2017 là một năm đáng chú ý của thị trường bán lẻ Việt Nam. Sự sôi động và lạc quan diễn ra ở khắp các lĩnh vực, từ hoạt động mua bán sáp nhập, dòng vốn ngoại, cho đến sự gia nhập của các nhà bán lẻ quốc tế, niềm tin của người tiêu dùng, hay nguồn cung tương lai,…hứa hẹn thị trường với nhiều tiềm năng trong những năm sắp tới.
Trong báo cáo về Chỉ số Phát triển Bán lẻ thực hiện bởi A.T. Kearney (Bảng 1), thị trường bán lẻ Việt Nam vươn lên vị trí thứ 6, cao hơn một số thị trường đã phát triển như Singapore, Hồng Kông và Indonesia.
Đánh giá này là một trong những minh chứng cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường. Mặc dù được nhận định là có mức độ rủi ro cao và sức hấp dẫn ở thời điểm hiện tại ở mức vừa phải, Việt Nam được đánh giá cao nhờ độ bão hòa thị trường còn thấp với khả năng tăng trưởng tốt. Mức độ bão hòa ở cả Hà Nội và TP.HCM đều thấp hơn với các thành phố ĐNA như Jakarta, Kuala Lumpur và Bangkok. Những triển vọng khả quan nói trên thúc giục các nhà bán lẻ nước ngoài gia nhập thị trường.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã chào đón nhiều thương hiệu quốc tế ở nhiều ngành hàng khác nhau như thời trang, ăn uống, giải trí, cửa hàng chuyên biệt,… trong đó có một số lượng các nhãn hàng đạt được thành công và tiếng vang lớn.
Nhiều nhà đầu tư và quỹ đầu tư danh tiếng cũng tìm cách gia nhập thị trường thông qua những thương vụ đáng chú ý: Lotte và Aeon thâu tóm đất phát triển trung tâm thương mại tương lai ở Hà Nội, quỹ Blue HK đầu tư 2,5 triệu USD vào Beta Media và Central Group rót thêm 500 triệu USD cho hoạt động mở rộng.
Việc chào bán cổ phiếu (IPO) của Vincom Retail, công ty con của chủ đầu tư lớn nhất cả nước, Vingroup, trong năm 2017 đã tạo nên kỷ lục về doanh thu chào bán lần đầu trên thị trường chứng khoán trong nước theo số liệu từ Bloomberg, góp phần đẩy chỉ số chứng khoán TP.HCM lên cao nhất kể từ năm 2008.
Thị trường bán lẻ Việt Nam tiềm năng ra sao?
Với dân số hơn 90 triệu người, trong đó có tới 40% dưới 25 tuổi và hơn 45% có độ tuổi 25 – 54, Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng của khu vực. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 30% mỗi hai năm của thu nhập bình quân đầu người (GSO, 2016), dự kiến tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ lên tới con số 33 triệu người vào năm 2020 (BCG, 2013).
Hơn nữa, những khách hàng tiềm năng này cũng ngày càng tự tin hơn trong việc chi tiêu. Trong năm 2017, Việt Nam đạt được thêm một dấu mốc đáng chú ý đó là mức Chỉ số Niềm tin Tiêu dùng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đứng thứ 5 thế giới theo Nielsen.
Chỉ số này cho thấy tiềm năng của thị trường bán lẻ cũng như tâm lý lạc quan và sự sẵn lòng chi tiêu của người Việt. Trong bối cảnh khu vực, chỉ số của các nước Đông Nam Á đều khá cao, trong đó Philippines đang dẫn đầu thế giới, trong khi Indonesia xếp thứ 4. Sự lạc quan này đang dần chuyển thành hành vi chi tiêu.
Người tiêu dùng Việt Nam đang chuyển dần từ những người tiết kiệm nhất thế giới sang những người chi tiêu thông thoáng nhất. Nghiên cứu của Nielsen cũng cho thấy chỉ 63% người Việt lựa chọn tiết kiệm cho khoản tiền nhàn rỗi của mình, thấp hơn 13% so với năm trước. Mức độ tiết kiệm giảm đồng nghĩa với chi tiêu cho các khoản khác, bao gồm du lịch, quần áo mới, thiết bị công nghệ, nâng cấp nhà cửa và các hoạt động giải trí bên ngoài, tăng lên.
