Văn hóa doanh nghiệp trong chiến lược nhân sự

Vấn đề nhân sự đang ngày càng trở nên gay gắt hơn trong bối cảnh khó khăn, lạm phát hiện nay. Nếu thu nhập là một yếu tố ngắn hạn và nhất thời để thu hút và gìn giữ nguồn nhân lực, thì yếu tố dài hạn và bền vững phải là văn hóa doanh nghiệp

 

 

Đối với các doanh nghiệp trong ngành Điện, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, phân phối điện năng, một ngành kinh tế mũi nhọn trong công cuộc hiện đại hóa- công nghiệp hóa đất nước, nguồn nhân lực luôn là một vấn đề nóng. Nóng ở chỗ: làm sao thu hút được thật nhiều người tài giỏi, và khi có người tài thì làm sao giữ được họ ở lại, phát huy được tài năng, cống hiến lâu dài…Tại sao nhiều người rất muốn xin vào công tác trong ngành điện? Thông thường, lương bổng và cơ hội thăng tiến là những yếu tố quen thuộc, bên cạnh đó viễn cảnh của vị trí công việc khiến con người ta quan tâm, suy nghĩ, cân nhắc để lựa chọn. Vì tâm lý con người thường là hướng về tương lai chứ không quá đặt nặng hiện tại.

Thời gian qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành Tài liệu Văn hóa EVN, đúc kết cả một quá trình hình thành và phát triển của ngành Điện, trong đó có nêu “ mọi hành động của EVN đều hướng tới con người, vì con người” ; như vậy ta có thể thấy rằng nếu văn hóa doanh nghiệp đã giúp thu hút người dễ hơn, hiệu quả hơn, thì yếu tố này lại càng đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và bảo vệ nguồn nhân lực. Lương và thưởng chưa phải là yếu tố quan trọng giữ được người. Theo tháp nhu cầu Maslow, lương và thưởng chỉ là cấp độ nhu cầu thấp nhất. Trong khi con người ta có nhiều nhu cầu cao hơn, phức tạp hơn, bức bách hơn, dai dẳng hơn.; Như: công việc làm ổn định, nhu cầu được an toàn, được là thành viên của tập thể, được biết đến vai trò cá nhân trong tập thể, được tôn trọng, được đánh giá cao trong tập thể, được thể hiện mình…Chỉ có văn hóa doanh nghiệp mới đáp ứng được những nhu cầu “cao cấp” này.

Nhu cầu trước tiên mà văn hóa doanh nghiệp mang lại cho các nhân viên, đó là cảm giác được ổn định, được an toàn. Đó là khi họ hiểu được định hướng chiến lược của doanh nghiệp mà mình đang phục vụ, và chia sẻ, đồng cảm với chiến lược đó. Nếu doanh nghiệp hoạt động mà không có định hướng chiến lược gì rõ ràng,, thì nhân viên sẽ có suy nghĩ rằng “vấn đề không có gì nghiêm túc”, và đây chỉ là một chỗ làm tạm thời trong khi chờ đợi một chỗ làm tốt hơn. Như vậy trong khi làm việc, họ sẽ làm với tâm thế “đến đâu hay đến đó”, cốt làm cho có, làm mà không chú tâm. Nếu Ban Lãnh đạo doanh nghiệp, và các cấp quản lý quan niệm, định hướng chiến lược là “”thông tin mật” chỉ được chia sẻ ở các cấp quản lý cao, và các nhân viên chỉ là cấp “ chỉ đâu đánh đấy”, không cần biết, thì khi đó các cấp quản lý sẽ trở thành những người dẫn đầu đơn độc, và họ sẽ rất dễ dàng đổ lỗi cho nhân viên là kém năng lực, không tâm huyết…

