| ||
Trong suốt 6 năm chèo lái Sony, vận rủi chưa bao giờ thôi đeo bám Howard Stringer. Cứ mỗi lần Stringer đưa Sony vượt qua khó khăn thì y như rằng đại họa lại ập đến nhấn chìm mọi thành quả ông đã dày công gầy dựng. Ở tuổi 69, xem ra Stringer chỉ còn đủ thời gian cho một canh bạc cuối cùng tại Sony.
Vị CEO đen đủi Năm 2010, sau 5 năm vật lộn với vô số khó khăn để thực thi kế hoạch cải tổ Sony, Stringer đã tin tưởng rằng 2011 sẽ là một năm tuyệt vời với lợi nhuận hoạt động dự kiến cả năm sẽ đạt 2 tỉ USD cùng với nhiều dòng sản phẩm ra mắt thị trường như máy tính bảng, máy chụp ảnh du lịch 24 “chấm”, máy chơi game PlayStation cầm tay. Sony còn chuẩn bị cho ra mắt một hệ thống toàn cầu có khả năng kết nối tất cả sản phẩm của Hãng, từ phim, nhạc, trò chơi điện tử đến truyền hình, máy tính bảng, máy tính cá nhân và điện thoại, một nền tảng số như iTunes của Apple. Tuy nhiên, sự lạc quan của Stringer nhanh chóng bị tắt ngấm. Thảm họa động đất kèm theo sóng thần diễn ra tại Nhật vào ngày 11.3 đã khiến Sony phải đóng cửa tạm thời 10 nhà máy. Khoản lợi nhuận 2 tỉ USD được thay thế bằng khoản lỗ 3,1 tỉ USD, cao nhất trong 16 năm qua. Tiếp đó, vào tháng 6, Sony lại bị tin tặc tấn công, kết quả là mạng trò chơi trực tuyến PlayStation Network và nền tảng giải trí Qriocity đã bị tê liệt. Nghiêm trọng nhất là thông tin cá nhân của gần 100 triệu khách hàng của Sony đã bị mất cắp. Rồi đồng yen tăng giá, kinh tế toàn cầu có khả năng rơi vào suy thoái lần thứ hai khiến doanh số của Sony ngày một èo uột hơn. Gần đây, tình hình lũ lụt tại Thái Lan khiến mọi hoạt động của các nhà máy sản xuất linh kiện của Sony tại nước này bị ngưng trệ. Khi Sony kết thúc năm tài chính vào tháng 3.2012, khoản lỗ hãng này phải gánh chịu ước tính sẽ lên đến 1,2 tỉ USD. Cổ phiếu của Sony gần đây đã chạm mức thấp nhất trong 24 tháng qua trong khi giá trị thị trường của Hãng chỉ còn 17 tỉ USD, bằng một nửa thời điểm Stringer ngồi vào chiếc ghế Tổng Giám đốc (CEO). Tuy nhiên, không thể nói thất bại của Sony hoàn toàn là do những yếu tố bên ngoài. Chính văn hóa thủ cựu và bộ máy quản lý cồng kềnh của Sony mới là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của Hãng trong thời gian qua. Ánh hào quang xưa của Sony thường gắn với giai đoạn mà mỗi sản phẩm điện tử có thể hoàn toàn đứng riêng biệt, trong khi ở kỷ nguyên internet ngày nay, người tiêu dùng đòi hỏi mọi thứ phải được kết nối với nhau. Không chỉ bị Apple soán ngôi tại thị trường thiết bị nghe nhạc, Sony còn tiếp tục chậm chân trên thị trường tăng trưởng nhanh điện thoại thông minh và máy tính bảng. Ở thị trường truyền thống là tivi, tính đến nay, Sony đã lỗ tổng cộng 8,5 tỉ USD trong 8 năm gần nhất và tình hình kinh doanh bết bát này hứa hẹn sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2013. Samsung (Hàn Quốc), Vizio (Mỹ) và các hãng sản xuất điện tử mới đã giảm giá tivi xuống thấp đến mức Sony khó có thể cạnh tranh. Dù vậy, Stringer cũng không thể mạnh tay đóng cửa nhà máy hay cắt giảm nhân công, phần lớn là do văn hóa đảm bảo công việc trọn đời cho nhân viên đã ăn sâu vào các công ty Nhật. Văn hóa thủ cựu của Sony cũng đã nhiều lần khiến họ chậm chân so với đối thủ. Đầu thập niên 2000, khi Sharp, Samsung, LG và những hãng sản xuất tivi khác bắt đầu chuyển sang thế hệ tivi màn hình phẳng, Sony vẫn cho là sự ưu việt về công nghệ của mình là điều không hãng nào có thể vượt qua. Vì vậy, họ vẫn trung thành với dòng tivi Trinitron truyền thống. Sau cùng Sony cũng không thể đứng ngoài xu hướng tiêu dùng mới nhưng khi đó, Samsung và LG đã bỏ xa Sony về doanh số bán tivi trên toàn cầu. Năm 2006, khi Nintendo lần đầu tiên ra mắt máy chơi game cảm biến động Wii, Sony cho rằng sản phẩm này chỉ phục vụ một thị trường ngách. Thế nhưng, hiện nay, Wii là máy chơi game bán chạy nhất thế giới, còn vị trí của PlayStation 3 chỉ là thứ ba, sau Xbox của Microsoft. Tuy nhiên, không thất bại nào cay đắng hơn việc để iPod soán ngôi. Stringer thừa nhận: “Khi Steve Jobs phát hiện ra vấn đề, chúng tôi đã đi trước ông ấy. Khác biệt là chúng tôi đã nhận ra nhưng lại không thể làm gì bởi bộ phận Walkman không muốn thấy những chiếc CD nhạc biến mất”.
