Lựa chọn chiến lược của VN trong bối cảnh biến động?

Khủng hoảng và thất nghiệp

Theo ông Hồ, việc làm phải được xem là trọng số cho phát triển nếu muốn hiệu quả và bền vững. Nếu chỉ nhằm vào thành tích tăng trưởng thì hai mục tiêu này mâu thuẫn với nhau. Từ việc DN chần chừ và đón nhận ngập ngừng gói kích cầu qua lãi suất của Chính phủ, có thể thấy hiệu quả của việc rót vốn nhằm tăng trưởng đã giảm nhiều. Trong khi đó, dư địa để tăng trưởng nhờ tạo thêm việc làm vẫn còn lớn và gắn với nó là chất lượng tăng trưởng.

Tăng trưởng và việc làm

Quan sát các gói giải pháp được Chính phủ các nước đặt ra để chống suy thoái trong khủng hoảng, mục tiêu tạo ra việc làm được xem là ưu tiên số một. Nước Mỹ vừa thông qua gói kích cầu 787 tỷ USD mà mục tiêu là nhằm tạo ra 4 triệu việc làm mới. Với Việt Nam, năm 2009, chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,5% để có thể đảm bảo việc làm cho người dân. Nói cách khác, chúng ta đặt hai mục tiêu cơ bản: tăng trưởng và việc làm. Có mâu thuẫn không giữa hai mục tiêu này?

Cả lý thuyết và thực tiễn đều chỉ rõ ba yếu tố cấu thành nên tăng trưởng GDP: vốn, lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp TFP. Cách đây vài năm, một nghiên cứu của Viện Quản lý kinh tế TW, Viện Chiến lược phát triển và Tổng cục Thống kê cho thấy, vốn đóng góp khoảng 60-65% tăng trưởng, trong khi lao động đóng góp 20-25% GDP và chỉ số năng suất tổng hợp đóng góp 10-15% GDP.

Việt Nam có nền kinh tế thâm dụng vốn và tài nguyên, thể hiện rõ ở chỉ số ICOR năm 2008 của Việt Nam lên tới 7. Vai trò của lao động tăng thêm cũng như tiến bộ TFP chậm và rất hạn chế. 

Đối phó với lạm phát, chúng ta chủ trương cắt giảm đầu tư, ngăn việc đưa vốn đầu tư lên cao. Thế giới khủng hoảng cũng khiến cho nguồn vốn của Việt Nam hạn chế nhiều. Tuy nhiên, mức đầu tư của Việt Nam năm 2008 đã lên tới 44% GDP. Điều này gắn với chất lượng và hiệu quả tăng trưởng rất thấp.

Muốn nâng tăng trưởng, chúng ta có ba lựa chọn: tăng vốn, tăng số việc làm mới tạo ra và tăng chỉ số TFP.

Chống giảm phát, đưa ra gói kích cầu đầu tư hiện nay thực chất chính là cách chúng ta tăng thêm vốn cho nền kinh tế. Hiện nay, khoảng 470 ngàn tỷ đồng đang chờ sẵn để bù lãi suất đưa vào nền kinh tế, bao gồm cả vốn nhà nước và vốn của ngân hàng. Thế nhưng, hầu hết các DN vẫn ngồi yên do còn cân nhắc thị trường đầu tư và tính hiệu quả của việc sản xuất.

Nói cách khác, muốn tăng vốn để tăng GDP bây giờ cũng khó, tác dụng hạn chế. Việt Nam phải tập trung làm cái gì khác nữa mới có thể tăng trưởng thêm được.

Hơn nữa, nếu dùng vốn để tăng GDP, đầu tư ấy chưa hẳn đã hiệu quả, như hiệu quả của việc giảm lãi suất hiện nay, và đó chưa hẳn là GDP thực. Nếu vốn đổ ra, các công trình dở dang, hoặc xây nhưng không sử dụng ngay được, thì đầu tư ấy tạo GDP nhưng là thứ GDP không chất lượng, không thiết thực cho đời sống nhân dân và khắc phục khó khăn hiện nay.

Nói cho cùng, tăng trưởng GDP phải mang lại lợi ích cho đời sống người dân, và phần đóng góp trở lại của GDP cho ngân sách. Nếu trừ đi phần vốn đầu tư khổng lồ, làm sao GDP có thể tạo nên ngân sách lớn?

Để gắn tăng trưởng với hiệu quả như mục tiêu chúng ta đề ra thì phải tăng việc làm, tạo nguồn việc làm mới để tăng GDP. Trong suy giảm kinh tế hiện nay, hàng triệu người lao động Việt Nam sẽ không có việc làm, và hàng triệu người khác không có việc làm đầy đủ, vốn ít được tính đến (cần gấp rút đánh giá đúng và dự báo các con số này).