Nhân viên phải được thông tin về định hướng chiến lược của doanh nghiệp, dĩ nhiên là với các mức độ khác nhau tùy theo từng cấp độ của nhân viên. Đối với các cấp độ nhân viên thừa hành, để dễ đi vào lòng người, lãnh đạo nên cụ thể hóa, trực quan sinh động các chiến lược này, lồng vào các buổi họp, các cuộc tập huấn… Mục tiêu cuối cùng, là trách nhiệm thực hiện các chiến lược chung phải được san sẻ cho cả tập thể gánh vác, mỗi người một việc. Mỗi CBCNV đều tự cảm thấy rõ mình có vai trò trong doanhnghiệp, có trọng trách, nghĩa vụ phải hoàn thành một sứ mạng nào đó để nhằm phục vụ cho một “ý tưởng cao đẹp” nào đó. Đây là sự cam kết và tự nguyện ràng buộc dài lâu, chứ không còn là tâm trạng thả lỏng, dễ dàng. Khi đó, nhân viên đương nhiên tự hào và luôn gắng làm việc hết mình. Và nếu có sự hỗ trợ từ phía cấp quản lý nữa thì điều kiện trở nên thật tốt. Và toàn bộ doanh nghiệp sẽ như một cỗ xe tăng mạnh mẽ, rùng rùng lao về phía trước.

Văn hóa doanh nghiệp tạo ra môi trường làm việc đoàn kết, gắn bó, vui vẻ, thoải mái, lấy hiệu quả làm trọng. Trong đó các nhân viên được lắng nghe, được tôn trọng, được thể hiện mình.; đó quả là một điều kiện làm việc lý tưởng mà bất cứ người nào cũng mơ ước. Muốn vậy chính sách quản lý phải tạo điều kiện cho sự phân công, phân quyền mạnh. Nhân viên phải làm chủ công việc của mình, họ phải có đủ quyền hạn để có trách nhiệm với thành công, hoặc cùng chia sẻ thất bại trong công việc.. Mọi cơ chế phải được công khai, minh bạch, có công phải được thưởng, có tội phải bị phạt. Như vậy hệ thống lương, thưởng trong doanh nghiệp cũng được chi phối bởi nét văn hóa này. Chính sách và cách hành xử rõ ràng cũng tạo ra được cảm giác an toàn, cảm giác được bảo vệ, và tạo động lực làm việc cho các nhân viên.

Nếu văn hóa doanh nghiệp coi trọng nhân viên, lấy yếu tố con người làm tâm điểm phát triển, thì doanh nghiệp sẽ có chính sách, chương trình đầu tư vào nhân viên, bồi dưỡng và đào tạo cho nhân viên. Khuyến khích việc học hỏi, luôn đổi mới, cải tiến trong doanh nghiệp; Người biết nhiều, công tác lâu năm chỉ bảo cho người biết ít, người mới nhận việc; những người biết nhiều đua nhau để biết sâu hơn. Huy động trí tuệ tập thể để giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách, hoặc các vấn đề khó đòi hỏi sự nghiên cứu mổ xẻ thông tin qua hình thức các tổ, nhóm công tác. Quy định phải có các chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ định kỳ 3 tháng, 6 tháng…, xây dựng tủ sách doanh nghiệp…Các nhân viên được thụ hưởng các chính sách “trồng người” mang tính phát triển bền vững; họ sẽ cảm nhận được môi trường làm việc thật thu hút, luôn tươi mới, cải tiến liên tục. Và họ sẽ cảm thấy giá trị của mình được tăng lên theo thời gian, từ đó tạo ra sự tự tin, tích cực, năng động góp phần cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Việc đào tạo về chuyên môn rất quan trọng, nhưng bồi dưỡng về khí chất còn quan trọng hơn. Thời gian đào tạo chuyên môn ngắn và có hạn, trong khi việc bồi dưỡng khí chất là một quá trình dài, và liên tục, mà chỉ có văn hóa mới hun đúc nên được.

Văn hóa doanh nghiệp chỉ ra những giá trị chung nhất, những cách hành xử chung, tạo nên những tính cách chung cho doanh nghiệp. Ngành Điện của chúng ta cơ về cơ bản là doanh nghiệp dịch vụ, liệu có không quan niệm “nhân sự không quan trọng tài năng, mà quan trọng tính cách”! Chính tính cách chung của nhân viên tạo nên sự khác biệt, tạo nên lợi thế cạnh tranh độc đáo trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng của doanh nghiệp.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là cả một quá trình dài, nhưng có đi thì sẽ đến. Nếu người lãnh đạo vạch ra được một lộ trình có định hướng rõ ràng, thì việc đi trên lộ trình đó là một niềm vui lớn đối với các nhân viên. Niềm vui này chỉ những người đang cùng đồng hành mới cảm nhận được hết và trọn vẹn. Họ sẽ rất mong muốn, tự hào được cùng đi và cùng đến.

Nguồn: AMICA sưu tầm

Tags: 3

BÀI VIẾT LIÊN QUAN