Việc bán toàn bộ hệ thống kinh doanh Cash & Carry ở Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan với giá chuyển nhượng lên đến 655 triệu euro (khoảng 879 triệu đô la Mỹ), Metro có phải đóng thuế chuyển nhượng tài sản hay không đang là câu hỏi được dư luận rất quan tâm hiện nay.
Đến thời điểm hiện tại đơn vị quản lý đầu tư của Metro Việt Nam là Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM vẫn chưa nhận được công văn chính thức nào của Metro về việc chuyển đổi sở hữu và Cục thuế TPHCM cũng chưa nhận được thông báo chuyển nhượng vốn. Mọi thông tin về thương vụ mua bán này, các cơ quan quản lý doanh nghiệp và thuế chỉ được biết qua báo chí.
Theo một nguồn tin từ phía Cục Thuế TPHCM hiện cơ quan này đã có công văn yêu cầu phía Metro Việt Nam báo cáo về việc chuyển nhượng, từ đó mới tính được thuế chuyển nhượng của doanh nghiệp này.
Thực tế, thỏa thuận bán lại toàn bộ 19 trung tâm bán buôn ở Việt Nam cho BJC của Metro vừa mới đạt được ở Đức khoảng 2 tuần nay và theo kế hoạch, hai bên sẽ hoàn tất việc chuyển nhượng này trong nửa đầu năm 2015. Do đó, Metro và BJC còn một thời gian dài để làm thủ tục chuyển nhượng.
Theo cơ quan thuế nếu việc chuyển nhượng có phát sinh thu nhập thì chắc chắn Metro phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Bởi lẽ pháp luật về thuế của Việt Nam đã quy định rất cụ thể và hướng dẫn khá đầy đủ vấn đề này.
Tại khoản 2, điều 14 Thông tư số 123/2012 của Bộ Tài chính (hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp) quy định căn cứ xác định tính thuế thu nhập từ chuyển nhượng vốn: thu nhập tính thuế bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn chuyển nhượng và chi phí phát sinh.
Trong đó, giá chuyển nhượng được xác định là tổng giá trị thực tế mà bên chuyển nhượng thu được theo hợp đồng chuyển nhượng. Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng vốn quy định việc thanh toán theo hình thức trả góp, trả chậm thì doanh thu của hợp đồng chuyển nhượng không bao gồm lãi trả góp, lãi trả chậm theo thời hạn quy định trong hợp đồng; trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc cơ quan thuế có cơ sở để xác định giá thanh toán không phù hợp theo giá thị trường, cơ quan thuế có quyền kiểm tra và ấn định giá chuyển nhượng.
Trong trường hợp của Metro đến nay do chưa có báo cáo cụ thể của nhà đầu tư nên cơ quan quản lý chưa thể xác định được là Metro có nằm trong đối tượng phải đóng thuế chuyển nhượng hay không.
Tuy nhiên dựa theo một thông cáo báo chí của Tập đoàn Metro chính thức gửi đến các cơ quan truyền thông ở Việt Nam và Đức thì thương vụ chuyển nhượng này có giá trị 655 triệu euro (tương đương 879 triệu đô la Mỹ - PV). Thông cáo báo chí này cũng được đưa lên website của Tập đoàn Metro Cash & Carry, giới phân tích cho rằng số tiền chuyển nhượng công bố nói trên không thể là một con số ảo, trừ khi giữa Metro và BJC sau này có thỏa thuận ngầm để "biến hóa" số tiền này thành một con số khác thấp hơn hoặc bằng số vốn đầu tư của Metro ở Việt Nam để tránh bị đánh thuế chuyển nhượng.
Một người làm trong ngành thuế cho rằng bà không tin BJC sẽ chấp nhận khai báo số tiền chuyển nhượng thấp hơn số thực tế đã mua vì sau này nếu BJC chuyển nhượng lại cho một đối tác khác thì họ cũng phải bị đánh thuế chênh lệch.
Như vậy, điều quan trọng hiện nay là cần xác định tổng số tiền đầu tư 19 trung tâm Cash & Carry cùng danh mục bất động sản đính kèm của Metro ở Việt Nam trong 12 năm qua là bao nhiêu? Con số này hiện chưa được Metro công bố chính thức.
Theo số liệu tổng hợp về đầu tư của Metro ở Việt Nam, tính đến tháng 5-2013, tổng vốn đầu tư của 19 trung tâm Cash & Carry là hơn 301 triệu đô la Mỹ. Chưa có con số cập nhật đến ngày công bố bán cho BJC, nhưng giới quan sát cho rằng khoản đầu tư giữa năm ngoái đến nay là không đáng kể, bởi từ năm 2012 đến nay là giai đoạn đỉnh điểm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hầu hết các nhà phân phối, Metro đã tạm khép lại việc mở rộng đầu tư và chỉ tập trung kinh doanh hàng hóa. Vốn điều lệ của Metro Cash & Carry Việt Nam đến thời điểm nói trên cũng chỉ khoảng 103,57 triệu đô la Mỹ.
