Khủng hoảng: Sự thất bại của chủ nghĩa tư bản?

Có một cảm nhận chung rằng Washington đang hão huyền về bản chất và vỏ bọc của cuộc khủng hoảng kinh tế đang hoành hành nước Mỹ và thế giới. 

Chính quyền của tân Tổng thống Obama dường như đang cho rằng vấn đề của lĩnh vực tài chính Mỹ vẫn là vấn đề thiếu tính thanh khoản chứ không phải là vỡ nợ, và nhiệm vụ là chống đỡ cho các ngân hàng Mỹ trong vài tháng tới cho đến khi các thị trường định giá được các tài sản độc hại của mình cao hơn.

Trong khi đó, ngày càng nhiều chuyên gia kinh tế nhất trí rằng các ngân hàng đang vỡ nợ. Sự suy sụp quá nhanh của nền kinh tế thực, được thúc đẩy bởi sự tan rã của thị trường tài chính mùa thu năm ngoái, đã tác động trở lại lĩnh vực ngân hàng khi các khoản cho vay thế chấp nhà đất giá trị cao (như Alt-As), các khoản cho vay mua bán bất động sản thực tế, và thẻ ghi nợ bắt đầu xấu đi.

Dễ hiểu tại sao chính quyền không muốn thừa nhận rằng ngân hàng vỡ nợ, vì điều này sẽ đồng nghĩa với việc Quốc hội lại phải chi thêm hàng nghìn tỷ USD hoặc hơn nữa cho các kế hoạch ứng cứu mạnh tay hơn. Chính lô-gíc chính trị này đã giúp Nhật Bản tránh phải giải quyết vấn đề nợ xấu của mình trong những năm 1990, và đồng nghĩa với việc chúng ta có thể đang đi vào con đường tương tự.

 

Chừng nào phe Cộng hoà nhận ra con đường thoát khỏi sa mạc?

Về phần mình, phe Cộng hòa hoàn toàn phủ nhận điều đã xảy đến với nước Mỹ trước mắt họ. Từng gây ra mức thâm hụt nửa nghìn tỷ USD trong thời gian bùng nổ kinh tế những năm 2000, họ bỗng nhiên phát hiện lại các ưu điểm của chính sách thắt lưng buộc bụng vào một thời điểm trong chu kỳ kinh doanh vốn rất cần đến thâm hụt chi tiêu dù điều đó là khá liều lĩnh.

Khi cố tìm hiểu nguyên nhân thất bại của họ trong bầu cử hồi năm ngoái, nhiều người cho rằng vấn đề là họ đã bị lạc khỏi chủ nghĩa Reagan. Rất ít người Cộng hòa chịu chấp nhận thực tế là một số nguyên lý then chốt của chủ nghĩa Reagan – nhất là sự thù ghét đối với điều tiết và niềm tin rằng giảm thuế có thể là tự hoạch toán – chính là nguyên căn của các vấn đề mà đất nước đang phải đối mặt.

Đúng là phe Dân chủ cũng đồng lõa với nhiều trong số những vấn đề này – Bob Rubin và Larry Summers đã tin nhiều vào sự phi điều tiết trong lĩnh vực tài chính giống như bất cứ người Cộng hòa nào, trong khi Quốc hội do đảng Dân chủ chiếm đa số đã cố gắng rất nhiều để bảo vệ cái xác của con tàu Fannie Mae và Freddie Mac.

Nhưng các ý tưởng cơ bản về khả năng tự điều tiết của thị trường và cánh tay làm u mê chính phủ chính là những người Cộng hòa. Cựu Thượng nghị sỹ Phil Gramm, tác giả Đạo luật Gramm-Leach-Bliley năm 1999, (văn bản đã hủy Đạo luật Thời đại suy thoái Glass-Steagal và làm giảm khả năng nước Mỹ điều tiết những gì trệch hướng) cùng với Alan Greenspan, là một trong những cá nhân phải chịu trách nhiệm nhiều nhất vì đã đặt nền tảng trí thức cho cuộc khủng hoảng này. Ông đã viết một bài trên nhật báo Phố Wall đổ lỗi chính cho sự chia rẽ của phe Dân chủ và việc họ ủng hộ Fannie và Freddie. Fannie và Freddie chắc chắn đã góp phần gây ra khủng hoảng.

Nhưng các định chế tài chính này không phải là nguyên nhân khiến Tập đoàn bảo hiểm tài chính AIG phát hành một cách thiếu thận trọng các hợp đồng trao đổi những sản phẩm tài chính xấu, hay khiến Washington Mutual ghi sổ nợ cho những người đi vay không có bảo đảm, hoặc Merrill Lynch tạo ra các khoản thế chấp được đảm bảo nhưng không thể định giá được, và khiến Moody’s xếp các hợp đồng này vào mức tín nhiệm loại AAA (tức là gần tương đương mức rủi ro bằng 0).

