Quảng cáo trực tuyến xuất hiện nhiều hình thức “lạ”

Nếu như trước quảng cáo trực tuyến chỉ được biết đến qua các dịch vụ như: email marketing, banner, logo thì hiện nay quảng cáo trực tuyến đã được làm mới hoàn toàn. Có thể kể đến quảng cáo qua games online, bằng công cụ tìm kiếm, bán từ khóa (ads words), hiển thị ưu tiên hay danh sách nhà tài trợ…

Casual Game đón đầu quảng cáo trực tuyến “lạ”

Giới chuyên môn cho rằng, quảng cáo trong game online xuất hiện tại Việt Nam ngay từ những năm 2000 nhưng chưa được chú ý. Phải đến cuối năm 2006 khi VTC Game chính thức thức ký bản hợp đồng quảng cáo trị giá 200.000 USD trên Audition - một loại Casual Game (game giải trí đơn giản) với Samsung thì thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam chính thức đánh dấu sự sôi động.

Ngay sau bản hợp đồng “kỷ lục” của VTC Game, nhiều nhà kinh doanh game online đã không thể đứng ngoài “mảnh đất” màu mỡ này.

Hơn nửa năm thương hiệu và hình ảnh Samsung được “bố trí” trên sàn biểu diễn của game trực tuyến Audition đã có vẻ như đã cũ, hiện các hãng sản xuất có thể đặt làm các game với nội dung và đồ họa gắn với các sản phẩm dịch vụ của mình.

Không chỉ nhập game, rất nhiều công ty trong nước đã "đón đầu" thị trường quảng cáo này bằng ý tưởng xây dựng các game mới để “cài” quảng cáo theo đặt hàng. Gần đây nhất là dự án sản xuất các game flash trên trang web www.socvui.com (Sóc vui).

Có thể dễ dàng nhận ra Trò Xạ thủ Pepsi là một game quảng cáo của Pepsi. Kịch  bản game là bắn các lon Pepsi (sử dụng hình họa và thương hiệu pepsi) để thu thập điểm. Hay như trò Bóng đá Asian Cup có thể đưa logo, sản phẩm lên màn hình chờ, lên sân vận động, các banner quanh sân…

“Chi phí làm 1 game quảng cáo từ 10 đến 20 triệu đồng tùy theo yêu cầu của khách đặt về độ phức tạp cũng như mật độ xuất hiện quảng cáo trên game. Các loại Casual Game do có đồ hoạ đẹp, nội dung sát thực với đời sống nên luôn là môi trường lý tưởng để thu hút quảng cáo từ các thương hiệu hiện đại” - chị Trà My, trưởng Dự án Game Flash tại Sóc vui cho biết.

Đã xuất hiện quảng cáo bằng… tìm kiếm

Hàng loạt động thái chia phần “miếng bánh” quảng cáo trực tuyến mới tại Việt Nam đang được triển khai. Google và Yahoo đã tung ra các phiên bản tiếng Việt bao gồm công cụ tìm kiếm, danh mục website…Điều này cho thấy quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam đang hấp dẫn các đại gia “dot-com”.

Về phía các doanh nghiệp trong nước, cổng thông tin tích hợp đa ngành Tìm nhanh (www.timnhanh.com) với sự hỗ trợ của quỹ DFJ VinaCapital xem ra cũng chiếm được ưu thế bởi quy mô, tính thân thiện và tiện dụng cho người Việt.

“Cổng thông tin được xây dựng theo tiêu chí “one stop destination” (một điểm dừng cho tất cả), khi đăng nhập, người dùng có thể sử dụng cùng lúc nhiều chức năng tìm kiếm, website tin tức, giải trí, thị trường…” - ông Paul Nguyễn, Tổng Giám đốc Tìm nhanh cho biết.

Cũng như Tìm nhanh, dự án Bamboo của Công ty TNHH Truyền thông Việt Nam thời gian qua cũng không nằm ngoài mong muốn thực hiện quảng cáo trực tuyến qua công cụ tìm kiếm, bán từ khóa (ads words). Cùng với sự ra đời của hàng trăm website chuyên nghiệp “made in Viet Nam” khác, chưa bao giờ thị trường quảng cáo trực tuyến lại rộng mở với các doanh nghiệp trong nước đến như vậy.

Ai sẽ làm chủ “miếng bánh lớn”?

Đó vẫn còn là câu hỏi bởi Google, Yahoo có lợi thế của người khổng lồ và thời gian tồn tại trên thị trường khá lâu, nhưng các web site như Tim nhanh, Bamboo… lại có vẻ gần gũi và am hiểu thị trường nội địa hơn.

Theo Trung tâm internet Việt Nam (VNNIC), tính đến tháng 5/2007, số người sử dụng internet là đã tăng trên 16 triệu, chiếm 19,46% dân số, mức độ tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm ngoái - đứng thứ 17 thế giới về số lượng người sử dụng internet.

Sự ra đời của hàng trăm website, báo điện tử, hoạt động xúc tiến thương mại điện tử của các cơ quan chức năng và đặc biệt là sự kiện Việt Nam gia nhập môi trường kinh doanh toàn cầu WTO là những tiền đề cực kỳ thuận lợi để quảng cáo trực tuyến Việt Nam có những đột phá mới.

Trên thị trường quốc tế, năm 2007 Google mua lại DoubleClick với giá 3,1 tỷ USD, Microsoft thâu tóm aQuantive với giá 6 tỷ USD… để củng cố sự lựa chọn hàng đầu nhưng trong ngành công nghệ thông tin, không có điều gì có thể nói trước được.

Do rào cản ngôn ngữ, văn hóa… khiến người dân chưa thể tận dụng hết sức mạnh mà internet mang lại. Chính vì thế, các website xây dựng trên cơ sở ngôn ngữ bản địa, có nội dung đi sâu sát với thực tế đời sống sẽ chiếm ưu thế. Bài học thành công của Baidu - website dẫn đầu ở Trung Quốc, của YouTube, MySpace… đã cho thấy rằng không hẳn các “đại gia” quốc tế như Google, Yahoo luôn luôn làm “vua”, đặc biệt là ở thị trường Châu Á.

Ở Việt Nam chúng ta cũng có thể hoàn toàn tin tưởng điều này, với số lượng website khổng lồ, số người dùng internet ngày càng phát triển, cơ hội quảng cáo trực tuyến bằng nhiều hình thức mới là vô cùng hấp dẫn.

AMICA sưu tầm.

Tags: 2

BÀI VIẾT LIÊN QUAN