Chuyện Vfood đi nuôi gà ta, vịt đàn

Cuối năm 2003, sau đợt dịch cúm gia cầm, trong khi nhiều người nuôi gia cầm phá sản thì ông Trương Chí Thiện lại quyết định thành lập Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, chuyên sản xuất và cung ứng trứng sạch. Vĩnh Thành Đạt nhập dây chuyền xử lý trứng sạch của Tập đoàn Moba (Hà Lan) với công suất 36.000 quả trứng/giờ.

Theo ông Thiện, trứng gà của Vfood hiện chiếm khoảng 20% thị trường TP.HCM. Trong đó, 30-40% sản lượng cung cấp cho siêu thị, 30% cho các công ty sản xuất mì và bánh kẹo như Safoco, Kinh Đô... còn lại được bán ở các kênh phân phối khác. 70% sản phẩm của Vfood là trứng gà công nghiệp, 30% là trứng vịt.

Từ năm 2003 đến năm 2011, tăng trưởng doanh thu hằng năm của Vfood luôn đạt khoảng 30-40%. Năm 2012, do kinh tế khó khăn cộng với sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp ngoại, Vfood chỉ đặt chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu là 20%.

Tại Việt Nam, Ba Huân và Vfood là 2 doanh nghiệp kinh doanh trứng có tiếng, với dây chuyền xử lý trứng sạch. Trong đó, Ba Huân cung cấp khoảng 1 triệu quả trứng/ngày và Vĩnh Thành Đạt khoảng 500.000 quả. Trong khi đó, những doanh nghiệp nước ngoài như CP, EMIvest, QL hay An Tỉ đã và đang có kế hoạch phát triển đàn gà lấy trứng lên khoảng 1 triệu con.

Theo Vfood, tại TP.HCM, số lượng trứng tiêu thụ bình quân mỗi ngày khoảng 4 triệu quả. Nếu các doanh nghiệp ngoại nâng tổng số gà nuôi lên theo kế hoạch thì nguồn cung trứng sẽ vượt cầu. Các doanh nghiệp nội khi đó sẽ khó còn đất sống vì rất khó cạnh tranh lại với các doanh nghiệp nước ngoài. Lý do là bởi các doanh nghiệp ngoại trực tiếp chăn nuôi với nguồn giống và thức ăn chăn nuôi sẵn có trong dây chuyền sản xuất khép kín. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước đang phải nhập con giống và mua thức ăn từ chính các đối thủ ngoại.

Vfood đang lên kế hoạch phát triển đàn vịt bởi vịt và gà ta là mặt hàng mà doanh nghiệp nước ngoài không tham gia. Trước tình hình đó, Vĩnh Thành Đạt đã tìm cho mình hướng đi mới: sản xuất và cung ứng trứng gà ta, trứng gà ác thay vì chỉ trứng gà công nghiệp như trước đây.

Gần 2 năm đưa sản phẩm mới ra thị trường, đến nay Vfood là một trong số ít công ty bán trứng gà ta, bên cạnh Việt Farm, Liên hiệp Hợp tác xã Phú Nhuận.

Hiện nay, tổng đàn gà ta của Vfood chưa tới 100.000 con, cung cấp khoảng 60.000 quả trứng/ngày. Ông Thiện đánh giá nhu cầu thị trường phải gấp đôi con số này. 2 năm qua, doanh thu của Vfood ở mặt hàng trứng gà ta luôn tăng từ 100-200%. Ông Thiện cho hay, thức ăn cho gà ta đa dạng hơn gà công nghiệp do có thể tận dụng thêm nguồn thức ăn tự nhiên bên cạnh thức ăn công nghiệp, giúp giảm chi phí. Trong khi đó, giá bán trứng gà ta cao hơn khoảng 30% so với trứng gà công nghiệp.

Tuy cung không đủ cầu nhưng Vfood vẫn chưa dám ồ ạt mở rộng quy mô chăn nuôi gà ta, gà ác bởi con giống phải tự tạo nên năng suất đẻ trứng không cao như gà công nghiệp. Gà ta và gà ác cũng khó nuôi hơn gà công nghiệp.

Bên cạnh gà ta, Vfood đang lên kế hoạch phát triển đàn vịt bởi vịt và gà ta là mặt hàng mà các doanh nghiệp nước ngoài không tham gia. “Đây là lối đi riêng mà chúng tôi sẽ ít phải chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ các doanh nghiệp ngoại hơn”, ông Thiện cho hay. Ông đang chuẩn bị đi Đài Loan để tìm hiểu mô hình chăn nuôi vịt tập trung.

Tuy nhiên, ông Thiện cũng xác định, nếu mở rộng mặt hàng trứng vịt cũng sẽ gặp không ít khó khăn như trứng gà ta những ngày đầu ra thị trường do trứng vịt đắt hơn trứng gà. Hơn nữa, trứng vịt hay bị hư do vịt thường ở ngoài đồng, khó thu hoạch kịp thời.

Kế hoạch của Vfood là sẽ mở vùng chăn nuôi vịt tập trung như nuôi gà công nghiệp để có thể quản lý được thời gian thu hoạch trứng, kiểm soát nguồn thức ăn và tiêm phòng dịch bệnh.

AMICA sưu tầm 

Tags: 4

BÀI VIẾT LIÊN QUAN