Chừng nào người Cộng hòa còn không tự chấp nhận rằng cuộc khủng hoảng kinh hoàng này xảy ra là kết quả của các nhân tố bản chất bên trong của chủ nghĩa Reagan, họ sẽ không bao giờ tìm thấy con đường để thoát khỏi sa mạc.

Cả người Dân chủ và Cộng hòa dường như đang làm việc dưới giả định rằng sự suy thoái sẽ chạm đáy vào cuối năm nay, và chúng ta sẽ chứng kiến sự vực dậy dần dần khi bước sang năm 2010. Chắc chắn ngân sách cho trung hạn của Obama dựa trên giả định rằng chúng ta sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong một vài năm tới và có thể giải quyết được các vấn đề dài hạn như quyền mua bán và sự thâm hụt. Tôi thấy bi quan nhiều hơn, vì những lý do có liên quan đến nền kinh tế toàn cầu.

 

Người Mỹ học tiết kiệm và nghịch lý nổi tiếng của Kenyes

Các điều kiện trong dài hạn của cuộc khủng hoảng hiện nay được đặt trong một dây truyền, là kết quả của cách đối phó của châu Á, và nhất là Trung Quốc, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998.

Như tác giả Martin Wolf, chuyên gia bình luận của tờ Thời báo Tài chính (Financial Times), đã lưu ý trong cuốn sách Ổn định tài chính toàn cầu (Fixing Global Finance) của ông: các quốc gia trong khu vực đã quyết định tự bảo vệ mình khỏi khả năng thanh khoản khó làm chủ của thế giới bằng cách đảo ngược dòng luân chuyển vốn và tăng tỷ giá đồng tiền của họ so với đồng USD.

Điều này có nghĩa là từ năm 2001 đến 2008, hơn 5.000 tỷ USD tiền tiết kiệm nước ngoài đã đổ dồn vào nền kinh tế giàu có nhất thế giới là Mỹ, làm bùng nổ tín dụng và gia tăng tình trạng dùng quá nhiều biện pháp kích thích kinh tế đối với cả các hộ gia đình và các công ty kinh doanh. Mức nợ hình thành sau đó đã tăng chóng mặt: trong khi vào thời kỳ suy thoái đầu những năm 1980 nợ tư nhân của Mỹ ở mức 123% GDP, con số này đã lên tới 290% trong năm 2008.

Nợ của hộ gia đình đã tăng từ 48% lên 100% GDP. Đó chính là lý do tại sao các cố gắng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhằm đưa thật nhiều tiền mặt vào lưu thông cũng chỉ có hiệu quả hạn chế; các hộ gia đình và doanh nghiệp được giảm nợ trong một thời gian dài hơn so với trong các cuộc suy thoái trước đây.

Người Mỹ đang học lại cách trở thành người tiết kiệm; họ cần điều đó, nhưng sự thận trọng của họ lại dẫn tới nghịch lý nổi tiếng của Keynes về tính tằn tiện, theo đó, tổng cầu sẽ giảm mạnh.

Có nhiều vấn đề với nguồn cung của nền kinh tế; chúng ta đã mất rất nhiều cơ sở sản xuất, và giả định cho rằng ngành dịch vụ sẽ thay thế vị trí này chỉ là một điều kỳ diệu. Gretchen Morgenstern nêu rõ rằng trong hai năm Merrill Lynch đã mất nhiều hơn số tiền thu về trong 10 năm trước đó, dù các giao dịch giúp đem về hàng tỷ USD tiền phí và thưởng.

Ở đỉnh điểm của thời kỳ bùng nổ tín dụng, lĩnh vực tài chính lãi 40% tổng lợi nhuận của các công ty Mỹ, nhưng chúng ta cũng nhìn lại rằng các con số này không phản ánh giá trị thực được thêm vào nền kinh tế. 

Khi bạn không nhìn vào hồ sơ cân bằng tài chính của ngân hàng mà nhìn vào những mặt tiêu cực bên ngoài mà lĩnh vực này đã áp đặt lên phần còn lại của nền kinh tế, thì thấy năng suất đạt được trên thực tế trong thập kỷ qua sẽ thấp hơn nhiều mức nó có thể đạt được trong thời gian diễn ra bùng nổ tín dụng. Chúng ta không thể nhận ra điều này vào thời điểm hiện nay bởi vì nó đang bị che đậy bởi những mong muốn của các nước nhằm bảo vệ tài sản bằng tiền USD.

Kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào người tiêu dùng Mỹ

Nhưng một vấn đề cũng nghiêm trọng đối với tương lai là nhu cầu của nền kinh tế. Mức độ lây lan suy thoái xuất phát từ việc nhập khẩu của Mỹ giảm cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào Mỹ, và nhất là vào người tiêu dùng ở Mỹ, đến mức nào. 