Các hoạt động giải trí bao gồm ăn uống ở nhà hàng, đi xem phim, biểu diễn ca nhạc kịch. Đây cũng là xu hướng tiêu dùng của thế hệ Y, thế hệ bản lề kiến tạo nhu cầu của tương lai, ở Việt Nam nói riêng và Châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Xu hướng này tập trung chủ yếu vào hạng mục ăn uống và giải trí. Với sự phát triển lan rộng của kết hợp mua sắm – giải trí và kiến tạo địa điểm, hai ngành hàng này không còn chỉ là dịch vụ bổ trợ cho ngành bán lẻ truyền thống, mà dần trở thành nhân tố không thể thiếu trong các TTTM, góp phần tạo nên điểm đến “all-in-one”, đem lại trải nghiệm cho khách hàng.
Người tiêu dùng đề cao sự tiện lợi, trải nghiệm và lợi ích cho sức khỏe
Theo IGD Research, Việt Nam được dự đoán đến năm 2021 sẽ dẫn đầu thị trường cửa hàng tiện lợi Châu Á với tốc độ CARG 37,4%, cao hơn hẳn các quốc gia trong khu vực khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (CARG dưới 10%). Với xuất phát điểm thấp hơn, những con số này cho thấy tiềm năng phát triển của Việt Nam đến từ tầng lớp trung lưu đang ngày càng gia tăng cùng với nhóm dân số trẻ đông đảo đề cao sự tiện lợi, hiện đại và thoải mái.
Tiền đề cho sự tăng trưởng này là sự mở rộng của các thương hiệu sẵn có như Circle K lan rộng nhanh chóng tại Hà Nội trong khi vẫn hiện diện mạnh mẽ ở TP.HCM, mạng lưới rộng khắp của gần 900 cửa hàng Vinmart+ trên khắp cả nước, hay sự ra đời của những thương hiệu mới như chuỗi Bách Hóa Xanh. Các thương hiệu quốc tế khác đã bắt đầu những bước đầu tiên hoặc đang cân nhắc tiến vào thị trường Việt Nam. Chuỗi cửa hàng toàn cầu 7-Eleven đã mở cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM giữa năm 2017 và chuỗi cửa hàng Hàn Quốc, GS25, cũng sẽ ra mắt đầu năm 2018, tạo tín hiệu cho sự tăng trưởng hơn nữa của thị trường này.
Bên cạnh đó, yếu tố trải nghiệm có vai trò ngày càng cao trong quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Hiện nay khách hàng thường có xu hướng tìm hiểu trước về sản phẩm trên Internet, mạng xã hội hoặc từ những Người có tầm ảnh hưởng (KOLs – Key Opinion Leaders) sau đó tới cửa hàng để trải nghiệm.
Vì vậy, nhà bán lẻ và các đơn vị cho thuê cần kết hợp nhiều kênh khác nhau, cả online và offline để thu hút khách hàng. Hơn nữa, để vừa bảo đảm tính tiện lợi và trải nghiệm trong khi vừa đạt được hiệu quả kinh tế cao, chiến lược lập mạng lưới cửa hàng ngày càng chọn lọc hơn, với một số ít cửa hàng chủ lực ở vị trí đẹp nhằm đem đến trải nghiệm cho khách hàng đồng thời quảng bá và nâng cao nhận biết thương hiệu. Các cửa hàng chủ lực này có số lượng hạn chế, được hỗ trợ bởi một mạng lưới cửa hàng vệ tinh và cửa hàng pop-up trải rộng, hướng đến sự tiện lợi và dễ tiếp cận cho người tiêu dùng.
Một xu hướng tiêu dùng khác đó là mức độ quan tâm hơn tới sức khỏe ngày một gia tăng (tập gym, chăm sóc sức khỏe, ăn uống lành mạnh). Người tiêu dùng Việt Nam có ý thức về xã hội cao nhất Châu Á – TBD (Báo cáo Doanh nghiệp Bền vững của Nielsen). Báo cáo này cho thấy gần 86% người Việt sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm, dịch vụ từ những doanh nghiệp cam kết tạo tác động tích cực cho môi trường và xã hội, so với con số trung bình 76% của khu vực. Khảo sát cũng chỉ ra rằng những yếu tố phát triển bền vững có ảnh hưởng lớn đến quyết định mua sắm của người Việt, bao gồm sản phẩm chất lượng cao (79%), sản phẩm tốt cho sức khỏe (77%) và sản phẩm làm từ nguyên liệu tươi, tự nhiên (77%).
Nguồn: AMICA sưu tầm - Cafebiz