Chợ truyền thống: Kênh phân phối hàng Việt hiệu quả

Việc đưa những mặt hàng truyền thống, đặc trưng của vùng, miền vào chợ truyền thống sẽ biến nơi đây thành một kênh quảng bá, tiêu thụ hàng Việt rất hiệu quả.

Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" chỉ rõ: Đến năm 2015, tăng thị phần hàng Việt có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa lên trên 70%. Nếu làm được điều này, đây sẽ là kênh phân phối hàng Việt rất hiệu quả.

Chưa khai thác triệt để

Chợ Đồng Xuân là một trong những chợ đầu mối lớn, quan trọng của Hà Nội và cả nước. Với hơn 2.300 hộ kinh doanh, mỗi ngày có khoảng 15 - 20 tấn hàng hóa được lưu chuyển từ chợ này đi các tỉnh, doanh thu hàng năm đạt trên 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ hàng Việt tại chợ lại chưa cao và chỉ tập trung ở những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp, như thủ công mỹ nghệ, may mặc...

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có trên 9.000 chợ truyền thống, phân phối khoảng 80% lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Sau 5 năm triển khai CVĐ, nếu tỷ trọng hàng Việt tại các kênh phân phối hiện đại đã tăng lên 90% thì tại các chợ truyền thống, tỷ lệ này chưa đáng kể. Hàng hóa chỉ tập trung ở một số mặt hàng: bánh kẹo, đồ thủ công..., còn ở các nhóm hàng khác như điện tử, quần áo may sẵn, hoa quả... tỷ trọng hàng Trung Quốc vẫn rất cao.

Nhiều tiểu thương chia sẻ, hàng Trung Quốc chiếm thị phần cao ở chợ truyền thống là do các doanh nghiệp (DN) nước họ thường xuyên đến tiếp thị sản phẩm; sẵn sàng bỏ mối số lượng ít hoặc nhiều theo nhu cầu của tiểu thương; đồng ý lấy hàng trước, trả tiền sau... "Với những mặt hàng mới, chúng tôi có thói quen lấy một lượng hàng nhỏ để thăm dò nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, do vốn ít, chúng tôi thường trả tiền đơn hàng một lần, vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, các DN Việt Nam lại yêu cầu cung cấp những đơn hàng lớn, trả tiền trước... nên rất khó khăn", chị Nguyễn Thị Dung - tiểu thương kinh doanh giày dép tại chợ Đồng Xuân - nói.

Việc chưa tìm được "tiếng nói chung" giữa tiểu thương và DN Việt khiến việc lấy nguồn hàng phải qua trung gian, đẩy giá sản phẩm lên cao.

Ông Trần Nguyên Năm -Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương):

Hàng Việt hoàn toàn có cơ hội giành thị trường tại phân khúc chợ truyền thống nếu DN biết cách làm thế nào để tiểu thương thấy lợi ích, có tương lai lâu dài.

Liên kết để đưa hàng Việt vào chợ

TS.Hoàng Thọ Xuân - chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu thương mại - cho biết, chợ truyền thống đã và vẫn sẽ là kênh phân phối được phần lớn người tiêu dùng Việt Nam chọn lựa bởi có nhiều ưu điểm, như hàng hóa phong phú và giá rẻ, vị trí thuận lợi, gần các khu dân cư... Bởi vậy, DN Việt cần liên kết chặt chẽ hơn với các tiểu thương để đưa hàng Việt đến gần người tiêu dùng.

Theo đó, ngoài việc kịp thời nắm bắt mẫu mã trên thị trường, tăng chất lượng hàng hóa, quan trọng nhất là DN trong nước cần linh động trong phương thức kinh doanh: Thường xuyên tiếp thị hàng hóa, linh hoạt về lượng đơn hàng hoặc phương thức thanh toán..., đặc biệt là giá rẻ. Do vậy, lựa chọn những mặt hàng có giá cả phải chăng đưa vào chợ truyền thống chính là yếu tố hàng đầu giúp hàng hóa Việt có chỗ đứng tại kênh phân phối này.

Ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) - khẳng định: "Người tiêu dùng khi đến chợ của một địa phương nào thường muốn mua hàng truyền thống của địa phương đó. Việc đưa những mặt hàng truyền thống, đặc trưng của vùng, miền vào chợ truyền thống sẽ biến nơi đây thành một kênh quảng bá, tiêu thụ hàng Việt rất hiệu quả".

Nguồn: Báo Công Thương - AMICA sưu tầm

Tags: 3

BÀI VIẾT LIÊN QUAN