Doanh nghiệp Việt cạnh tranh ở đâu và cạnh tranh như thế nào?

Giống như mọi năm, chúng tôi với vai trò là đơn vị tư vấn chiến lược kinh doanh cho công ty khách hàng và năm nay 2023 chúng tôi tiếp tục tham dự triển lãm để cập nhật thông tin mới của các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, đồ uống, khách sạn, du lịch và liên quan. Nhân dịp vậy, xin được chia sẻ những quan điểm chắc cũng không có gì mới với Quý vị, từ cách đây những 15 năm chúng tôi đã có nhiều phiên thảo luận và nhiều bài báo về chủ đề này, tới nay liệu có gì khác không?


---
NẾU KHÔNG CÓ COVID-19, SỐ LƯỢNG VÀ CHẤT LƯỢNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT LIỆU CÓ THAY ĐỔI?
Cho dù là Triển lãm chủ đề gì hay là thời điểm nào chăng nữa, thì tỷ trọng doanh nghiệp Việt tham gia các Triển lãm & Hội chợ ngay trên sân nhà vẫn luôn ít về số lượng và khiêm tốn về chất lượng, bởi một số lý do sau: (1) chi phí tham gia hội chợ - triển lãm cao; (2) tính hiệu quả từ việc tham gia hội chợ - triển lãm thấp; (3) chất lượng và mẫu mã hàng hóa chưa ổn định; (4) doanh nghiệp chưa đủ quy mô và nguồn lực để sẵn sàng giao thương hay quảng bá, mở rộng khách hàng.


Chưa kể giai đoạn này bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên sự suy giảm càng rõ rệt.


Ví dụ ngày 21/ 11/ 2023 vừa qua chúng tôi tham dự Triển lãm Quốc tế lần thứ 2 về Thực phẩm, Đồ uống, Thiết bị làm bánh, Nhà hàng, Khách sạn và Cung ứng dịch vụ (Food & Hotel 2023) thì thấy rằng tổng số lượng gian hàng trong và ngoài nước đều giảm, nhưng doanh nghiệp Việt càng “vắng bóng” hơn. Tổng số có 88 gian hàng đến từ 19 quốc gia, thì trong số đó mặc dù Việt Nam có 56 gian hàng nhưng thực tế chưa đến 10 gian hàng là doanh nghiệp sản xuất, mang thương hiệu của Việt Nam và số còn lại trong số 56 gian hàng đó đều là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu các sản phẩm thương hiệu nước ngoài hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện của các công ty toàn cầu đăng ký kinh doanh tại Việt Nam.


Ví dụ tôi sắp kể ra đây. Mặc dù được liệt kê là gian hàng thuộc nhóm quốc gia Việt Nam nhưng thực tế lại là Tổ chức tiếp thị cho 2,500 nhà trồng khoai tây thương mại trên khắp Hoa Kỳ, đang biến những củ khoai tây Hoa Kỳ trở nên đặc biệt với chất lượng, đồng nhất, kinh nghiệm và kiến thức canh tác bền vững qua nhiều thế hệ nhằm mong muốn khoai tây trồng từ Hoa Kỳ trở thành món ăn trên bàn của những thực khách sành ăn trên toàn thế giới. Đó là thương hiệu Potatoes USA, có văn phòng liên lạc đăng ký tại Việt Nam.

Ảnh: Triển lãm Food & Hotel 2023 Hanoi: Trải nghiệm ăn thử khoai tây Mỹ, nhân sâm Mỹ, thịt lợn Mỹ, nho khô Mỹ,...


Nếu có, năm nay cũng chỉ nổi lên rất ít cái tên có thương hiệu “máu mặt” của Việt Nam nhưng lại thuộc về doanh nghiệp lớn, là gian hàng thịt bò mát VinaBeef của Vinamilk, thì trong đó cổ đông Nhật Bản tập đoàn Sojitz chiếm 49% còn Vinamilk là 51%. Từ “Giấc mơ sữa Việt” thì nay bổ sung thêm “Giấc mơ thịt bò Việt”.

Ảnh: Triển lãm Food & Hotel 2023 Hanoi: Gian hàng thịt bò mát Vinabeef.
Mr Lê Văn Khánh - Giám sát kinh doanh kênh Horeca, Khối kinh doanh & marketing Công ty Chăn nuôi Việt Nhật


Gần đây, chúng tôi có tin tức rằng các doanh nghiệp nước ngoài cũng gặp khó khăn về việc tiêu thụ hàng hóa nên họ mới đưa hàng qua Việt Nam để tham gia triển lãm, bán hàng. Trong bối cảnh các đơn hàng nội địa hoặc xuất khẩu đi các nước quen thuộc sụt giảm thì họ sẽ sang các nước - các thị trường khác, ví dụ Đông Nam Á hoặc Việt Nam để tìm kiếm các bạn hàng mới.