Báo cáo về khu vực kinh tế phi chính thức của Viện khoa học thống kê Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp mới đây cho thấy, 1/2 lao động khu vực phi nông nghiệp thuộc về phi chính thức. Cả nước có khoảng 25% lao động trong khu vực phi chính thức, nghĩa là họ có việc hay không thì cũng không ai nắm được: những người kinh doanh không đăng ký, những người bán rong, phu hồ... Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, xây dựng giảm sút, lấy đâu ra thêm mà chỉ có bớt đi việc làm cho bộ phận lao động này? DN khó khăn, nhu cầu kinh doanh, dịch vụ chỉ còn hạn chế ở những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu: ăn uống, đi lại. Những dịch vụ khác bị hạn chế nhiều. Tình hình này cũng cho thấy cần gắn kích cầu đầu tư với kích cầu tiêu dùng để tăng sức mua của toàn xã hội.

Tạo việc làm là giải pháp quyết liệt nhất, là ưu tiên hàng đầu. Chỉ có tạo việc làm thì Việt Nam mới tạo ra được thêm nhiều GDP, không thể chỉ dựa vào vốn. 

Làm thế nào đầu tư tạo ra việc làm? Đó là vấn đề đại sự cần được tính toán cân nhắc và tìm mọi cách.

Nếu như chỉ thấy cần thành tích tăng trưởng thì hai mục tiêu việc làm và tăng GDP là mâu thuẫn. Ở đây cần có hi sinh và đánh đổi. Đầu tư tạo việc làm, chỉ số tăng trưởng có thể nhỏ hơn nhưng thiết thực hơn, chất lượng cao, hiệu quả lớn hơn. Vì thế, giữa tăng trưởng và việc làm, trọng số phải nằm ở việc làm chứ không phải chỉ số tăng trưởng.

Tạo ra nhiều việc làm mà tăng GDP đạt 5-5,5% vẫn tốt hơn là con số tăng GDP 6,5% mà không tạo ra số việc làm mới đáng kể.

Vả lại, nếu thực hiện chính sách thật tốt trong ưu tiên trọng số việc làm, GDP chưa hẳn đã không đạt chỉ tiêu, bởi nó còn gắn với năng suất lao động xã hội. Tạo được việc làm nhiều hơn, số người có thể tạo ra của cải cho xã hội tăng lên, năng suất lao động toàn xã hội lớn hơn. 

Nói cách khác, ưu tiên mục tiêu việc làm là cách chúng ta có thể đạt được cả ba yêu cầu: tăng trưởng, việc làm, và tăng năng suất lao động xã hội.

Đầu tư tạo việc làm theo cách nào?

Theo tôi, trước hết, phải đầu tư, hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ, khu vực tạo ra hơn 90% việc làm mới cho xã hội.

Thứ hai, phải đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, không phải là những công trình lớn, mà những dự án "ăn ngay": thủy lợi, đường nông thôn, những tuyến đường lưu lượng giao thông lớn nhưng còn bất cập, hệ thống kho bãi, trại giống, nhà kho cho nông nghiệp...

Đơn cử, muốn mua lúa cho bà con nông dân ĐBSCL thì mới chỉ có 1 triệu tấn kho , trong khi nhu cầu mua 3-4 triệu tấn. ĐBSCL sắp được mùa tới nơi, tại sao ta không khẩn cấp tiến hành theo phương thức: nhà nước và nhân dân cùng làm để tạo ra kho bãi khắp khu vực này? Các Bộ góp một phần, địa phương phải làm chính, huy động sức dân cùng làm và nhà nước lấy tiền để trả cho công sức lao động tại chỗ. 

Cùng với những việc đó, cần khẩn trương chấn chỉnh đầu tư công, đặc biệt đối với những dự án lớn để đảm bảo tạo chuyển biến thật sự trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư.

Ba là, đầu tư đào tạo con người, nhất là công nhân lành nghề. Khó khăn, người lao động chưa có việc làm thật nhưng cần tập trung đào tạo nhân lực chất lượng phục vụ cho các khu công nghiệp, DN và lao động nông thôn. Đây là việc đáng để kích cầu. Đồng thời đây cũng là lúc Nhà nước cần chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp y tế, nhất là y tế cơ sở, các vùng khó khăn.

Bốn là, cố gắng đầu tư cho nhà ở, bất động sản, nhưng thay đổi hẳn chính sách để tạo khả năng có nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp. Giải quyết vấn đề giá cả nhà đất, chống được đầu cơ. Xây nhà ra, người mua không ở, người cần ở không mua được. Chương trình nhà ở xã hội cần được tiến hành quyết liệt hơn. 

