Bán lẻ truyền thống chống chọi với thương mại điện tử

Việc sử dụng dữ liệu để giải quyết các vấn đề khó khăn không phải là cách làm quen thuộc của mọi doanh nghiệp, nhưng trên thực tế nó lại là chìa khóa chiến lược của hầu hết các công ty thành công nhất trong thập kỷ qua.

Năm nay, các nhà bán lẻ trên khắp nước Mỹ đã và đang đóng cửa nhiều cửa hàng, trong bối cảnh nhiều năm liền sụt giảm lượng khách hàng cũng như doanh thu, song song đó là mối đe dọa ngày càng tăng từ các trang thương mại điện tử, chẳng hạn như Amazon.

 

 

Tia sáng cuối đường

Tính đến năm 2017, các nhà bán lẻ Mỹ đã đóng cửa hơn 6.300 cửa hàng. Công ty dịch vụ tài chính UBS dự đoán các nhà bán lẻ giày thể thao Foot Locker và Finish Line có thể sẽ là những cái tên tiếp theo đóng cửa, theo Business Insider. Những dự đoán của UBS đến từ kết quả kinh doanh ảm đạm trong quý II vừa qua của Foot Locker, khiến giá cổ phiếu của Công ty giảm gần 30%. Trong 3 tháng qua, giá trị cổ phiếu của Foot Locker đã giảm 57%.

Chuyên gia phân tích Michael Binetti của UBS cho rằng, các nhà bán lẻ giày thể thao Foot Locker và Finish Line "gần như chắc chắn" sẽ mất thị phần vào tay Amazon. Ông đưa ra 2 lý do cho thấy mọi thứ đang trở nên ngày càng khó khăn hơn cho ngành công nghiệp bán lẻ:

Thứ nhất, Hãng giày thể thao Nike đang đẩy mạnh nỗ lực bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng. Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với chuỗi bán lẻ Finish Line vì theo một số liệu phân tích, 68% doanh thu của Finish Line đến từ giày Nike. Trên thực tế, đã có sự gia tăng đáng kể tỷ lệ khách hàng thích mua các sản phẩm của Nike trên website riêng của Hãng.

Thứ hai, hiện nay nhiều khách hàng có xu hướng thích chọn mua giày Nike trên trang bán hàng thương mại điện tử Amazon hơn là đến các cửa hàng thực như Foot Locker và Finish Line. Theo cuộc khảo sát vừa được thực hiện trong năm nay, UBS Evidence Lab chỉ ra, ở lần đầu tiên mua sắm, nhiều khách hàng có xu hướng thích mua giày Nike trên Amazon hơn là tại cửa hàng Foot Locker.

Cuộc chiến chống lại sự lên ngôi của thương mại điện tử là áp lực đè nặng lên các cửa hàng bán lẻ, khiến họ phải tìm cách cải thiện, nâng cấp hoạt động của cửa hàng và đem lại nhiều trải nghiệm mua sắm thú vị cho người tiêu dùng. Và để làm được điều đó, họ phải nghiên cứu rất nhiều dữ liệu.

 

Có "hàng tấn" thông tin mà các chuỗi cửa hàng bán lẻ (cũng như các doanh nghiệp khác) có thể sử dụng để tinh chỉnh dịch vụ khách hàng và thu được nhiều lợi nhuận hơn. Tuy nhiên, theo Jay Samit - Phó chủ tịch Công ty Tư vấn công nghệ Deloitte Digital, chỉ một vài trong số đó có giá trị, còn phần lớn là vô nghĩa. "Phân biệt giữa dữ liệu giá trị và vô giá trị chính là công việc của các chuyên gia phân tích dữ liệu", ông Samit nói.

DJ Patil, Trưởng khoa học gia dữ liệu đầu tiên tại Nhà Trắng (Mỹ) cho biết, việc sử dụng dữ liệu để giải quyết các vấn đề khó khăn thực sự không phải là cách làm quen thuộc đối với tất cả doanh nghiệp, nhưng nó là chìa khóa chiến lược của hầu hết các công ty thành công nhất trong thập kỷ qua.

Tại sao lại là dữ liệu?

Dù Amazon đang phát triển mạnh mẽ, 85% giao dịch mua sắm của người tiêu dùng Mỹ vẫn được thực hiện tại các cửa hàng thực, theo trang CNBC. Nhưng cuộc cạnh tranh đang gay gắt hơn bao giờ hết. Người tiêu dùng vẫn hết sức đắn đo khi đưa ra quyết định mua hàng. Và đó chính là "kẽ hở" cho dữ liệu bước vào.

 

 

Chuỗi siêu thị Wal-Mart từng làm các nghiên cứu về thời tiết và phát hiện ra rằng, khách hàng có xu hướng mua những loại quả mọng nước (berry) khi ngoài trời có gió nhẹ và nhiệt độ dưới 800F (khoảng 27OC). Dựa vào đó, các cửa hàng Wal-Mart sắp xếp lại hàng hóa và tăng cường quảng cáo tại địa phương tương ứng để tối ưu hóa doanh thu. Nỗ lực này đã giúp doanh thu bán hàng tăng lên 300%.

Thực tế, các nhà bán lẻ thường đưa ra quyết định sắp xếp hàng hóa và giá cả dựa trên cảm xúc hoặc kinh nghiệm quản lý của mình. Dữ liệu sẽ giúp họ không mắc sai lầm, nói như Jay Samit thì nguyên do là vì dữ liệu "không có cái tôi".

Các nội dung tuyển dụng từ Macys Inc., Nordstrom Inc. và VF Corp. cho thấy các nhà bán lẻ đang đầu tư nghiêm túc vào dữ liệu để cải thiện kết quả kinh doanh. Hãng bán lẻ Macys đặc biệt chú trọng mở rộng đội ngũ làm việc với dữ liệu. Justin MacFarlane - Giám đốc Chiến lược đột phá của Macys nói: "Cách nay 5 năm, nếu bạn nói rằng có một đội ngũ khoa học gia dữ liệu tại Macys đang nghiên cứu vấn đề chiến lược, mọi người sẽ nghĩ rằng bạn bị điên. Nhưng hiện tại, sức mạnh thực sự của dữ liệu và việc phân tích dữ liệu đã được phát huy".

Tuy nhiên, không phải nhà bán lẻ nào cũng dễ dàng thu hút được các chuyên gia phân tích dữ liệu về làm việc. Trong bối cảnh nhiều công ty ở mọi lĩnh vực đều đang "săn đầu người", những chuyên gia giỏi nhất thường thích làm việc cho các hãng công nghệ hoặc các công ty tài chính ở Phố Wall.

Hơn nữa, theo Paul Chatlos - nhà tuyển dụng các chuyên gia dữ liệu cho Smith Hanley Associates (một agency tuyển dụng, kết nối việc làm trong ngành dược, dữ liệu và thống kê), các nhân tài trong lĩnh vực này dễ bị tác động bởi cảm giác ngành bán lẻ đang chết dần. "Bán lẻ không hấp dẫn lắm, hầu hết các chuyên gia phân tích dữ liệu đều muốn làm việc cho công ty công nghệ, thương mại điện tử hoặc có liên quan đến kênh trực tuyến", ông nói.

Nguồn: AMICA sưu tầm / Nhịp cầu đầu tư

Tags: 3

BÀI VIẾT LIÊN QUAN