Hàng không giá rẻ lên ngôi Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, việc các hãng hàng không giá rẻ ồ ạt xuất hiện đã cạnh tranh gay gắt với các hãng hàng không truyền thống. Trên thế giới, hiện có rất nhiều hãng hàng không giá rẻ. Chỉ tính riêng ở châu Á, người ta cũng có tới hàng chục hãng như Zest Air của Philippines, Batavia Air, Merpati Air của Indonesia, Nokair của Thái Lan, Fly Viva Macau của Macao... Còn tại châu Âu cũng có nhiều hãng tại nhiều nước khác nhau, trong đó Ryanair được xem là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu lục này. Tại Mỹ cũng có nhiều hãng hàng không giá rẻ như Alaska Airlines, Horizon ... Tại Australia có lẽ các thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực hàng không giá rẻ phải kể đến như AirAsia, Jetstar, Tiger Airways, Virgin... Sở dĩ hàng không giá rẻ phát triển ồ ạt trên khắp thế giới bởi lĩnh vực này đang đạt mức tăng trưởng rất cao. Tại châu Âu và châu Mỹ, có khoảng 40% khách hàng lựa chọn các hãng hàng không giá rẻ cho các chuyến đi của mình. Trong khi đó, con số này là 20% tại châu Á. “10 năm trước, các hãng hàng không giá rẻ chỉ chiếm 1% thị phần thị trường châu Á.5 năm sau, họ đã chiếm khoảng 9% thị phần và con số này dự kiến tăng lên 20% trong năm nay”, nhà phân tích Brendan Sobie tại Trung tâm hàng không châu Á - Thái Bình Dương nhận định. Để đối phó với những thách thức này, một số hãng hàng không truyền thống tại châu Á đã đưa ra quyết định: "Nếu không thể đánh bại đối thủ thì tham gia trực tiếp vào ′cuộc chiến′ dịch vụ hàng không giá rẻ". Những tháng gần đây, nhiều hãng hàng không lớn hàng đầu châu Á như Singapore Airlines, Thai Airways International PCL và All Nippon Airways đồng loạt công bố kế hoạch thành lập các hãng hàng không giá rẻ. Cụ thể, hãng hàng không giá rẻ mới của Singapore Airlines dự kiến sẽ bay các chuyến đường dài và trung vào năm tới, trong khi Thai Airways dự kiến sẽ khởi động hãng hàng không giá rẻ của mình vào quý I2/2012. Hãng hàng không giá rẻ Nhật Peach Aviation - liên doanh giữa All Nippon Airways và First Eastern Investment Group, Hong Kong dự kiến sẽ mở các chuyến bay vào tháng 3/2012. Trong khi đó, một “đại gia” trong ngành hàng không khác ở Nhật Bản là Japan Airlines cũng đang xem xét để trở thành hãng hàng không giá rẻ trong quá trình tái cơ cấu. Một số chuyên gia đánh giá, động thái của một số hãng hàng không truyền thống là "liều lĩnh" song là một "canh bạc cần thiết" do sức ép mở rộng thị phần của các hãng hàng không giá rẻ. Chủ tịch Thai Airways, Ampon Kittiampon cho hay: "Trong môi trường kinh doanh hiện nay, chúng ta không thể tồn tại nếu không cạnh tranh trên mọi cấp độ". Trong khi đó, Nicholas Ionides, phát ngôn viên của hãng hàng không Singapore Airlines nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không lao vào thị trường này nếu không nghĩ đó là một ngành sinh lợi. Chúng tôi nhận thấy đây là một thị trường tiềm năng chưa được khai thác nhiều”. Lợi nhuận bằng 0? Tuy nhiên, tuyên bố của ông Nicholas Ionides khiến nhiều người không khỏi tò mò. Tại sao với những mức giá nhiều khi còn “rẻ hơn bèo” như 10 AUD từ Melbourne đi Malaysia hay một xu cho tuyến bay nội địa Melbourne-Sydney dài gần 1.000 km, hoặc Melbourne-Adelaide khoảng 800km mà phát ngôn viên này lại cho rằng, đây là ngành sinh lợi. Câu trả lời nằm ở những chiến lược cắt giảm chi phí khác nhau của các hãng hàng không giá rẻ. Một trong những biện pháp mà các hãng hàng không giá rẻ thường làm để hạ chi phí bay cho hành khách là cắt giảm đến mức tối đa việc sử dụng phí dịch vụ bay. Theo đó, các hãng hàng không giá rẻ không cung cấp đồ ăn, thức uống và một số dịch vụ như phân phát báo hoặc cắt các chương trình giải trí trên các chuyến bay. Ngoài ra, để giảm giá vé trong khi vẫn đảm bảo lợi nhuận, các hãng hàng không giá rẻ còn giảm thiểu chi phí vận hành bằng cách đỗ tại các sân bay nhỏ; cắt bỏ hoàn toàn đại lý bán vé máy bay để giảm chi phí đại lý và chi phí vận hành hệ thống máy tính đặt chỗ; không xuất vé mà cung cấp mã số vé điện tử cho khách hàng để giảm chi phí in ấn; buộc đội ngũ tiếp viên kiêm nhiệm luôn dọn dẹp khoang hành khách để hạ chi phí nhân công và khoảng cách giữa các ghế được thu hẹp nhằm tăng thêm số lượng hành khách cho mỗi chuyến bay. Thêm vào đó, các hãng này cũng áp dụng biện pháp đồng bộ hóa các chủng loại máy bay nhằm giảm chi phí sửa chữa, bảo dưỡng. Hơn nữa, máy bay của các hãng hàng không giá rẻ còn quay vòng hoạt động nhanh hơn. Trong khi các hãng hàng không truyền thống cần trung bình trên một giờ để đưa đồ ăn, thức uống, tạp chí, sách báo lên, xuống máy bay thì các hãng hàng không giá rẻ chỉ cần 30 phút. Vì vậy, các hãng hàng không giá rẻ được lợi nhờ cắt ngắn thời gian phục vụ mặt đất để có thể tăng thêm chuyến bay trong ngày. Bên cạnh những cách hạn chế tối đa chi phí, các hãng hàng không giá rẻ còn nghĩ ra không ít “chiêu” thu phụ phí nhằm bù đắp những khoản thâm hụt doanh thu. Độc đáo nhất trong số đó là hình thức thu phí đi vệ sinh tại những chuyến bay dưới một giờ, theo đó hành khách phải nộp một euro hoặc đồng xu một bảng Anh mới có thể sử dụng nhà vệ sinh. Ngoài ra, đối với một số hãng, hành khách còn phải trả thêm 50 euro để bay cùng một nhân viên mặc bikini hoặc ba euro để hút thuốc lá trong buồng vệ sinh được thiết kế lại cho phù hợp. Trong khi đó, nhiều hãng khác tính thêm tiền vé nếu hành khách đi cùng trẻ em dưới hai tuổi và đánh thuế hành khách mang thức ăn lên máy bay. Với giải pháp bù trừ hoàn hảo này cùng nhu cầu đi lại ngày càng cao trên thế giới, các hãng hàng không giá rẻ thực sự không những không lỗ mà còn lời lãi lớn. |