Bạn đã đặt nhân viên đúng chiếc ghế của họ?

Khi nhân viên mới bắt đầu nhận việc, nhà quản lý lập tức điền họ vào một chỗ còn trống trong phòng làm việc với nhiều nhiệm vụ đang chờ họ giải quyết.

 

Nhưng thực ra, đối với một nhà quản lý giàu kinh nghiệm, việc giao một vị trí cho nhân viên khiến họ mất khá nhiều thời gian. Phải là sau một quá trình nhà quản lý tìm hiểu năng lực của nhân viên trong tình huống cụ thể, theo từng thời điểm thời gian, dựa vào hiệu quả công việc của họ, dù là nhân viên lâu năm, để khẳng định đâu là “chiếc ghế dành cho họ” và đặt họ ngồi đúng chỗ của mình.

 

Phải làm gì để tìm ra cho đúng chiếc ghế dành cho từng nhân viên? Sau đây là giải pháp chung cho bạn:

 

Thiết lập một bảng các điểm mạnh, điểm yếu năng lực từng nhân viên, lấy cơ sở đó để phân công công việc phù hợp với từng người. Mỗi người sẽ giữ vị trí mà mình làm tốt nhất công việc đó. Giúp nhân viên phát huy hơn nữa điểm mạnh và giảm thiểu hậu quả của các điểm yếu.

 

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, môi trường làm việc tích cực, năng động. Môi trường làm việc tân tiến thúc đẩy nhân viên sáng tạo nhiều hơn, mức độ sáng tạo cao hơn với tâm lý hân hoan, nuôi dưỡng niềm say mê với công việc và công ty. Xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp như một nhóm đồng nhất, chặt chẽ, tương hỗ với nhau.

 

Tạo áp lực công việc vừa phải, không quá áp đặt yêu cầu quá cao với họ. Áp lực đủ để nhắc nhở nhân viên hiểu trách nhiệm và nghĩa vụ của họ.

 

Điều tiết mối quan hệ sếp – nhân viên sao cho hợp lý. Không nuông chiều và uốn mình theo nhân viên, cho dù đó là nhân viên giỏi. Khó có thể đoán được điều gì sẽ xảy ra nếu họ được đáp ứng đòi hỏi một cách dễ dàng, và bạn sẽ trở thành “ sếp bù nhìn” trong mắt họ; và chắc chắn không lâu sau mối quan hệ giữa bạn và họ sẽ hỏng, có khi cả chiếc ghế của bạn cũng lung lay theo.

 

Giúp nhân viên hiểu rõ vị trí và đóng góp của họ cho công ty, cũng như trách nhiệm và quyền lợi của họ. Chính điều ấy khiến họ thấy mình quan trọng và có nỗ lực hơn để thực hiện tốt vai trò của mình, họ biết mình sẽ làm gì với vị trí ấy và cố gắng kiểm soát công việc tốt hơn so với trước kia.

 

Khi hoàn thành công việc, nhà quản lý nên có chế độ thưởng, phạt phân minh, rõ ràng. Đánh giá hiệu quả công việc, rút kinh nghiệm, trao đổi thẳng thắn một cách thường xuyên với tất cả nhân viên, với từng nhân viên. Qua mỗi dự án, nhà quản lý có thể cân nhắc lại việc phân công công việc cho nhân viên phù hợp hơn trong những lần sau, mục đích cao nhất của việc này nhằm đem đến hiệu quả công việc cao nhất.

 

Khi bạn đã cất công và dành thời gian cho việc giúp nhân viên ngồi đúng chiếc ghế của mình, mọi công việc chắc chắn được giải quyết nhanh chóng, chuyên nghiệp, đội nhóm của bạn sẽ ngày càng vững mạnh.

Nguồn: AMICA sưu tầm

Tags: 3

BÀI VIẾT LIÊN QUAN