Như vậy khi tính ra thì chênh lệch giữa vốn chuyển nhượng và vốn ước đầu tư của Metro ở Việt Nam là khoảng 578 triệu đô la Mỹ.
Tuy nhiên, còn cần phải xác định chi phí chuyển nhượng giữa hai doanh nghiệp này nữa, mới xác định được thuế chuyển nhượng phải đóng của Metro. Theo quy định, chi phí chuyển nhượng bao gồm: chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng; các khoản phí và lệ phí phải nộp khi làm thủ tục chuyển nhượng; các chi phí giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng và các chi phí khác có chứng từ chứng minh.
Theo luật sư Lê Thành Kính, Trưởng Văn phòng luật sư Lê Nguyễn, nếu thông tin về giá bán và vốn đầu tư nói trên chính xác thì Metro sẽ phải đóng một khoản thuế thu nhập chuyển nhượng khá lớn (Theo quy định thì khoảng 20%). Một vị trong ngành thuế cũng có đồng quan điểm này.
Trước đó, ngay khi công bố bán hệ thống kinh doanh ở Việt Nam của Metro, báo chí quốc tế cũng nhận định rằng, qua thương vụ này tập đoàn Metro sẽ thu được một khoản lợi nhuận rất lớn. Trên một bản tin của Reuters dẫn hai nguồn tin am hiểu về thương vụ này, việc chuyển nhượng sẽ giúp tăng lợi nhuận của Metro trước lãi vay và thuế (EBIT) trong năm tài chính 2014/15 khoảng 400 triệu euro.
Hãng tin Bloomberg cũng cho rằng qua thương vụ này sẽ giúp tập đoàn Metro tăng lợi nhuận trước thuế và lãi vay thêm hàng trăm triệu euro trong năm nay.
Ngay chính tập đoàn Metro cũng cho rằng từ giao dịch này, tập đoàn dự kiến sẽ tạo ra một hiệu ứng EBIT tích cực đặc biệt mang về hàng trăm triệu euro cho năm tài chính 2014/15, theo một thông cáo báo chí của Metro.
Dư luận và giới quan sát đang chờ xem rốt cuộc Metro sẽ đóng bao nhiêu tiền thuế chuyển nhượng khi rút khỏi thị trường Việt Nam, bởi thực tế trong quá trình hoạt động Metro gần như không đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào, dù nhận được nhiều "ưu ái" hơn so với các nhà phân phối khác.
Thực tế cho thấy trong thời gian qua ở các địa phương việc thất thu thuế từ chuyển nhượng vốn cũng đã diễn ra. Chẳng hạn tại TPHCM, vào cuối năm ngoái, UBND TPHCM đã có công văn gửi Bộ Tài chính, nêu thực trạng phức tạp của việc chuyển nhượng vốn, trong đó các doanh nghiệp thỏa thuận với nhau bằng hợp đồng, sau đó làm các thủ tục thay đổi tên các thành viên trong giấy đăng ký kinh doanh. Việc mua bán thể hiện bằng nhiều hình thức mà cơ quan thuế chưa thể kiểm tra, kiểm soát, như hợp đồng khai với cơ quan thuế giá bán bằng giá vốn (không phát sinh thu nhập nên không phải nộp thuế), không cung cấp hợp đồng mua bán...
Các luật sư và chuyên gia có kinh nghiệm về chuyển nhượng vốn cũng nhấn mạnh rằng việc doanh nghiệp tìm cách có lợi nhất trong việc đóng thuế thu nhập là một hoạt động nghiệp vụ bình thường. Metro thì khẳng định việc chuyển nhượng này sẽ tuân thủ các điều kiện pháp lý và sự phê chuẩn của các cơ quan chức năng có liên quan.
Sau 12 năm, Metro Việt Nam có 19 trung tâm tại 14 tỉnh thành, 5 kho trung chuyển với tổng cộng 3.600 nhân viên. Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Metro, năm 2002 doanh thu của Metro ở Việt Nam đạt 38 triệu euro và tăng lên 516 triệu euro vào năm 2013. Mặc dù Việt Nam là thị trường có doanh thu lớn thứ 2 tại châu Á sau Trung Quốc, nhưng báo cáo ngành thuế công bố năm 2013 cho thấy Metro Cash & Carry đứng đầu bảng trong danh mục các doanh nghiệp FDI khai lỗ. Trong 12 năm hoạt động tại Việt Nam, duy nhất năm 2010, công ty báo lãi 116 tỉ đồng, nhưng do được chuyển lỗ của những năm trước đó nên chưa phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Các năm còn lại, con số lỗ của Metro dao động từ 89 đến 160 tỉ đồng. Do đó, thời gian qua doanh nghiệp này mới chỉ nộp thuế giá trị gia tăng, môn bài, tiền thuê đất, thuế nhà thầu và trở thành một trong những doanh nghiệp FDI bị giới kinh doanh đặt dấu hỏi về vấn đề chuyển giá. |
Theo Thesaigontimes.vn - AMICA sưu tầm