Hướng tới chiến lược cạnh tranh động

Kể từ khi chính thức gia nhập WTO vào năm 2006, và sau khi trải qua giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ có những sức bật mạnh và bùng nổ nhu cầu trong thập kỷ tới. Việc tham gia của nhiều tổ chức, thành phần kinh tế chuyên nghiệp trong nước và nước ngoài làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. Bài viết này bàn đến việc lựa chọn chiến lược kinh doanh như thế nào cho hiệu quả dưới góc độ kinh tế học.

Sự đa dạng của sản phẩm và nhu cầu thị trường

Từ bài học cơ bản về kinh tế của Adam Smith với lý thuyết “bàn tay vô hình”, trong đó mô tả cơ chế cạnh tranh về giá cho một loại sản phẩm duy nhất trong một thị trường đồng nhất, việc sản phẩm được bán với giá bằng chi phí sẽ cho doanh nghiệp lợi nhuận bằng 0.

Thực tế chứng minh rất nhiều trường hợp, trong đó cơ chế “bàn tay vô hình” không được áp dụng. Vì vậy, việc lựa chọn chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường, sự thay đổi, mục tiêu phát triển của mỗi doanh nghiệp.

Thị trường trong lý thuyết của Adam Smith được miêu tả là đồng nhất (homogenous) với cùng một mức độ nhu cầu của mọi người. Trong thực tế, nhu cầu của con người rất khác nhau, được quyết định bởi nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, văn hóa, thu nhập… tạo nên một nhu cầu đa dạng trong thực tiễn.

Vì vậy, một sản phẩm không thể đáp ứng được tất cả những đòi hỏi đó. Do đó, doanh nghiệp cần lựa chọn cho mình một chiến lược đúng đắn để đáp ứng được nhu cầu thị trường và giảm thiểu sự cạnh tranh đơn giản về giá thông qua chiến lược cạnh tranh dựa trên sự khác biệt về sản phẩm, dịch vụ (differentiation).

Trong kinh tế học, doanh nghiệp có thể lựa chọn hai loại khác biệt là khác biệt dọc (vertical) và ngang (horizontal). Khi sản phẩm có sự khác biệt về chất lượng, những đặc tính chất lượng mà chúng ta có thể cân, đong, đo, đếm và so sánh được thì gọi là sự khác biệt dọc. Chẳng hạn, ôtô do Trung Quốc sản xuất thì thường không thể so sánh được với ôtô do Mỹ, Nhật sản xuất; hoặc dịch vụ trong một khách sạn 5 sao sẽ tốt hơn nhiều so với dịch vụ tại một nhà trọ dành cho sinh viên.

Ngoài ra, khi sản phẩm có những đặc tính khác biệt, nhưng sự cảm nhận về sự khác biệt đó là do nhu cầu, sự cảm nhận của từng nhóm khách hàng, hay đơn giản là do vị trí địa lý của sản phẩm đó. Chẳng hạn, chúng ta không thể nói chất lượng dịch vụ của hãng viễn thông này tốt hơn hãng viễn thông kia hoặc ngược lại. Tuy nhiên, có nhiều người ưa thích sử dụng dịch vụ của hãng này trong khi đó số khác lại chọn hãng kia.

Hoặc trên một con đường có hai cửa hàng bán cùng một loại kem. Nếu hai cửa hàng đó kinh doanh tại cùng một địa điểm, thì chúng ta quay trở lại trường hợp của Adam Smith, hai cửa hàng này sẽ đạt được lợi nhuận bằng 0 bởi khách hàng có thể lựa chọn bất kỳ hàng kem nào và do đó việc tăng giá sẽ không bán được hàng (chúng ta không xem xét trường hợp có sự cấu kết hay thông đồng giữa hai cửa hàng kem).

Thử tưởng tượng trong trường hợp hai cửa hàng kem đặt tại hai đầu của con đường đó. Lúc này cửa hàng kem có thể bán giá cao hơn trường hợp trước, bởi khách hàng không dễ dàng thay đổi nơi mua hàng vì như thế khách hàng sẽ phải mất chi phí di chuyển trên con đường đó.