Nói cách khác, dư địa để tạo việc làm của chúng ta còn nhiều. Chúng ta cần tập trung đầu tư hướng vào tạo ra nhiều việc làm, xem đây là ưu tiên số một.

Đầu tư cho công nghệ

Đầu tư cho công nghệ cũng là một hướng quan trọng. Năng suất các nhân tố tổng hợp TFP phụ thuộc vào quản trị, công nghệ và nguồn nhân lực. Quản trị khó đo đếm, lao động của Việt Nam còn phải đào tạo thêm, trong khi cải tiến công nghệ là điều Việt Nam có thể làm ngay.

Năm 1997, khi khủng hoảng châu Á nổ ra, tôi sang Seoul và chứng kiến sự mất giá của đồng won và một bầu không khí ảm đạm. Thế nhưng, người Hàn Quốc quyết liệt thay đổi công nghệ, chỉ trong 1-2 năm đã tạo nên một bộ mặt mới. Trở lại Seoul năm 2001, đến thăm lại các DN từng tới vào năm 1997, tôi đã thấy một bộ mặt hoàn toàn mới về công nghệ và quản trị. Đó cũng là bí quyết để nước này nhảy vào được nhóm nước OECD và là nước phát triển nhờ đầu tư cho công nghệ. Khẩu hiệu của Hàn Quốc là phải sở hữu công nghệ hàng đầu châu Á.

Từ bài học Hàn Quốc, với Việt Nam, trong thời kỳ khủng hoảng, chúng ta cần tranh thủ đổi mới công nghệ. Quan điểm chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Thủ tướng cũng nhằm vào điều này: phát triển theo chiều sâu, đi vào khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Có ý kiến quan ngại điều này đi ngược lại với ưu tiên tăng việc làm. Với nhiều năm làm việc và theo dõi trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tôi có thể khẳng định không phải công nghệ nào cũng mâu thuẫn với việc làm. 

Trên thế giới tồn tại hai loại công nghệ: công nghệ tự động làm giảm việc làm và công nghệ tạo ra được việc làm mới, ví dụ trong lĩnh vực dệt may, công nghệ mới thay đổi một chút sẽ tạo thêm nhiều việc làm chen vào quy trình sản xuất. Điện tử cũng là ngành công nghệ cao đòi hỏi nhiều việc làm, nhưng là những người lao động thủ công có trình độ cao.

Trong lúc này, các ngân hàng cần rót tiền để DN đầu tư đổi mới công nghệ gắn với việc nâng cao trình độ lao động của người công nhân.

Nhân cơ hội giá thế giới giảm mà đầu tư, không nhất thiết phải trông chờ vào FDI, đặc biệt là cố gắng tạo sự thay đổi trong thị trường nhập khẩu. Hiện nay, chúng ta phụ thuộc quá lớn vào việc nhập khẩu công nghệ của Trung Quốc.

Đương nhiên, quy trình nhập công nghệ cần phải được thẩm định cẩn thận. Hiện nay, chúng ta mới chỉ thẩm định xem công nghệ đó có ảnh hưởng môi trường mà cũng chưa làm tốt, nhưng đến lúc chúng ta cần tăng cường thẩm định để đảm bảo công nghệ đó là tiên tiến, phù hợp trình độ sản xuất của Việt Nam và hiệu quả cả trước mắt và lâu dài.

Trên thế giới, vòng đời của công nghệ chỉ tầm 5-6 năm. Trong khi đó, vòng đời công nghệ của Việt Nam vẫn khoảng 15 năm. Việt Nam cần nhanh giảm vòng đời xuống, nếu không, bao giờ Việt Nam mới CNH, HĐH được. Trong thừa hưởng công nghệ cũ của thế giới, chúng ta cần tiến dần tới đỉnh cao công nghệ.

Và trong quá trình nhập công nghệ, cần tính toán xem công nghệ nào cần nhập trước, công nghệ nào nhập sau, và tránh sự tác động và chi phối của lợi ích nhóm, lợi ích trước mắt và rơi vào khu vực rác thải công nghệ lạc hậu.

DN tự thay đổi là quan trọng nhất đồng thời nhà nước đầu tư để thay đổi, nhất là về cơ cấu. Nếu không, GDP trước mắt có thể cao nhưng không cạnh tranh, không thể phát triển lâu dài, bền vững.

Muốn như vậy, bước đi trong đầu tư phải khác đi. Đơn cử, làm đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc Bắc - Nam... là đúng nhưng lúc nào làm mới đúng? Cần đặt lại vấn đề. Cảng biển cũng vậy, bản thân quy hoạch đã chưa tốt, nhưng khi thực thi cũng không tuân thủ theo đúng quy hoạch tổng thể chung.