Nhưng, chúng ta cần đặt một câu hỏi rằng “Có phải vì Covid-19 mà các doanh nghiệp nước ngoài mới sang Việt Nam tiêu thụ hàng hay không? Hay các doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam đã từ lâu rồi? Và nếu không có Covid-19 thì số lượng và chất lượng của doanh nghiệp Việt bao gồm lớn, nhỏ và vừa, siêu nhỏ, hộ kinh doanh,..liệu có thay đổi?”


Từ những năm 2015, đã rất nhiều người không chỉ riêng chúng tôi đã nhận định rằng nếu Việt Nam gia nhập WTO, EVFTA, AEC,... thì vừa là cơ hội và cũng là rủi ro. Cơ hội với doanh nghiệp Việt có thể đưa hàng hóa tiếp cận các thị trường lớn hơn, các sân chơi quốc tế một cách công bằng nhưng doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào? Còn với người tiêu dùng Việt, đây là tin vui vì có thể mua hàng hóa quốc tế đa dạng, chất lượng, an toàn với mức giá rẻ, cạnh tranh hơn nhưng lại là nỗi lo với doanh nghiệp Việt,, bởi không có những sự chuẩn bị trước cho việc nâng cao chất lượng hàng hóa. Ngay cả hàng hóa Việt cạnh tranh vẫn rất yếu so với hàng hóa các nước khác trong khu vực ngay tại sân nhà, thì chưa nói tới việc doanh nghiệp Việt sẽ xuất khẩu ra sao. Lúc trước nếu tình hình là “nước đã đến chân” thì nay tình hình có vẻ vẫn là “dẫm chân tại chỗ”.


---
LÀM THẾ NÀO ĐỂ DOANH NGHIỆP VIỆT THOÁT Ế THỜI KỲ KHỦNG HOẢNG?
Một sự thật rằng, Việt Nam với số lượng dân số gần 100 triệu người, được đánh giá là thị trường tiềm năng để cho các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, đồ uống và nhà hàng, khách sạn khai thác nhưng dường như các thương hiệu công ty nước ngoài được định vị trong tâm trí người tiêu dùng Việt là khá nhiều.


Khoảng cách về giá của hàng ngoại với nội đã ngày càng ngắn lại vì các hàng rào thuế quan đã thấp dần. Bên cạnh đó thì các nhà sản xuất nước ngoài đã tìm cách tối ưu chuỗi giá trị của họ bằng cách khai thác nguyên liệu, gia công chế biến tại Việt Nam và tiêu thụ ngay tại thị trường Việt Nam. Lợi nhuận của họ vẫn lớn nhất từ bán sản phẩm và khai thác giá trị thương hiệu. Tuy nhiên thì chi phí vận hành của công ty nước ngoài sẽ vẫn còn cao và đây còn là khoảng cách, dù đang bị hẹp dần, để cho các nhà sản xuất Việt Nam có cơ hội cạnh tranh nếu sản phẩm có sự cải thiện về chất lượng và tối ưu phân phối. Những giải pháp có thể là: Cắt giảm, Thu hẹp, M&A (Mua bán & Sáp nhập), Liên kết, Liên doanh, Mua công nghệ, Marketing,…


Nay khi hậu Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và người tiêu dùng Việt sẽ thắt chặt chi tiêu nhưng họ vẫn có những nhu cầu, ít nhất cho các mặt hàng thiết yếu. Người tiêu dùng càng mong muốn mua được hàng hóa và dịch vụ với giá hợp lý nhưng chất lượng vẫn ổn định hoặc có giảm thì xíu xiu. Vậy nếu doanh nghiệp Việt nào cung cấp được lúc này cho người tiêu dùng nội địa, thì chắc chắn sẽ vẫn còn cơ hội.


Hay như đối tác của chúng tôi, đã chuyển giao công nghệ cho một nhà máy nông sản - chăn nuôi và chế biến gà của Việt Nam. Nhà máy này tất nhiên hợp tác với các tập đoàn từ Châu  u để nhận chuyển giao công nghệ, không sử dụng kháng sinh trong sản phẩm và giết mổ tự động với công suất 8.000 con / giờ. Và hiện nay, họ chiếm tới 50% tổng sản lượng thịt gà cung cấp tại tỉnh Thanh Hóa, còn tập đoàn C.P của Thái Lan chiếm 16,7% tổng sản lượng trên cùng tỉnh. Mặc dù trong số đó, họ cũng cung cấp gà cho các chuỗi đồ ăn nhanh mang thương hiệu của nước ngoài, mà người tiêu dùng Việt Nam chúng ta hiện vẫn đang ưa chuộng.