Từ hai loại khác biệt về sản phẩm, dịch vụ ở trên, có thể thấy rằng việc cạnh tranh không nhất thiết phải giảm giá thành và trong rất nhiều trường hợp khách hàng mong muốn có sự khác biệt về sản phẩm hơn là sự khác biệt về giá. Do vậy, để thành công, doanh nghiệp cần phải hiểu được sự phân khúc thị trường (market segmentation) và việc cung cấp sản phẩm hay dịch vụ phải hướng tới những nhóm khách hàng nhất định.

Từ cạnh tranh tĩnh, hướng tới cạnh tranh động

Như đã đề cập ở trên, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp có thể được hiểu như là sự cạnh tranh tĩnh: cạnh tranh dựa trên sự khác biệt mà không xét đến chu kỳ sống của sản phẩm, dịch vụ. Hướng tới cạnh tranh động, doanh nghiệp cần có sự đầu tư thích hợp vào việc nghiên cứu và phát triển để tạo ra sản phẩm mới.

Trường hợp sản phẩm mới thay thế hoàn toàn sản phẩm cũ thì gọi là cạnh tranh hủy diệt (destructive competition) và doanh nghiệp thành công trở thành doanh nghiệp độc quyền và đạt được lợi nhuận cực đại (winner-take-all) cho đến khi một sản phẩm khác được tạo ra. Trong thực tế có rất nhiều phát minh, sáng chế đã thay thế các sản phẩm cũ như sự ra đời của máy tính cá nhân đã làm biến mất nhu cầu sử dụng máy đánh chữ; xe gắn máy ngày nay đã thay thế hoàn toàn những chiếc Mobilette của những thập kỷ trước.

Trong trường hợp cạnh tranh ít khắc nghiệt hơn và sản phẩm mới không thể thay thế hoàn toàn sản phẩm cũ, ít nhất trong một thời gian ngắn, hoặc có sự xuất hiện sản phẩm khác tương tự, có thể cạnh tranh với sản phẩm đó, doanh nghiệp tiên phong vẫn có thể được lợi từ bước đi chiến lược của mình (first mover advantages) như quá trình xây dựng thương hiệu, danh tiếng, tích lũy nguồn vốn, kiến thức thị trường nhiều hơn so với những đối thủ cạnh tranh khác ra đời sau.

Tất nhiên, việc đi tiên phong cũng có những rủi ro nhất định, và người đi sau có thể tránh được những rủi ro đó từ việc học hỏi kinh nghiệm của người đi trước. Do đó, một doanh nghiệp muốn thành công cần có chiến lược mạo hiểm nhưng khôn ngoan.

Ngoài ra, khi một doanh nghiệp đầu tư nhằm mục đích cung cấp một sản phẩm, dịch vụ trên một thị trường mới, chúng ta có thể nói doanh nghiệp đó cạnh tranh cho thị trường (compete for the market). Còn cạnh tranh trong thị trường (compete in the market) là cuộc đua của những doanh nghiệp tại thị trường cũ.

Chẳng hạn, thị trường cung cấp dịch vụ viễn thông 3G được kỳ vọng là cuộc đua cho thị trường mới, trong đó người sử dụng được hưởng dịch vụ viễn thông di động hiện đại với nhiều chức năng, ứng dụng mới như truy cập Internet, xem ti vi…

Ngược lại, hiện nay, sự cạnh tranh giữa các hãng viễn thông tại Việt Nam được hiểu là sự cạnh tranh trong thị trường. Các doanh nghiệp cố gắng cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ 2G hiện tại như dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn, giá cước hấp dẫn hơn…

Tóm lại, chiến lược cạnh tranh đa dạng và khôn ngoan sẽ đem lại lợi nhuận doanh nghiệp và cũng làm tăng sự thỏa mãn nhu cầu của thị trường. Đó chính là cách tốt nhất để mọi người cùng được hưởng lợi.

Nguồn: vneconomy.vn - AMICA sưu tầm

Tags: 4

BÀI VIẾT LIÊN QUAN