Khoảng trống của Uber

Uber rút khỏi Việt Nam và Đông Nam Á, cơ hội không chỉ dành cho Grab, đối tác mà Uber đã “bán thị trường”.

Có mặt tại hơn 630 thành phố trên khắp thế giới, Uber hiện là ứng dụng gọi xe phổ biến nhất,  là một trong những start-up có giá trị lớn nhất hành tinh, hơn 70 tỉ đô la Mỹ. Nhưng điều đó không có nghĩa là Uber đánh đâu thắng đấy.

Tại Mỹ và Châu Âu, dù gặp không ít rắc rối, Uber vẫn là ứng dụng gọi xe phổ biến nhất và ít gặp phải cạnh tranh từ các ứng dụng tương tự. Đại diện SoftBank, nhà đầu tư công nghệ của Uber cho biết trong một phỏng vấn với Financial Times, rằng ông muốn ứng dụng này tập trung vào các thị trường như Mỹ, châu Âu, Mỹ La tinh và Australia, là các thị trường Uber đang chiếm lợi thế. Đây cũng là các thị trường mà hệ thống giao thông công cộng đã phát triển đáng kể.

Không bắt buộc phải có lãi trước khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm tới và tiến tới niêm yết cổ phiếu nhưng có vẻ việc giảm lỗ đang được Uber ưu tiên, dưới áp lực từ phía SoftBank. Năm 2017, Uber vẫn lỗ gần 4,5 tỉ đô la Mỹ, trong đó riêng quý IV công ty lỗ 1,1 tỉ đô la Mỹ. Quý III.2017, Uber lỗ 1,5 tỉ đô la Mỹ. Tốc độ thua lỗ đang giảm dần, các chuyên gia tài chính bình luận.

Ảnh: Internet

Châu Á với hệ thống hạ tầng giao thông công cộng vẫn còn hạn chế, tỷ lệ sở hữu xe cá nhân thấp lại là miền đất hứa với các ứng dụng gọi xe, không chỉ Uber.

Tại Trung Quốc, tháng 8.2016, Uber đã bán thị phần cho ứng dụng gọi xe bản địa là Didi Chuxing. Tại Indonesia, Uber vẫn phải cạnh tranh vất vả với ứng dụng Go-Jek của nước này… Tính đa dạng của các ứng dụng gọi xe địa phương không thua gì Uber. Họ có ví điện tử, có các phân khúc gọi xe từ sang trọng đến bình dân, đến xe mô tô... Ra đời sau Uber, lấy Uber làm nguồn cảm hứng, nhưng các ứng dụng này không tỏ ra lép vế.

Riêng thị trường Việt Nam, ứng dụng Uber và Grab hiện đang có số lượng xe trên 60 nghìn chiếc. Không rõ con số cụ thể, nhưng bằng quan sát, có thể thấy một tỷ lệ đáng kể các lái xe đang dùng đồng thời cả hai ứng dụng. Việc Uber dừng thị trường Việt Nam ban đầu sẽ tạo điều kiện cho Grab, ứng dụng gọi xe phổ biến nhất.

Mức độ thành công của một ứng dụng gọi xe phụ thuộc phần lớn vào số lượng xe của mỗi ứng dụng. Về mặt này, Uber và Grab đang chiếm ưu thế.

Nhưng tỷ lệ chiết khấu (là số tiền mà các ứng dụng gọi xe giữ lại từ số tiền hành khách trả cho lái xe) của Uber lẫn Grab đang tăng dần. Với Grab, tỷ lệ đang là 28,36%, Uber là 29,5% với lái xe đăng ký mới, tính cả thuế thu nhập cá nhân. Thu nhập của lái xe đang bị thắt chặt lại sau một thời gian dài khuyến mãi nhằm chiếm thị phần.

Khoảng trống Uber để lại sẽ nhanh chóng thu hút những tay chơi mới. Đây là cơ hội mà các ứng dụng gọi xe không thể bỏ lỡ.