Khi còn làm ở Viện Chiến lược Phát triển, chúng tôi đánh giá 21 bến cảng ở khu vực Tp.HCM là quá nhiều, cần dẹp bớt, quy tụ lại. Vậy mà đến nay chỉ chuyển được cảng ở Ba Son, trong khi lại mọc thêm một số khác. Cảng biển cứ đầy lên, tắc nghẽn, kho bãi không đủ sức chứa... Ở miền Trung, tỉnh nào cũng có cảng biển. Lên phía Bắc, một loạt cảng cũng đang được xây dựng.

Với tư duy nhiệm kỳ, mỗi tỉnh muốn dựng lên cái gì đó, thì đến bao giờ Việt Nam mới có được cơ cấu kinh tế mới hợp lý. Cơ cấu cuối cùng là do địa phương quyết định, DN làm ra, nhưng đầu tư ban đầu, cơ sở ban đầu và trọng điểm là do Nhà nước TW tạo ra, định hướng để làm cho có hiệu quả. Nếu lấy chất lượng, hiệu quả làm nền tảng đầu tư, thì đầu tư vào con người và công nghệ là nền tảng, gắn với hội nhập quốc tế.

Lựa chọn chiến lược nào cho Việt Nam?

Câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh thế giới biến động hiện nay, đâu là lựa chọn chiến lược cho Việt Nam? Theo tôi, có hai lựa chọn cơ bản:

Từ bỏ cơ cấu kinh tế theo đuôi:

Một là, xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững, xây dựng cơ cấu kinh tế hiệu quả, chất lượng, tiến bộ, không phải cơ cấu kinh tế theo đuôi. Gắn với nó là thể chế kinh tế thị trường hiện đại. Rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng, chúng ta xem lại hiện đại là như thế nào, không hẳn là kinh tế thị trường xã hội như một số nước châu Âu nhưng cũng không phải là kinh tế thị trường kiểu Mỹ; khắc phục những khuyết tật của kinh tế thị trường, gắn với cạnh tranh và minh bạch.

Đồng thời, xây dựng thể chế chính trị dựa trên nền tảng dân chủ và dân tộc. Xét cho cùng, nền tảng có giá trị nhất của thế giới này là dân chủ. Ý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là như vậy.

Tuy nhiên, Dân chủ không có nghĩa và không hẳn là phải đa nguyên. Dân chủ thế nào để Đảng thực sự uy tín, là đảng tiên phong, trí tuệ, từ đó lãnh đạo nhà nước, hệ thống chính trị thế nào để loại trừ tham nhũng và dân phát huy được hết sức lực và trí tuệ của mình.

Trong thế giới biến động, nền tảng dân tộc cần giữ vững để làm gốc. Việt Nam lấy nền tảng dân tộc của mình, đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nên sức mạnh dân tộc gắn với dân chủ, tạo thành sức mạnh tuyệt đối, để Việt Nam tồn tại và phát triển bền vững.

Tìm ngách đi riêng, chen chân vào chỗ VN có lợi thế

Hai là, trong sự phát triển, đặc biệt phát triển kinh tế, lựa chọn những ngách đi, những gì mình có thể phát huy được lợi thế tốt nhất, chen kẽ hở mà đi. Trật tự kinh tế thế giới sắp đặt rồi, chuỗi giá trị cũng được các nước chiếm lĩnh gần hết rồi. Việt Nam cần chen chân vào chỗ mình phát huy lợi thế tốt nhất của mình: địa kinh tế, địa chính trị và con người có khả năng tiếp thu văn hóa và khoa học công nghệ.

Việt Nam không phải là quốc gia có nhiều lợi thế về tài nguyên, và cũng không thể dựa vào tài nguyên mãi. Khai thác và bán đi rồi, tài nguyên sẽ hết. Từ dầu, than, sắt thép không còn bao nhiêu và giá cũng đang giảm đi. Khai thác bauxite cũng không mang lại lợi ích quá lớn, mà mất cũng nhiều, cần được cân nhắc tính toán thật kỹ.

Có thể nói, muốn đứng vững và đi lên trong nền kinh tế thế giới đầy biến động, Việt Nam phải ra sức phấn đấu gây dựng và phát huy cơ cấu kinh tế chất lượng và hiệu quả , đầu tư thật mạnh cho con người và công nghệ, xây dựng hoàn chỉnh và vận hành có hiệu quả thể chế kinh tế thị trường hiện đại định hướng XHCN gắn với hội nhập quốc tế.

 

AMICA sưu tầm

Tags: 4

BÀI VIẾT LIÊN QUAN