhiều loại TPCN của các công ty dược đang bán trên thị trường đều ghi rõ thành phần giống như một bài thuốc cổ truyền (ví dụ như Hạ Áp, Cường Dược, Dạ Minh Châu, Loãng xương AbFuco,..). Các thành phần trong thực phẩm này là các cây, cỏ, cao động vật,.. và có thể nói chúng giống như thành phần của các “thang thuốc” Đông y mà ta vẫn đi kê sắc uống tại nhà Thầy lang hay phòng khám Y học cổ truyền dân tộc. Xét về công dụng nếu chúng giống như nhau thì “thuốc” này cũng hiệu quả về thời gian, giúp nâng cao sức khỏe và tác động tích cực để chữa bệnh?
Ảnh: Thang thuốc với các vị được Thầy Đông y bắt mạch và kê đơn cho bệnh nhân
Như vậy, chúng ta sẽ hết sức cân nhắc khi sử dụng và cần xem xét lại cách các đơn vị đang sản xuất “thuốc” này cũng như cách họ quảng bá. Trong lúc chờ các cơ quan Y tế có thêm biện pháp hữu hiệu giúp các hoạt động này trở nên lành mạnh hơn thì người sử dụng lại cần thông minh để hiểu rằng khi sử dụng TPCN thường xuyên, chúng ta đã đưa một lượng thuốc (thảo dược) đều đặn vào cơ thể mà không biết rõ mức độ phù hợp và không kiểm chứng được tác dụng phụ ở người dùng (trừ một số có biểu hiện ra ngoài). Dùng thực phẩm dạng này khác với việc bạn khám chữa bệnh bằng phương pháp Đông Y- bạn sẽ được thầy thuốc khám và kê thang phù hợp với thể trạng của mình, điều chỉnh thuốc khi không phù hợp hoặc cho chấm dứt dùng thuốc khi cơ thể đã phục hồi cân bằng. Thầy thuốc chịu trách nhiệm với bạn khi có rủi ro nếu dùng thang thuốc do họ kê đơn trong khi các nhà sản xuất TPCN thì có lẽ không, vì họ chỉ khuyên bạn dùng để “bổ sung”, “cải thiện” chức năng mà thôi và “không thay thế thuốc chữa bệnh”.
Cơ hội phát triển thương hiệu trong ngành thực phẩm và các ngành khác
Trên là những chia sẻ khách quan của tôi vì cũng đã dùng TPCN thì đến đây tôi sẽ nói một góc nhìn khác về chuyên môn của người phát triển thương hiệu. Tôi nghĩ đây là một cơ hội lớn cho các nhà sản xuất TPCN nếu ai thực sự muốn xây dựng cho mình một thương hiệu với triết lý kinh doanh phục vụ sức khỏe con người thực sự, kinh doanh bằng cách phụng sự xã hội. Hãy đi trước và ghi điểm trước các đối thủ của mình bằng cách đầu tư nghiêm túc cho nghiên cứu sản phẩm đúng như nhu cầu chăm lo sức khỏe của người dùng; phát triển các hệ thống chăm sóc y tế, các khuyến cáo và trợ giúp cộng đồng,.. Những tấm gương sáng điển hình cũng dễ thấy trong lĩnh vực ngành thực phẩm, ví dụ có công ty VietSoy với món đậu phụ “Đậu Việt - không thạch cao và không chất bảo quản” và cũng có thể nhìn ra ngoài ngành như với cách làm của Honda gắn với chương trình “An toàn giao thông”, Colgate với “Tháng sức khỏe răng miệng”.
Việc móc túi khách hàng thiếu công bằng hay lờ đi những hiểm nguy cho người dùng và cộng đồng để lấy tiền chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn và sự thất bại đã thấy rõ trong đủ các lĩnh vực khi bị phát hiện như Naphavina với các viên nang chống viêm, Hanoi Milk với chất Melamin, Vedan xả chất thải,… Những vấn đề về TPCN đã được báo động từ một vài năm gần đây và sớm hay muộn sẽ gặp phải những chỉ trích ngày càng gay gắt từ cộng đồng nếu phát hiện ra.
Viết bởi: Trịnh Đình Long (MBA, Solvay Brussels)