Để giữ chân nhân viên giỏi

Ngoài mức lương cạnh tranh, các công ty còn đưa ra các chính sách phúc lợi và đặc biệt là những chương trình đào tạo để thu hút lao động. Hãy lấy đi 20 nhân vật quan trọng nhất của chúng tôi thì Microsoft sẽ trở thành công ty bình thường”- Bill Gates, nguyên chủ tịch tập đoàn Microsoft, đã tuyên bố như thế. Nhân viên được xem là tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp (DN). Chính vì vậy, tình trạng tranh giành nhân lực - nhất là nhân lực ở vị trí quản lý là vấn đề đang làm đau đầu nhiều DN trong và ngoài nước.

 

Mất nhân lực: Tốn từ 150% - 180% chi phí

Một cuộc khảo sát của Hiệp hội DN TPHCM trên 2.700 DN cho thấy, 100% DN đang gặp khó khăn về vấn đề nhân lực. Còn Công ty Bảo hiểm AIA và AIG lại đưa ra một thông số: Việc biến động nhân sự làm cho công ty mất đi từ 150% – 180% chi phí. Ngoài ra, việc biến động nhân sự còn làm cho các công ty mất đi lượng khách hàng từ 20% - 50%.

Theo ông Lê Quý Đôn, Giám đốc nhân sự Công ty Bảo hiểm AIA: Chi phí đó tập trung vào các khoản như phí quảng cáo, “săn đầu người”, phỏng vấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ... Ngoài ra, việc giải quyết chế độ cho nhân viên khi nghỉ việc hoặc giải quyết những tranh chấp (nếu có) cũng không nằm ngoài chi phí cho nhân sự. “Do đó, để tiết kiệm chi phí, không gì hơn công ty giữ chân nhân viên và khuyến khích nhân viên đó “đa năng hóa” năng lực, thể hiện hết khả năng vốn có của mình”- ông Đôn cho biết thế.

Thu hút qua phúc lợi và đào tạo

Ông Nguyễn Đức Phú, phụ trách nhân sự Công ty Aon, cho rằng: Hiện nay, ngoài mức lương cạnh tranh, các chính sách phúc lợi hay chương trình đào tạo là kênh giữ nhân viên hiệu quả. Và thực tế, mô hình này được áp dụng khá thành công tại các công ty như Coca-Cola, Pepsico, Unilever, P&G và những công ty hàng đầu của VN như Trung Nguyên, Kinh Đô, Biti’s... Ghi nhận tại Công ty Pepsico, để thu hút các vị trí quản lý, ngoài chính sách hỗ trợ tiền mua nhà, công ty còn hỗ trợ xe hơi cho nhân viên làm việc trên 5 năm. Ông Trần Trọng Gia Vinh, Giám đốc phát triển tổ chức Công ty Pepsico, cho biết: Hằng năm, ngoài những ưu đãi trên, công ty còn trích khoảng 15% trong tổng doanh thu cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Với hình thức này, những năm qua, công ty có thể giữ được những vị trí quản lý cao cấp.

Còn tại Công ty BAT với mô hình thử thách sáng kiến, công ty mở ra cơ hội cho sinh viên và những người mới vào làm việc trở thành nhà quản lý. Bà Phạm Vũ Minh Đan, Phó Giám đốc nguồn nhân lực Công ty BAT, cho rằng: “Chương trình này giúp nhân viên mới bộc lộ khả năng sáng tạo để từ đó, công ty chọn lựa, tiếp tục đưa đi đào tạo ở nước ngoài. Mỗi năm công ty dành khoảng 200.000 USD cho chương trình”.

Xây dựng kế hoạch tài chính trọn đời

Năm 2005, Công ty Bảo hiểm AceLife xuất hiện tại thị trường VN. Đến nay, sau hơn 1 năm hoạt động, công ty đã thu hút hơn 100 nhân viên giỏi cho các bộ phận. Điều này được ông Nguyễn Hồng Sơn, giám đốc tài chính công ty, lý giải: Đó là do công ty áp dụng chính sách thu hút nhân viên không chỉ bằng vật chất mà còn chăm lo về tinh thần. Công ty làm cho nhân viên hiểu rõ, khi rời khỏi công ty, họ sẽ được gì và mất gì. Trên bảng lương hằng tháng, ngoài mức lương, nhân viên còn biết rõ những chi phí mà công ty đã dành cho việc đào tạo họ. Qua đó, giúp nhân viên thấy rằng, công ty đã đầu tư cho họ rất nhiều.

Một “kế sách” khác để giữ chân người lao động của AceLife là xây dựng kế hoạch tài chính trọn đời cho nhân viên thông qua việc mua bảo hiểm hay cổ phiếu. Nếu nhân viên làm việc trên 5 năm, sẽ được công ty chuyển quyền sở hữu cổ phiếu hoặc bảo hiểm. Lãnh đạo công ty cho biết: Quy định thời gian như vậy, công ty cũng đã tính đến trường hợp, nếu nhân viên đó không muốn làm việc lâu dài, công ty cũng có đủ thời gian để đào tạo nhân sự thay thế.

Nguồn: AMICA sưu tầm
Tags: 3

BÀI VIẾT LIÊN QUAN