Bài toán cho nhân sự


Chương trình Ngày nhân sự Việt Nam 2009 (ngày 31.10 tại Hà Nội) thu hút gần 800 doanh nhân và cán bộ nhân sự. Nhiều vấn đề "nóng" về tuyển dụng, đào tạo của các DN được đặt ra.

Xuất phát điểm thấp

Việt Nam hiện có hơn 200.000 người làm công tác nhân sự. Việc đầu tư phát triển nhân lực đang được xem là yếu tố sống còn ở cấp DN và quốc gia.

Theo ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN, kinh tế VN có tới 3/5 điểm yếu liên quan tới vấn đề nhân lực: Cấu trúc không đồng bộ, nhân lực trình độ thấp, thị trường LĐ còn kém. Nhiều chỉ số cạnh tranh của VN ở mức thấp: Chỉ số giáo dục đào tạo là 2,8 điểm (Philippines: 3,6; TQ: 5,1; Singapore: 9,5), chỉ số đổi mới: 3,3 (Philippines: 4,1, Hàn Quốc: 7,9)... Ngoài việc thiếu vốn và công nghệ, DN VN còn yếu về năng lực quản trị. Ông Hoàng Đình Phi - Chủ tịch Cty Edu Viet - cho biết: "Khoảng 70% số DN VN có khả năng cạnh tranh từ mức độ trung bình trở xuống".

Phát triển đội ngũ nhân lực ra sao? Ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh xu hướng đào tạo nhân lực theo nhu cầu thị trường, chú trọng "đầu ra" của việc đào tạo. Ông Hoàng Đình Phi gợi ý mô hình đầu tư giáo dục và đào tạo của Trung Quốc, Singapore. Cấp độ DN cần chú trọng việc phát triển đội ngũ nhân sự với 3 tiêu chí: Đạo đức - năng lực - hoàn thành nhiệm vụ...

Ông Chris Harvey - TGĐ Vietnamworks VN - nhấn mạnh yếu tố tạo động lực cho nhân viên: Lãnh đạo cần tạo "văn hóa động viên" từ những cố gắng nhỏ của NV, chia sẻ và truyền cảm hứng làm việc cho NV.

Nhân sự cần gì?

Để quản trị tốt nhân lực, người làm nhân sự chú trọng điều gì? Nhiều GĐ nhân sự nhấn mạnh yếu tố: Kỹ năng làm việc nhóm, bằng cấp trong tuyển dụng, văn hóa ứng xử trong DN, chiến lược tuyển dụng, hài hòa quyền lợi giữa DN và NLĐ...

Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch TĐ Phú Thái - cho biết tiêu chuẩn cán bộ quản lý của TĐ gồm: Tài năng, đạo đức, làm việc tập thể, khát vọng cống hiến và có sự cam kết với DN. Yếu tố làm việc nhóm được ông Đoàn cho là điểm yếu của nhân lực VN: "Nếu nhân sự biết liên kết LĐ sẽ tạo ra sức mạnh tập thể, hiệu quả cho DN".

Ông Trần Xuân Lâm - GĐ TT ĐT và PT nguồn nhân lực, Cty FPT Software - chia sẻ: Muốn đánh giá đúng LĐ, người làm nhân sự không đơn thuần căn cứ vào bằng cấp, mà còn qua nhiều kênh người liên quan, chuyên môn, nhờ cộng đồng đánh giá... Tuyển dụng có cần chú trọng bằng cấp? Ông Lâm cho rằng: "Tuyển dụng quá coi trọng bằng cấp sẽ mất đi nguồn nhân lực giỏi, nhưng LĐ không có trình độ thì DN không phát triển được".

Về những thực trạng trong DN: LĐ thay đổi việc giữa chừng, tự ý nghỉ vì lý do riêng, thiếu gắn bó và cam kết, mang theo tài sản Cty..., ông Trịnh Đình Long - TGĐ Cty Amica - chỉ ra nguyên nhân: "DN giao quyền không gắn liền với trách nhiệm, quản lý mang nặng tư duy gia đình trị, chưa chú trọng công tác nhân sự. LĐ thiếu ý thức kỷ luật và trách nhiệm chung".

Để khắc phục điều này, ông Long nhấn mạnh giải pháp DN cần hoạch định nhân sự, quản lý có hệ thống, đặc biệt tài sản trí tuệ và thông tin lãnh đạo có trách nhiệm và xứng tầm, sử dụng thông tin "double-check" giữa các DN  khi tuyển dụng...


Nguồn: AMICA sưu tầm

Tags: 3

BÀI VIẾT LIÊN QUAN