Ván bài cuối cùng Trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal gần đây, Stringer cho biết Sony đang tập trung sản xuất “một thế hệ tivi hoàn toàn khác biệt.” Đây được xem là một phần của “chiến lược 4 màn hình” nhằm cạnh tranh với Apple và hứa hẹn sẽ mang lại cho Sony một tương lai xán lạn. Chiến lược 4 màn hình của Sony sẽ tập trung chủ yếu cho 4 thiết bị: tivi, máy chơi game, máy tính bảng và điện thoại thông minh. Năm ngoái, mảng kinh doanh tivi của Sony đã lỗ 1,15 tỉ USD. Năm nay, con số này có thể sẽ tăng lên tới 2,2 tỉ USD, kèm theo dự báo sản lượng giảm xuống còn 20 triệu chiếc so với mức 27 triệu chiếc công bố hồi tháng 5 qua. Máy chơi game chính là một phần quan trọng trong chiến lược 4 màn hình của Sony bởi mảng kinh doanh này đang có doanh thu tăng trưởng với tốc độ 135% trong năm qua và mang về lợi nhuận đủ để bù đắp cho khoản lỗ của lĩnh vực tivi. Tuy nhiên, Sony cần chú trọng nâng cao vị thế vốn dĩ đang thụt lùi nhanh chóng của mình trên thị trường máy chơi game cầm tay. Theo nghiên cứu mới nhất của Flurry Analytics, năm nay, iOS và Android đang cùng nhau chiếm hơn 56% doanh thu từ thị trường máy chơi game cầm tay của Mỹ, tăng mạnh từ con số 34% của năm 2010 và 19% của năm 2009. Trong khi đó, thị phần của Nintendo lại giảm từ 57% vào năm ngoái xuống còn 36%. Và dù tăng trưởng cao nhưng thị phần của Sony lại chỉ đạt 6%, giảm gần một nửa so với con số 11% vào năm 2009. Khi thời gian giải trí của con người càng giảm và thời gian họ dành cho máy tính bảng càng tăng thì Sony càng phải nhanh chân hơn trong cuộc đua ở thị trường máy tính bảng. Sony cũng đã kịp ra mắt Sony Tablet S, dòng máy tính bảng đầu tiên của Hãng. Cuối tháng 10.2011, Sony đã hoàn thành mua lại cổ phần của Ericsson (Thụy Điển) trong liên doanh Sony Ericsson với giá 1,45 tỉ USD nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh với Apple và Samsung. Lần này, ngoài chiến lược “4 màn hình” được chuẩn bị chu đáo, một nền tảng công nghệ có khả năng kết nối tất cả sản phẩm, từ phim, nhạc, trò chơi điện tử đến tivi, máy tính bảng, máy tính cá nhân và điện thoại, vận may có thể sẽ mỉm cười với Stringer để ông có thể hoàn thành sứ mệnh vực dậy Sony.
| ||
Nguồn: amica.vn sưu tầm |
Canh bạc cuối của Howard Stringer – CEO Sony
- Ngày viết
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Thương hiệu
Top 10 Thương Hiệu Bắt Trend Ngày Quốc Tế Nam Giới 19.11 Độc Đáo Nhất
Có thể nhiều người không biết được sự tồn tại của ngày này – Ngày Quốc tế Nam giới 19.11. Tính tới thời điểm hiện tại thì ngày kỷ niệm này chín...
Thương hiệu
CoolPaste – Phiên Bản Giấy Của Kem Đánh Răng ColGate
Một dự án nghiên cứu sinh đến từ Federal University of Minas Gerais nhằm mục đích không sử dụng đồ nhựa bảo vệ môi trường. Và sản phẩm mà nhóm ...
Thương hiệu
Vì sao Coca-Cola ra đời trước nhưng lại không thể kiện Pepsi tội ăn cắp sáng chế còn Pepsi lại không thể cáo buộc Coca-Cola vi phạm bản quyền?
Bài viết dưới đây là chia sẻ của Robert Bonwell Parker, một luật sư chuyên về luật tranh tụng và giải trí. Lưu ý rằng do chủ đề liên quan đến h...
Thương hiệu
Những điều mà các Digital Marketer hiểu sai về Marketing
Vấn đề lớn nhất của ngành marketing trong thời đại công nghệ bùng nổ hiện nay đó là: Có quá nhiều digital marketer không biết điều cơ bản của m...
Thương hiệu
Coca-Cola và PepsiCo thời “healthy”: Ai sẽ vượt lên?
Khi nhìn vào bộ sản phẩm của Coca-Cola, chúng ta thấy đồ uống có gas vẫn chiếm hơn 70% hoạt động kinh doanh của công ty. Trong khi, PepsiCo tập...
Thương hiệu
Chiến dịch 'dắt mũi' khách hàng của Dunkin’ Donuts - “Bơm” mùi cà phê lên xe buýt, đem về thêm 29% doanh thu!
Sự kết hợp tài tình giữa âm thanh, mùi hương và vị trí chiến lược của cửa hàng Dunkin' Donuts đã tạo ra một chiến dịch marketing cực kỳ thông m...