Nhật Bản và Hàn Quốc đã phải chứng kiến sự sụt giảm GDP trong quý IV/2008 ở mức mạnh nhất trong số các nước công nghiệp phát triển không phải bởi vì họ thiếu thận trọng về tài chính như Mỹ, mà vì họ quá phụ thuộc vào xuất khẩu.

Trung Quốc cũng đang sa sút mạnh như vậy tuy không nhanh bằng. Người tiêu dùng Mỹ sẽ không và có lẽ không nên sớm trở lại thời kỳ tiêu dùng quá độ dẫn đến nợ nần; nhưng các nền kinh tế châu Á vẫn không đẩy mạnh tiêu dùng nội địa. Các hộ gia đình Mỹ đã phải chứng kiến tài sản ròng của mình tụt giảm 11,2 nghìn tỷ USD, tức là 18%, hồi cuối năm 2008, và sẽ phải mất nhiều hơn nữa trong quý đầu năm 2009.

Đặc biệt, thế hệ sinh ra sau chiến tranh, sẽ phải hứng chịu sự tụt giảm mạnh hơn vì họ sở hữu nhiều tài sản hơn toàn thể dân chúng, vì vậy phải tạo lại thói quen tiết kiệm cho thời gian nghỉ hưu sắp tới, và sẽ không thể mở ví dù hình thức cho vay được tạo điều kiện sẽ trở lại. 

Các quốc gia châu Á đã hồi phục tương đối nhanh sau cuộc khủng hoảng cuối những năm 1990 vì cầu trên thế giới khi đó vẫn mạnh; vậy điều gì sẽ xảy ra ngày mai? Niềm hy vọng duy nhất là chi tiêu công, như đạo luật kích cầu bị chỉ trích rất nhiều của Mỹ; nhưng ngoài Mỹ cũng có một số quốc gia muốn và có thể đi theo con đường này.

Toàn bộ điều này gợi nhiều đến một tình trạng suy thoái kéo dài, hay có thể là một thời kỳ dài trì trệ với mức tăng trưởng rất khiêm tốn. Trên thực tế, chúng ta có thể may mắn lặp lại thành công của Nhật Bản, duy trì mức tăng trưởng hàng năm từ 0-1% trong những năm 1990.

CNTB không thất bại, mà là chính sách công của Mỹ

 

Chúng ta cần nhìn khủng hoảng bằng con mắt dài hạn hơn. Thế hệ sinh ra sau chiến tranh, trong đó có tôi, suốt cả đời tiêu xài hoang phí, không tiết kiệm, trong khi đó liên tục được hưởng miễn thuế (trừ một quãng thời gian ngắn dưới thời Clinton, khi chúng ta đạt được thặng dư ngân sách).

Để thoát khỏi cuộc khủng hoảng mà chính họ tạo ra, sẽ cần phải tăng đáng kể khoản nợ công vốn đã rất cao mà họ đang gánh chịu; về sau họ sẽ không chỉ chuyển những món nợ này cho con cháu mà sẽ còn bắt dầu phải chịu chi phí chăm sóc y tế, khoản tiền sẽ ngốn một phần lớn miếng bánh GDP trong tương lai nếu không được ghìm lại.

Đây không phải là sự thất bại của chủ nghĩa tư bản, mà là sự thất bại của chính sách công của Mỹ. Tuy nhiên, điều không thể tránh khỏi là những cái mà Mỹ rất gắn bó – dân chủ tự do và một nền kinh tế thị trường – sẽ mất đi tính đáng tin của nó như hậu quả của cuộc khủng hoảng này. Người dân từ Latvia đến Triều Tiên, và cả Mehico cũng đều đang phải chịu hậu quả của một cuộc suy thoái toàn cầu khởi đầu từ Mỹ.

Tình trạng này đang lan rộng vì Mỹ tin rằng các nền kinh tế tự do có khả năng tự điều tiết - một khía cạnh cốt lõi của cả chủ nghĩa Reagan và mô hình chủ nghĩa tư bản mà người ta hay gọi là “Anglo-Saxon”. Alan Greenspan đã thừa nhận hồi mùa thu năm ngoái rằng ông ngạc nhiên khi tính tư lợi của cộng đồng tài chính đã không tránh cho họ khỏi mắc sai lầm.

Giờ đây lĩnh vực công đang chuẩn bị sẵn tiền đứng bên cạnh họ, chúng ta cần phải chuyển từ sự ngạc nhiên sang một mô hình chủ nghĩa tư bản khác nếu muốn ổn định nền kinh tế của chính mình, và giành lại lòng tin trên trường quốc tế./.

Theo VNN - AMICA sưu tầm

Tags: 4

BÀI VIẾT LIÊN QUAN