Didi, ứng dụng gọi xe từ Trung Quốc, hay Go-Jek (Singapore), Kakao (Hàn Quốc) đều đang lên kế hoạch tấn công thị trường Việt Nam, hoặc Đông Nam Á nói chung. Thị trường gọi xe đang sắp sửa đón chào những tay chơi mới. Vị thế của Grab, thay vì đe dọa bởi Uber, sắp tới sẽ phải đối mặt với cạnh tranh từ những ứng dụng như vậy.

Ông Trần Thành Nam, người sáng lập ứng dụng gọi xe Vivu cho biết chỉ trong ngày 27.3, ngay sau khi Uber chính thức công bố việc rút khỏi thị trường Đông Nam Á, có tới 200 lượt tải ứng dụng Vivu từ ứng dụng dành cho tài xế. Sau hơn một năm thành lập, gần như không quảng bá nhiều, đây là con số kỷ lục, ông Nam cho biết. Trước đây, vào thời gian cao điểm, số lượt tải ứng dụng tối đa cũng chỉ được 100.

Đại diện Mai Linh cũng chia sẻ những ngày gần đây ứng dụng gọi xe của hãng thu hút lượng lái xe hàng trăm người mỗi ngày, chủ yếu là xe mô tô, cao đột biến so với trước.

Còn quá sớm để nói về thành công của Vivu hay các ứng dụng gọi xe khác trên thị trường Việt Nam. Nhưng đã bắt đầu xuất hiện những làn sóng nhỏ trên thị trường ứng dụng gọi xe, ngay sau khi ông lớn Uber rút đi.

Trò chuyện với Forbes Việt Nam, ông Trần Thành Nam cho biết, thời gian gần đây, khi bắt đầu có thông tin rút lui của Uber, rất nhiều nhà đầu tư đã ngỏ ý muốn rót vốn vào Vivu, ứng dụng gọi xe “thuần Việt”. Cuối cùng, Vivu đã chọn một nhà đầu tư nội địa với số vốn cam kết “không dưới 100 triệu đô la Mỹ”. Chưa thể tiết lộ danh tính, ông Nam chỉ tiết lộ nhà đầu tư làm trong lĩnh vực vận tải có 15 triệu khách hàng mỗi năm. Với số vốn đầu tư này, Vivu sẽ phát triển một hệ sinh thái, không chỉ là ứng dụng gọi xe. Cơ bản nhất là ví điện tử tích hợp trong ứng dụng sẽ được triển khai. Vivu dự kiến ra mắt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong tuần tới, dưới thương hiệu mới VATO mang dấu ấn của nhà đầu tư.

“Kế hoạch đã được đẩy lên sớm một thời gian so với dự kiến do sự rút lui của Uber” – Ông Nam cho biết.

Ảnh: Internet

Cũng như các đại gia Uber và Grab trước kia, Vivu sẽ thu hút tài xế cũng như người dùng ban đầu bằng chiến dịch khuyến mãi hấp dẫn. Họ sẽ được đảm bảo thu nhập tối thiểu mỗi chuyến xe, tỷ lệ chiết khấu thấp (khoảng 15%), hỗ trợ tiền điện thoại...Khách hàng được hưởng mức giá ưu đãi, các hình thức khuyến mãi khác, đặc biệt không tăng giá giờ cao điểm…

Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á và khuyến nghị tài xế cũng như người dùng chuyển sang sử dụng Grab thay thế. Grab cũng ra thông báo tương tự, chào mừng Uber về một nhà với mình. Tuy nhiên, việc chuyển ứng dụng từ trước đến nay vẫn được tiến hành mau chóng, dễ dàng, bất kể lời khuyên hay hợp đồng nhường thị trường nào. Chuyển sang Grab, hay Mai Linh, hay Vivu, hay sắp tới là Didi, Go-Jek, Kakao… phụ thuộc vào cách các hãng bỏ tiền ra thu hút, chứ không phụ thuộc lời chào của Grab, hay lời khuyên của Uber.

Cuộc chiến trên thị trường ứng dụng gọi xe vì vậy vẫn chưa thể dừng lại sau rút lui của Uber.

Nguồn: AMICA sưu tầm / Forbes Việt Nam

Tags: 2

BÀI VIẾT LIÊN QUAN