---
ĐÂU LÀ LỢI THẾ CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT?
Đầu năm 2023, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đã thông báo thu hồi, ngừng bán tạm thời sản phẩm ớt của Việt Nam và yêu cầu người tiêu dùng đã mua sản phẩm ngừng ăn và trả lại nơi mua do phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá tiêu chuẩn gấp 10 lần. Sản phẩm bị thu hồi là ớt Việt Nam sản xuất năm 2021 và 2022 được nhập khẩu từ hai công ty của Hàn Quốc là JM Food và Daelim Global, dưới dạng ớt đỏ đông lạnh, sấy khô và chia nhỏ để bán tại Hàn Quốc sau đó bị phát hiện khi kiểm tra. Đồng thời, đã nhiều năm nay nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam đầu tư để trồng ớt, họ trực tiếp tìm tới các nhà sản xuất mà có sẵn đất mà chấp nhận làm gia công. Bằng cách các doanh nghiệp Hàn Quốc đưa giống ớt sang Việt Nam và hướng dẫn các nhà sản xuất Việt Nam trồng theo đúng các thông số kỹ thuật, tiêu chuẩn của Hàn Quốc, tới khi thu hoạch họ bao tiêu, đem toàn bộ về Hàn Quốc tiêu thụ.


Không chỉ có ớt, mà có mơ và gừng là câu chuyện mà chúng tôi đã đi khảo sát vào năm ngoái, tham quan một công ty của Nhật Bản đang hoạt động tại tỉnh Bắc Kạn khai thác nguồn nguyên liệu của Việt Nam và sản xuất đóng “mơ muối và gừng hồng” thành phẩm và bán về Nhật Bản. 

Tuy điều đó cũng mang lại công việc và thu nhập cho người Việt nhưng ở đâu đó có khiến chúng ta suy nghĩ cần phải làm như nào để có thể tự nuôi, trồng nông sản trên mảnh đất của chúng ta với năng suất cao, đạt giá trị cao và hàng hóa cung cấp nội địa cho chính chúng ta cũng phải chất lượng, an toàn như hàng hóa xuất khẩu hay không?! Còn nhiều những năm trước, chúng tôi không muốn nhắc lại, là những câu chuyện của mật ong Việt Nam xuất khẩu dư lượng thuốc trừ sâu, rồi phở / bún Việt Nam bị liệt vào danh sách bị theo dõi ở Châu Âu,...


Có nhiều hội thảo từ lâu đã đưa ra đề xuất rằng: Việt Nam có nhiều lợi thế sẵn có, nên tập trung phát triển nông nghiệp để trở thành một nhà cung cấp lương thực, thực phẩm hàng đầu thế giới, hoặc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng về kho bãi, cảng biển để trở thành một điểm trung chuyển hàng hóa, kho vận toàn cầu hoặc tập trung xây dựng văn hóa, dịch vụ du lịch.
Nhưng bao nhiêu năm trôi qua, chúng ta đã làm được tới đâu rồi?


Trong cạnh tranh quốc tế hiện đại, các doanh nghiệp không nên tự giới hạn mình chỉ trong khuôn khổ một quốc gia. Chúng ta cần hiểu được làm thế nào mà các doanh nghiệp có thể tạo ra và duy trì được lợi thế cạnh tranh để lý giải một quốc gia đóng vai trò gì trong quá trình đó.


Lợi thế cạnh tranh quốc gia được hiểu là những nguồn lực, lợi thế của ngành, của quốc gia mà nhờ chúng các doanh nghiệp kinh doanh trên thương trường quốc tế có thể tạo ra một số ưu thế vượt trội hơn, ưu việt hơn so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp.


Những nhân tố quyết định lợi thế quốc gia:
1) Các điều kiện về yếu tố sản xuất.
2) Các điều kiện về cầu.
3) Các ngành công nghiệp phụ trợ và liên quan.
4) Chiến lược công ty, cấu trúc và cạnh tranh nội địa.
5) Vai trò của sự kiện lịch sử.
6) Vai trò của Chính phủ.


Tại sao một số quốc gia gặp nhiều bất lợi về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên lại có thể phát triển thịnh vượng? Tại sao một số quốc gia khác có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi lại tụt hậu? Sức cạnh tranh không còn bị giới hạn trong những quốc gia được thừa hưởng những điều kiện thuận lợi.


Chính phủ phải cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh theo nhiều cách. Tuy vậy, chính phủ không được hạn chế cạnh tranh hay nới lỏng những tiêu chuẩn an toàn và ảnh hưởng môi trường. "Sự giúp đỡ” kiểu đó thực tế sẽ làm giảm sức cạnh tranh vì nó ngăn cản sự sáng tạo và làm chậm quá trình nâng cao năng suất.


Viết bởi: Trịnh Thu Thủy - Giám đốc dự án, công ty AMICA
Hà Nội, ngày 21 / 11/ 2023


*** Từng ảnh có ghi chú riêng khi ấn vào xem chi tiết.
*** Chỉ đăng một số ảnh tiêu biểu so với tổng số lượng ảnh tác nghiệp.
*** Đây chỉ là 2 ví dụ về 2 cuộc Triển lãm khác nhau tại Hà Nội và Sài Gòn ở 2 thời gian khác nhau, nhưng chưa phải là tất cả các Triển lãm và Hội chợ đã tham dự.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN