Định vị Thương hiệu: 13 tiêu thức của Paul Temporal (P1)

Tiêu thức 1: Định vị dựa trên các tiêu chí chất lượng và thành tố giá trị (Features & Attributes)

Đây là tiêu thức định vị kinh điển thường được sử dụng với nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau kể cả các Nhãn hiệu hàng tiêu dùng danh tiếng, điển hình là các nhãn hiệu Unilever và của P&G. Các đặc tính sản phẩm hay thành tố hình ảnh thương hiệu (brand attributes) được sử dụng triệt để và nhất quán để nêu bật sự khác biệt, tốt hơn hay cả hai điều đó.

Trong ngành xe hơi, hầu hết các hãng xe đều sử dụng tiêu thức này để giữ cho các thương hiệu sản phẩm của mình một khoản an toàn vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh, hoặc nói cách khác là tạo trong tâm thức người tiêu dùng rằng nhãn hiệu của mình vượt trội.

Volvo là một điển hình thành công với tiêu chí an toàn (safety) sử dụng nhất quán và xuyên suốt và đạt thành công đến mức không ít các hãng xe hơi khác cố công định vị theo safety, và dĩ nhiên không thể thành công như người tiên phong Volvo (the nguyên tắc first-in của Al Ries & Jack Trout).

Tiêu chí vượt trội về giá trị của sự an toàn dẫn đắt và định hướng qúa trình nghiên cứu phát triển tạo ra những lợi ích sản phẩm xe hơi thiên về sự an toàn cho người sử dụng mà điển hình nhất là hệ thống túi khí.

Với chiến lược định vị sử dụng tiêu thức này, có thể tạo ra khả năng đi trước và sở hữu một giá trị hình ảnh (brand image attribute) nhất quán và lâu bền, nếu như tiêu chí được chọn phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong suốt một thời gian dài, như trường hợp safety của Volvo.

Các tiêu chí được chọn, tuy nhiên cũng thường dễ bị sao chép bởi những thương hiệu sau. Trong sự phát triển quá nhanh của khoa học và công nghệ, đối phương luôn có thể nhanh chóng bắt kịp và thỏa mãn cùng một tiêu chí, từ đó làm triệt tiêu các lợi thế cạnh tranh.

Tiêu thức 2: Định vị dựa trên Lợi ích sản phẩm (Benefits)

Tiêu thức này tương tự như tiêu thức trên, nhưng khác ở chỗ thay vì nói đặt tính hiện hữu của sản phẩm, tiêu thức này nói về hiệu quả lợi ích và đặc tính mà sản phẩm đó mang lại cho người tiêu dùng. Trong trường hợp kem đánh răng có chứa fluor (tức là feature), lợi ích mang lại là ngừa sâu răng (benefit).

Tiêu thức này thỏa mãn việc trả lời trực tiếp và câu hỏi của người tiêu dùng là “sản phẩm (nhãn hiệu) này mang lại cho tôi lợi ích gì”.

Nếu triển khai định vị cho tiêu chí safety của Volvo, ta có thể tuyên bố một lợi ích gần gũi hơn có thể là protection (bảo vệ). Dĩ nhiên tuyên bố này phải đi liền với một feature hiện hữu, như là túi khí an tòan trước vô lăng (airbag).

Đây là một tiêu thức rất hữu hiệu theo bởi tính linh họat của nó và khả năng thỏa mãn cả yếu tố duy lý (rational) và duy cảm (emotional) của người tiêu dùng.

Trong việc họach định chiến lược, tiêu thức này cần được đổi mới linh họat để phù hợp từng giai đọan định vị của nhãn hiệu. Cái gọi là unique selling point (USP) thực ra chỉ tồn tại trong từng chu kỳ ngắn của sản phẩm, do vậy chúng ta cần phải luôn dè chừng và tiên liệu trước những tiêu chí lợi ích mới hơn để giữ một trạng thái tiên phong định vị những gía trị mới. Chẳng hạn bộ vi xử lý Pentium phải luôn thay đổi liên tục về tuyên bố tốc bộ xử lý của mình, và cũng chính vì thế mà Pentium luôn là người thành công trong nhiều năm qua.

Tiêu thức 3: Phương pháp định vị theo Vấn đề & Giải pháp (Problem & Solution)

Đây cũng là một chiêu thức kinh điển được sử dụng trong các chiến lược định vị nhãn hiệu thành công. Cơ sở của tiêu thức định vị này là nhắm đến việc tập trung tìm ra những vấn đề mà ngay chính cả người tiêu dùng đôi khi cũng không nhận ra, hoặc nhìn nhận vấn đề dưới một góc độ khác.

Oracle là điển hình trong việc áp đụng tiêu thức định vị nói trên.

Các lĩnh vực đặc thù như Tài chính Ngân hàng, Công nghệ Thông tin và Truyền thông áp dụng tiêu thức này. Chúng ta hãy xem tình huống ví dụ sau đây:

Vấn đề: Điều gì xảy ra cho gia đình bạn gia đình nếu bản thân bạn gặp tai nạn bất ngờ trong cuộc sống?

Giải pháp: Hãy mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Thật ra tiêu thức định vị này ngày càng bộc lộ một số điểm bất lợi, đối phương có thể nhanh chóng nắm bắt cơ hội và thậm chí đôi khi họ thực hiện ở mức độ tốt hơn với những lợi điểm cao hơn. Rủi ro khác là đôi khi chúng ta không thể thực hiện đúng như lời cam kết về giải pháp đã hứa với khách hàng.

Tiêu thức 4: Tiêu thức định vị Cạnh tranh (Competition)

Một tiêu thức rất quan trọng nữa đó là xây dựng định vị dựa trên cạnh tranh. Chúng ta hãy tạm gọi đó là chiến lược định vị đối ứng. Mặc dù trong tình thế có thể là bị động, định vị đối ứng hay định vị cạnh tranh lại là điều bắt buộc phải làm trước khi có thể buột phải đi đến một quyết định định vị sai lầm khác hay một quyết định bỏ cuộc.

Đa phần các định vị theo tiêu thức cạnh tranh thường hay sử dụng phép so sánh. Chúng ta cần lưu ý phải sử dụng tiêu chí định vị so sánh một cách thật khéo léo, và trong mọi trường hợp hầu như không được phép nêu đích danh tên của nhãn hiệu cạnh tranh. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp chúng ta có thể sử dụng tên của một đơn vị trung gian, một đơn vị hay một nhãn hiệu có uy tín đứng ra bảo chứng cho ưu thế cạnh tranh định vị của mình.

Việc tuyên bố dẫn đầu hay phô trương ưu thế cạnh tranh của thương hiệu công ty đôi khi lại không có tác dụng hay không liên quan gì đến khả năng dẫn đầu hay ưu thế cạnh tranh của nhãn hiệu sản phẩm. Những tiêu chí chứng minh ưu thế cạnh tranh là đáng tin cậy về mặt luận lý hay pháp lý, nhưng đối với người tiêu dùng bình thường thì đôi khi họ không thể hiểu hay chấp nhận được.

Như vậy thì việc tạo ra một ưu thế sản phẩm mới chỉ là một nửa của vấn đề, phần quan trọng còn lại là sự khôn khéo chọn lưa tiêu thức định vị cạnh tranh cho phù hợp.

 

(Còn tiếp)

 

Nguồn: amica.vn sưu tầm

Tags: 2

BÀI VIẾT LIÊN QUAN